Những vụ án có dấu hiệu oan: Quyết kết tội bằng được

Các cơ quan tố tụng chỉ chăm chăm buộc tội dù chứng cứ buộc tội khiên cưỡng, bỏ qua chứng cứ gỡ tội dẫn tới việc kết án không thuyết phục…

Theo luật, các cơ quan tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội... Luật là vậy nhưng thực tế không ít vụ cơ quan tố tụng chỉ chăm chăm buộc tội dù chứng cứ không rõ, khiên cưỡng, bỏ qua các chứng cứ gỡ tội dẫn tới việc kết án không thuyết phục, chẳng hạn như vụ án của Ngô Duy Tôn Nữ Hạ Huyền ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Vụ án này nằm trong danh sách 82 vụ án có dấu hiệu oan sai mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chuyển cho đoàn giám sát oan sai của Quốc hội. Dù vụ án đã khép lại hơn hai năm nhưng bị án vẫn kêu oan và ở bên ngoài, người mẹ già 60 tuổi của bị án vẫn cặm cụi gửi đơn khắp nơi kêu oan cho con.

Bị tội vì nhận quà giùm chồng?

Theo hồ sơ buộc tội, tháng 2.2012, Hạ Huyền (sinh viên cao đẳng) đang ngồi uống cà phê ở TP.Buôn Ma Thuột thì có người giới thiệu tên Năm, sống ở TP.HCM đến làm quen. Sau đó, Hạ Huyền đồng ý mua ma túy của Năm với giá 30 triệu đồng.

Tối 18.4.2012, Hạ Huyền đến Công ty Vận tải Anh Khoa ở TP Buôn Ma Thuột gửi 14,4 triệu đồng về TP.HCM cho Năm để mua ma túy. Hạ Huyền ghi các thông tin như người gửi là Na (tên con của Huyền - NV), số ĐTDĐ có đuôi 676, người nhận là Huyền (gọi là Huyền Huyền, chị của Huyền - NV)…

Sau đó, Năm gọi cho Hạ Huyền (sau đây gọi là Huyền) nói sáng hôm sau ra Bến xe Rạng Đông ở TP.Buôn Ma Thuột lấy “hàng”. Sáng 19.4.2012, Huyền đến Bến xe Rạng Đông lấy một gói nylon, trong đó có ruột gối ghi người nhận là Bé Na. Trên đường về, Huyền bị công an bắt quả tang.

Những vụ án có dấu hiệu oan: Quyết kết tội bằng được - 1

Bị cáo Huyền (tại phiên xử sơ thẩm) khẳng định mình bị oan. Ảnh: Internet

Theo kết luận giám định, trong ba gói nghi chứa chất ma túy trong ruột gối mà công an thu giữ, gói thứ nhất chứa heroin, trọng lượng hơn 12,8gr. Gói thứ hai chứa Methamphetamine, trọng lượng hơn 3,5gr. Gói thứ ba chứa Para-Methoxymethamphetamine, trọng lượng hơn 7,5gr (chất này chưa được đưa vào danh mục các chất ma túy).
Huyền bị khởi tố, truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tháng 9.2012, TAND TP.Buôn Ma Thuột xử sơ thẩm. Tại phiên tòa, Huyền khai chỉ đi nhận giùm quà cho người chồng tên Hải.

Theo đó, Hải nghiện ma túy nên bị đưa đi cai nghiện. Khi Hải cai nghiện về thì vợ chồng Huyền ly thân, chuẩn bị ly hôn. Tối 18.4.2012, Hải gọi điện thoại cho Huyền đến quán cà phê, bảo Huyền đưa giấy tờ xe máy để Hải bán xe lấy tiền xài (Hải sử dụng xe nhưng Huyền giữ giấy tờ). Không muốn bán xe, Huyền đưa cho Hải 5 triệu đồng. Cầm tiền, Hải chạy xe đi luôn để quên điện thoại có sim thuê bao có đuôi 676 trên bàn. Huyền bèn cầm điện thoại của Hải về.

Sáng 19.4.2012, một người đàn ông liên tục gọi đến máy của Hải. Huyền nghe máy, người này giục Huyền ra Bến xe Rạng Đông nhận quà cho Hải. Không nghi ngờ gì, Huyền chạy ra bến xe. Khi Huyền đến, có một người đưa gói quà là ruột gối bọc trong túi nylon, không ngờ trong đó lại có ma túy.

Dù vậy, TAND TP.Buôn Ma Thuột vẫn kết án Huyền 10 năm tù. Huyền kháng cáo kêu oan. Tháng 11.2012, TAND tỉnh Đắk Lắk đã hoãn phiên tòa phúc thẩm để yêu cầu điều tra bổ sung xác định nguồn gốc gói hàng, số điện thoại của Hải, hàm lượng heroin trong từng gói hàng…

Điều tra bổ sung: Khác cáo trạng

Cuối năm 2012, cơ quan điều tra (CQĐT) có kết quả điều tra bổ sung với các tình tiết khác hẳn kết luận điều tra và cáo trạng, cho thấy lời kêu oan của Huyền là có cơ sở.

Theo đó, Công ty Vận tải Anh Khoa tại TP.HCM cho biết tối 18.4.2012 có một phụ nữ đến nhận 14,4 triệu đồng mà bị cáo gửi, ký tên là Huyền Huyền (chị của bị cáo). Huyền Huyền khai 14,4 triệu đồng đó là bị cáo gửi trả nợ một phần cho vợ chồng chị vì trước đây bị cáo vay vợ chồng chị 50 triệu đồng.

Cạnh đó, nhà xe Rạng Đông (cả hai chiều TP.HCM lẫn TP.Buôn Ma Thuột) xác định trong hai ngày 18-19.4.2012 không nhận, trả gói hàng nào có ghi tên người nhận là Bé Na.

Ngoài ra, CQĐT cho biết Hải không có mặt tại địa phương nên không thể xác minh số điện thoại đuôi 676 có phải của Hải hay không. Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP.HCM thì không có mẫu chuẩn để xác định hàm lượng chất ma túy theo yêu cầu của tòa.

Nhiều tình tiết chưa rõ

Tháng 1.2013, TAND tỉnh Đắk Lắk mở lại phiên phúc thẩm. Tại phiên tòa, Huyền tiếp tục khẳng định việc đi nhận quà giùm chồng và khai do Huyền muốn ly hôn nên bị Hải hãm hại. Trong quá trình điều tra, Huyền bị ép cung nên mới từng khai nhận tội.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, bào chữa cho Huyền) đã yêu cầu tòa hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Bởi lẽ theo kết quả điều tra bổ sung thì bị cáo gửi 14,4 triệu đồng cho chị ở TP.HCM để trả nợ chứ không phải cho một người tên Năm để mua ma túy như cấp sơ thẩm quy kết. Nhà xe khẳng định không nhận, trả gói hàng nào cho người nhận tên Bé Na. Do đó án sơ thẩm xác định một người tên Năm gửi gói hàng chứa ma túy qua nhà xe cho bị cáo là sai sự thật.

Cạnh đó, CQĐT và VKSND đưa ra chứng cứ là các tin nhắn từ số điện thoại đuôi 676 để quy kết Huyền liên lạc mua ma túy nhưng Huyền khẳng định số điện thoại này của Hải, mà điều này thì CQĐT chưa làm rõ. Mặt khác, biên bản ghi nội dung các tin nhắn được CQĐT đưa vào hồ sơ sau khi tòa tỉnh yêu cầu điều tra bổ sung, trên đó có chữ ký của bị cáo nhưng bị cáo không thừa nhận chữ ký đó là của mình nên cần giám định chữ ký.

Ngoài ra, điểm 1.4 mục 1 Thông tư liên tịch số 17 ngày 24.12.2007 của Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Tư pháp quy định: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất ma túy... đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy”. Ở đây, cơ quan giám định không xác định được hàm lượng heroin trong tổng trọng lượng ma túy thu giữ. Trong đó, có một gói hơn 7,5gr Para-Methoxymethamphetamine chưa được đưa vào danh mục các chất ma túy nhưng cấp sơ thẩm không cho biết là có tính vào để kết án bị cáo hay không. Chưa kể trong hồ sơ có những biên bản làm việc, biên bản lấy lời khai trùng về thời gian...

Vẫn kết án

TAND tỉnh Đắk Lắk nhận định cáo trạng và bản án sơ thẩm kết luận bị cáo gửi 14,4 triệu đồng cho một người tên Năm ở TP.HCM là không đúng bởi số tiền này bị cáo gửi cho chị.

Tuy nhiên, tòa vẫn cho rằng Huyền đã dùng số điện thoại đuôi 676 gọi điện thoại, nhắn tin cho một số điện thoại khác để mua ma túy (tòa không xác định chủ nhân số điện thoại khác là ai - NV). Bị cáo không trực tiếp nhận ma túy từ văn phòng Bến xe Rạng Đông mà từ một người đi trên xe khách (tòa không xác định người này là ai - NV).

Về vi phạm trùng lặp thời gian trong một số biên bản làm việc, lấy lời khai của cấp sơ thẩm, tòa cho rằng không ảnh hưởng đến sự khách quan của vụ án. Các tin nhắn lưu trong điện thoại đúng với nội dung biên bản làm việc (tòa không xem xét yêu cầu giám định chữ ký của bị cáo - NV).

Cuối cùng, thay vì trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại vì các tình tiết tòa đưa ra khác kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, kết quả điều tra bổ sung nhưng lại chưa được điều tra và không có chứng cứ cụ thể chứng minh thì tòa tuyên y án sơ thẩm.

Những câu hỏi không lời giải đáp
 
Khi lật lại vụ án, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan tố tụng tại Đắk Lắk để đi tìm câu trả lời cho việc tại sao chứng cứ buộc tội trong kết luận điều tra, cáo trạng không rõ, sai sót; kết quả điều tra bổ sung cho thấy lời kêu oan của bị cáo có căn cứ mà cả hai cấp tòa vẫn kết án bị cáo. Đặc biệt, tòa phúc thẩm đã đưa ra những tình tiết khác kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm, kết quả điều tra bổ sung để buộc tội bị cáo, trong khi các tình tiết này chưa qua điều tra và không có chứng cứ cụ thể, vững chắc để chứng minh.
 
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng đều từ chối trả lời. Riêng TAND tỉnh Đắk Lắk, Phó Chánh án Đỗ Anh Phương (chủ tọa phiên phúc thẩm lần đầu) nói: “Toàn bộ hồ sơ đã được TAND Tối cao mượn, vụ án đã xảy ra lâu nên giờ không nhớ gì hết mà trả lời”. Chúng tôi đề nghị cung cấp hồ sơ để ông Phương đọc và nhớ lại, ông Phương cương quyết: “Chúng tôi không có nghĩa vụ đọc để nhớ”…
 
Một điều đáng nói khác, thời gian qua các tòa trong cả nước đều yêu cầu CQĐT, VKSND giám định hàm lượng chất ma túy rồi mới đưa ra xử theo hướng dẫn của TAND Tối cao. Riêng vụ án này không có kết quả giám định hàm lượng chất ma túy nhưng hai cấp tòa ở Đắk Lắk vẫn xét xử, tuyên án.
 
Không được TAND TP.Buôn Ma Thuột và TAND tỉnh Đắk Lắk hợp tác, chúng tôi đặt câu hỏi với vị kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm (VKSND TP.Buôn Ma Thuột) là làm sao có thể định khung hình phạt, đề nghị mức án 9-10 năm tù khi không biết hàm lượng chất ma túy bao nhiêu thì vị này im lặng.
 
“Ai mua thận, tôi cũng bán”
 
Huyền thụ án tù, để lại con thơ, mẹ già. Bà Hạnh - người mẹ già của Huyền hằng ngày vừa đi bán vé số kiếm sống, vừa cặm cụi gửi đơn khắp nơi kêu oan cho con. Bà không còn đủ sức nuôi cháu nữa phải gửi cháu vào chùa. Đến nay thì vợ chồng Huyền đã ly hôn, tòa buộc Hải cấp dưỡng nuôi con nhưng Hải bỏ đi đâu không rõ. Mỗi lần bà gọi cho Hải chỉ nghe đầu dây bên kia buông ra một tràng văng tục.

“Tôi không có tiền tàu xe ra Hà Nội kêu oan cho con. Nếu cứu được con, ai mua thận của tôi tôi cũng bán!” - bà vừa nói vừa khóc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngân Nga/Pháp luật TP.HCM
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN