Những sàn nhảy "tử thần" ở Sài Gòn (P.4)

Nhiều người vẫn nói như “chân lý” rằng: “Nếu TP.HCM không có quán bar, vũ trường thì sẽ vô cùng tẻ nhạt”. Nhưng mặt khác, để ngăn chặn những phức tạp do môi trường kinh doanh nhạy cảm này tạo ra lại là bài toán “đau đầu”.

Thượng tá - TS Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm nói về các nguy cơ dẫn đến tâm lý tội phạm tại bar, vũ trường cũng như nên tăng cường hiệu quả việc quản lý an ninh trật tự ra sao.

Nâng cao thông tin ngăn chặn

Mở đầu, TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, chính hoàn cảnh trong các quán bar, vũ trường đã góp phần kích thích tâm lý tội phạm.

“Tội phạm đang trẻ hoá rất nhanh bắt nguồn từ việc nhiều gia đình không hề có biện pháp quản lý con em mình từ sinh hoạt cho đến ý thức pháp luật. Thanh niên với tâm lý muốn khẳng định mình trong các cuộc chơi thường tìm đến quán bar, vũ trường và dễ bị cuốn theo tâm lý bầy đàn, gây án trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.

Nếu có sử dụng chất kích thích thì hậu quả là dẫn đến các vụ đâm chém, bắn giết nguy hiểm cho xã hội”, ông Đức phân tích.

Những sàn nhảy "tử thần" ở Sài Gòn (P.4) - 1

Cảnh sát dẫn giải một dân chơi trong bar ra ngoài vì hành động khiêu khích, gây hấn.

Cũng theo chuyên gia này, quán bar, vũ trường là những địa điểm kinh doanh nhạy cảm thuộc diện phải đáp ứng yêu cầu về an ninh trật tự.

Tuy nhiên, các vụ án xảy ra thời gian gần đây tại quán bar, vũ trường ở cả 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM cho thấy, việc thông tin ngăn chặn trọng án xảy ra là không cao.

Đơn cử như vụ việc nổ súng bắn người tại 030XClub, chém người ở Monaco, nếu lực lượng bảo vệ quán bar khi phát hiện ẩu đả trong quán, đánh giá được những lời đe doạ trả thù của cả 2 bên có thể đến một vụ việc nguy hiểm thì phải thông báo cho công an khu vực hoặc một cách đơn giản nhất là cảnh sát 113 xử lý kịp thời.

Việc án mạng xảy ra bắt nguồn từ mâu thuẫn khi đang nhảy trong bar rõ ràng cũng là điều chủ kinh doanh không hề muốn có, điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ sở kinh doanh.

Những sàn nhảy "tử thần" ở Sài Gòn (P.4) - 2

Mâu thuẫn nhỏ nhưng dẫn đến cao trào của hành vi phạm tội là điều đã xảy ra tại các quán bar đông người.

“Việc thông tin cho cơ quan công an khi phát hiện mất an ninh trật tự là nghĩa vụ công dân. Huống hồ gì anh làm nhiệm vụ bảo vệ mà lại để khách mang cả súng, mã tấu vào bar thì rõ ràng không làm tròn trách nhiệm”, thượng tá Đức nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của báo, hầu hết các vụ ẩu đả, xô xát khi xảy ra ở bar, vũ trường, lực lượng bảo vệ chỉ làm nhiệm vụ cho đến lúc mời cả 2 bên ra khỏi cơ sở kinh doanh là xem như hết trách nhiệm.

Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của cơ quan chức năng, những quán bar từng để xảy ra mất an ninh trật tự, đâm chém, giết người đều đã từng bị xử phạt lỗi kinh doanh quá giờ quy định. Sau 0h, khi trạng thái tinh thần mệt mỏi, cộng với nhạc dance, rượu mạnh thậm chí là ma tuý thì chỉ cần một xô xát nhỏ cũng có thể dẫn đến hành vi cuồng loạn, không kìm chế kịp được.

TP.HCM cần xiết chặt quản lý kinh doanh tại các quán bar, vũ trường. Cụ thể là tổ chức kiểm tra hành chính bất ngờ, thường xuyên, xử phạt nghiêm khi những nơi này vi phạm và đề nghị rút giấy phép nếu tái phạm nhiều lần. Chỉ có như thế mới kéo giảm triệt để được tình trạng án mạng tại những nơi được xem là “thế giới về đêm” này” - thượng tá Đức nói.

Chế tài, nhìn từ bài học bar Louis

Theo nhận định của một thành viên trong Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội TP.HCM (Đoàn kiểm tra- PV), vụ thanh toán rúng động tại bar Monaco vừa qua là một hậu quả đã được dự báo trước.

Vào tháng 3/2012, đoàn kiểm tra đã kiểm tra bar Monaco (khi đó là Nhạc trẻ Monaco Club) số 102 Lê Văn Thọ, P.9, Q.Gò Vấp), lập biên bản vi phạm hành chính tới…12 lỗi. Sau đó, yêu cầu đình chỉ kinh doanh đối với cơ sở này vì quá giờ quy định.

Những sàn nhảy "tử thần" ở Sài Gòn (P.4) - 3

Công an TP.HCM đã nỗ lực chặt đứt các nguồn cung thuốc lắc vào quán bar, vũ trường.

Vào thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, dù đã gần 3h sáng nhưng quán bar vẫn còn hơn 100 khách có mặt tại.

Thấy lực lượng chức năng ập vào, nhiều người bỏ chạy tán loạn. Trong khi đó, một số khác tiếp tục chúi đầu vào loa thùng lắc điên cuồng.

Theo Thượng tá Trà Văn Lào, Phó trưởng Công an quận Gò Vấp, đối với bar Monaco, trong năm nay công an quận đã phạt 28,6 triệu; đề nghị ủy ban quận phạt, đoàn kiểm tra liên ngành 814 phạt 97 triệu, phạt hành chính 2 lần.

Như vậy, sau nhiều lần bị xử phạt, mãi đến khi vụ án mạng xảy ra, cơ sở kinh doanh không phép suốt 4 năm này mới chính thức mới bị xóa sổ trên bản đồ “bay đêm”.

Vụ bar Monaco làm người ta nhớ lại lịch sử của quán bar tai tiếng một thời- bar Louis trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Dù hoạt động không giấy phép, bị cơ quan chức năng xử phạt gần chục lần, bar Louis khi đó vẫn tiếp tục kinh doanh quá giờ quy định.

Sau khi cơ quan chức năng triệt phá một đường dây gái gọi cao cấp ở bar này, 2 năm sau, “địa chỉ đen” tiếp tục bị phát hiện có thuốc lắc.

Nhóm PV theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành có mặt vào lúc đó, đã chứng kiến hơn 100 người đang lắc lư cuồng loạn bị dẫn giải về test ma tuý.

Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy, có 36 trường hợp gồm 15 nữ và 21 nam dương tính với heroin và Amphetamine (ma tuý tổng hợp).

Những sàn nhảy "tử thần" ở Sài Gòn (P.4) - 4

Hơn 100 dân chơi ở bar Louis- "địa chỉ đen" một thời ở trung tâm thành phố, bị tạm giữ test ma túy.

Hầu hết các đối tượng bị tạm giữ đều có tuổi đời từ 18 đến 30. Trong số này bước đầu có một thanh niên khai nhận là sinh viên hệ trung cấp của một trường đại học, một số Việt kiều Canada, Mỹ và một số là dân chơi tại các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội...

Sau vụ việc đình đám này, bar Louis tiếp tục ngoan cố đón khách chơi tới sáng thêm vài lần nữa. Cho đến khi UBND TP.HCM kiên quyết xử lý, địa chỉ “đen” này mới bị biến mất khỏi "bản đồ ăn chơi" của dân "sống về đêm".

Trao đổi với PV, Luật Sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, những hành vi vi phạm của hầu hết các quán bar nếu lặp đi lặp lại nhiều lần có thể sẽ xử lý truy tố về hành vi kinh doanh trái phép.

Tuy nhiên, hành vi này mức án cũng chưa thực sự cao, thậm chí rất nhẹ, có thể cải tạo không giam giữ dưới 2 năm. Do vậy, khó có thể răn đe, trong khi chủ cơ sở kinh doanh vì tham lợi nhuận nên cố tình vi phạm.

Với lợi nhuận khổng lồ thu được từ kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, nếu cơ quan quản lý không tạo ra các “cú đấm thép” sau khi phát hiện vi phạm tái diễn mà chỉ dừng lại ở phạt tiền, xử lý hành chính thì rõ ràng chế tài không đủ mạnh. Từ đó, dẫn đến khó ngăn chặn các rắc rối tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ phát sinh tội phạm như các vụ trọng án vừa qua”, ông Trường nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Quang (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN