Những quái kiệt ở tù: “Nhà thơ” quai búa

Nếu không vướng lao lý, cuộc đời của họ đã rẽ sang một hướng khác.

Với năng khiếu thiên bẩm, có thể họ đã trở thành một kỹ sư tài hoa, một nhà thơ lãng mạn, một thầy thuốc chữa bệnh cứu người hay thậm chí, có thể trở thành một nhà báo như tôi chẳng hạn.

Ngồi với họ cả tiếng đồng hồ, càng trò chuyện tôi càng thấy… nhói đau. Nỗi đau ấy, bản thân tôi cũng rất khó lý giải. Nó giống như phép cộng của sự tiếc nuối, phép nhân của sự thất vọng và phép chia của sự xót thương…

Kể cũng lạ, khi còn ở ngoài đời em cũng chẳng bao giờ nghĩ mình có thể làm được những việc như thế. Anh tính ở nhà quanh năm đánh bạn với cái lò rèn thì làm sao mà “phát tiết” ra được - Phạm Quang Thẩm, phạm nhân phân trại K3 Trại giam số 5 (Bộ Công an) tưng tửng nói như vậy khi thấy tôi cứ tâm đắc với tập thơ mà anh ta đã giữ ở đầu giường suốt mấy năm nay.

Đi tù bởi… số đen

Phải thừa nhận rằng, đọc những bài thơ của Thẩm tôi đoán chắc là gã là người rất có tâm hồn. Cái tâm hồn ấy ẩn khuất sau gương mặt xương xẩu, đôi bàn tay chai sần và cái bộ dạng lúc nào cũng lủ khủ lù khù. Càng ngạc nhiên hơn khi biết lý do khiến Thẩm tự tròng vào cổ cái án chung thân: Tội giết người.

Tôi giật mình nhìn lại, cố tìm cho mình một lý do để tin rằng con người đã gieo những vần thơ trên cuốn sổ kia phạm cái tội tày đình như thế. Tuyệt nhiên không thấy. Như hiểu được ý tôi, Thẩm cười cười, tại số em đen nên mới thế. Và cứ theo luận điệu của Thẩm thì từ năm 1988 đến nay, anh ta đã đen đến… 4 lần. Thẩm sinh năm 1968, quê ở Đô Lương, Nghệ An. Là con út trong một gia đình nông dân, năm nay đã 40 tuổi nhưng Thẩm vẫn chưa vợ con gì. Lý do cho cái sự muộn màng này là bởi cả thời tuổi trẻ của mình, phần lớn Thẩm “định cư” trong tù. Thẩm bảo, nếu không “nằm” đây thì em cũng nhiều gái theo lắm đấy. Có lẽ cũng vì lắm gái theo như vậy nên hồi còn ở ngoài, cứ có dịp “lấy le” với gái là Thẩm lại thể hiện hết mình. Khốn thay, cách “lấy le” của Thẩm lại chẳng giống ai. Người ta thì thể hiện bằng cách ăn nói hoặc tu chí làm ăn thì Thẩm lại thể hiện bằng cách đánh nhau.

“Vận đen” đầu tiên đến với Thẩm là năm 1988, khi mới tròn 20 tuổi. Cái án 1 năm cho tội danh gây rối trật tự công cộng chưa khiến người ta kịp quên thì năm 1991, Thẩm tiếp tục quãng thời gian 1 năm “cơm cân áo số” cho tội cố ý gây thương tích. Mẹ Thẩm dù thương con, nhưng thấy gã ngỗ ngược thế cũng nghĩ, đi tù 1 năm cũng ngắn, cứ để pháp luật dạy cho nó “trắng mắt” ra. Ra trại năm 1992, Thẩm “trắng mắt” được 2 năm thì lại “nhập kho” vì tội gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Lần này thì nặng, án phạt 3 năm. Lúc đó là năm 1994. Thẩm chép miệng, “số em không hiểu sao cứ đen đủ đường. Đi tù toàn vì những lý do lãng nhách”.

Người của muôn năm cũ

Người ta đi tù một lần đã sợ, còn với Thẩm, tù nhiều có lẽ gã đâm… quen. Cán bộ quản giáo khi nhìn thấy hắn quay lại chỉ còn nước thở dài. Thẩm bảo, hay cũng có thể số em là số ở tù anh nhỉ? Lúc ở nhà, học hết lớp 7 thì Thẩm rẽ ngang đi làm. Làm thợ rèn quai búa cho ông chú họ gần nhà, nhưng thu nhập cũng đủ cho một gã trai có tiền tiêu dư dả và giúp đỡ gia đình. 3 năm sau thụ án trở về, Thẩm cố tu chí làm ăn. Ai dè, gã chỉ tu được có vài tháng. Hôm ấy một thanh niên cùng xã đi xe máy trên đường vô tình quệt vào tay Thẩm, chẳng hiểu cãi cọ lời qua tiếng lại thế nào đôi bên xông vào nện nhau chí tử. Tức khí vì đã đau lại còn bị đánh, Thẩm lao vào quán nước ven đường vớ ngay con dao nhắm đối thủ chém thẳng cánh. Nhát chém ấy đã tước đoạt sinh mạng một con người, đồng thời chặt đứt luôn sợi dây níu giữ tự do của Thẩm.

Cái án chung thân năm 1997 cũng đặt dấu chấm hết cho mối tình của Thẩm với cô bạn cùng xã, người mà trước đó mẹ gã đã mang trầu cau đến dạm ngõ. Thẩm thực sự xót xa. Nỗi buồn ấy sau nhiều ngày nghiền ngẫm, Thẩm lặng lẽ trút vào những bài thơ tự sự. Thơ của Thẩm không phải quá xuất sắc, nhưng đọc cũng khiến người ta thấy nao lòng: Thế là anh tỉnh cơn say. Thế là em chịu đắng cay một đời. Thế là gió thoảng mây trôi. Thế là em đã quên lời thề xưa. Thế là hết sớm rồi trưa. Thế là bao nỗi cơn mưa ngập lòng. Thế là em đã đi xa. Thế là em đã quên ta mất rồi. Thế là thuyền đã chơi vơi. Thế là đã hết một thời bến mơ. Thế là… là thế người ơi! (Thế là).

Hay: Chẳng say mà cũng lạc đường. Chân đi chuệnh choạng như vương vấn gì. Một chiều phố cổ tôi đi. Vẳng nghe lá rụng có khi bần thần. Ngày xưa em ở rất gần. Giờ em và phố mấy lần xa xôi. Tôi đi chạm mặt bóng tôi. Mới hay tình đã cổ rồi phố ơi! (Chiều phố cổ).

Thẩm viết nhiều, khoảng vài trăm bài. Phần lớn là viết vào những lúc rảnh rỗi hay những lúc buồn nhớ về gia đình, bạn bè, tình yêu hay cuộc sống. Thẩm bảo, có một số bài em viết rồi gửi về cho mẹ như kiểu gửi thư bằng thơ vậy. Còn đâu em giữ lại như cuốn nhật ký của mình.

Tài năng phát tiết

Không chỉ có làm thơ, nhờ cái nghề quai búa hồi còn ở nhà Thẩm được cán bộ “trọng dụng” cho lao động ngay tại xưởng cơ khí trước cổng trại. Một mình một dinh cơ, tài năng của Thẩm bắt đầu được thể hiện. Lúc ấy Thẩm mới biết, hóa ra gã có thể làm được khá nhiều thứ mà xưa nay gã chưa bao giờ nghĩ tới. Phải nói là Thẩm khéo tay. Một miếng tôn méo mó nhưng qua bàn tay của Thẩm là có thể biến thành một chiếc ấm pha nước hết sức đẹp đẽ và tinh xảo. Chỉ với một cái lon sữa bò và một vỏ thịt hộp là Thẩm có thể cho “xuất xưởng” thành chiếc bếp đun bằng dầu ăn hay mỡ lợn mà lửa xanh lét y hệt bếp ga.

Hôm tôi đến phân trại K3 đúng lúc Thẩm đang hì hục bổ máy của chiếc máy cày. Trung tá Nguyễn Công Bằng, tổ trưởng tổ giáo dục bảo: “Công nhận tay này có khả năng học hỏi rất nhanh. Chưa bao giờ đọc sách hay học qua một lớp đào tạo về cơ khí, thế mà cứ lần mò tìm hiểu bằng thực tế bây giờ anh ta là một thợ sửa xe bậc nhất của trại này. Chỉ tiếc khả năng của anh ta lại không được đặt đúng chỗ. Nếu ở ngoài xã hội, chỉ cần yên vị với nghề gò, hàn hay nghề sửa xe, chắc chắn anh ta sẽ sống khỏe”. Chưa hết, nếu nói về nữ công Thẩm cũng là một tay may vá, thêu thùa vào loại thượng thừa. Dù rất muốn “bắt lỗi” như quả thực tôi không thể tin nổi bộ quần áo phạm nhân mà Thẩm đang mặc trên người được khâu hoàn toàn bằng… tay. Thẩm tâm sự: Có lẽ chỉ đến khi làm “tỉ phú thời gian” người ta mới biết tiếc những gì mình có.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Long - Đức Tuấn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN