Những nỗi đau sau bản án tử hình

Sự kiện: Tin pháp luật

Mỗi người chỉ có một tuổi trẻ để sống hết mình nhưng cũng không ít người chọn cho bản thân sự “hết mình” bằng tội ác… để trả giá bằng bản án tử hình. Nhưng đằng sau bản án đó vẫn còn những ám ảnh, những đau thương mà người ở lại phải gánh chịu.

Những nỗi đau sau bản án tử hình - 1

Những nỗi đau sau bản án tử hình. (Ảnh minh họa).

Tháng 9, tháng cao điểm của tòa án khi tòa liên tục đưa các vụ án trọng điểm, xôn xao dư luận ra xét xử; và cũng rất hiếm khi 2 ngày liên tiếp, Hội đồng xét xử tuyên 2 bản án tử hình đối với những bị cáo tuổi đời còn trẻ.

Những bị cáo mà tôi gặp ở chốn pháp đình, đặc biệt trong 2 ngày 19 và 20.9 làm tôi liên tưởng đến những con người được xếp ở tận cùng đáy xã hội. Trong 2 vụ án này, các bị cáo đều ở tuổi đời khá trẻ nhưng lại bị đưa ra xét xử với tội danh có khung hình phạt cao nhất.

Đặc biệt hơn khi cả hai phiên xử này đều xét xử trong cùng một phòng xử khá hẹp, cùng một thẩm phán, cùng một luật sư bào chữa và cùng một bản án…

Đằng sau thảm án

Vẫn còn nhớ, phiên xử Ma Văn Chiến (SN 1996) và Hoàng Văn Kính (SN 1996) cùng trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được diễn ra vào chiều 19.9 trong thời tiết nắng gắt, oi bức. Hai bị cáo được dẫn giải đến tòa từ khá sớm; đi nhanh về phòng xử là thanh niên cao ráo, gương mặt thất thần.

Vốn là người dân tộc Tày, từ Tuyên Quang lên Hà Nội làm việc, Ma Văn Chiến có được công việc làm nhân viên phục vụ trong một quán ăn với lương tháng 3 triệu đồng. Sau một thời gian, vì chán nản nên Chiến có ý định bỏ việc.

Trước khi bỏ việc, Chiến đã gọi điện cho Hoàng Văn Kính xuống Hà Nội để tìm đầu mối mua con cá rồng nhằm thực hiện trộm cắp cá bán lấy tiền. Xui cho chúng, con cá rồng bị chết ngay sau đó nên hai thanh niên không thực hiện được hành vi này. Chuyển hướng, Chiến bàn bạc với Kính lên kế hoạch cướp tài sản của chị H. (SN 1967, trú tại khu tập thế Hào Nam, Hà Nội) là chủ cũ của Chiến.

Để thực hiện hành vi cướp tài sản, hai đứa cùng nhau đi mua găng tay và dao tại chợ Đồng Xuân rồi đến khu tập thể nơi chị H sinh sống để “mai phục” cướp tài sản.

Bằng việc khống chế chị H. nhưng không thành công, hai thủ phạm đã vung dao đâm liên tiếp vào người chị H. khiến chị tử vong ngay sau đó.

Những nỗi đau sau bản án tử hình - 2

Ma Văn Chiến và Hoàng Văn Kính tại phiên sơ thẩm chiều 19.9

Một ngày sau khi Ma Văn Chiến và Hoàng Văn Kính nhận án tử, cũng vào một buổi chiều nắng gắt, Lê Quang Linh (SN 1988, trú tại Thanh Hóa), một gã thanh niên cao ráo với gương mặt điển trai như bao người dự phiên tòa nhận xét cũng bị đưa ra xét xử với 3 tội danh Hiếp dâm, Giết người, Cướp tài sản. Cô gái xấu số chết dưới tay “con ác thú” sinh năm 1995.

Nạn nhân Thu là con lớn trong gia đình có 3 chị em, sớm mồ côi mẹ, mọi gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người cha. Thương cha vất vả, cô nữ sinh quê Gia Lai quyết định nghỉ học, tìm việc phụ cha nuôi em. Ra Hà Nội, cô gái trẻ gặp Lợi (28 tuổi) là bạn trai. Sau khi nghe Thu tâm sự, Lợi điện thoại cho Linh nhờ xin việc hộ người mình đang có ý định cưới làm vợ.

Trong lúc người yêu vào phỏng vấn để xin làm công nhân may, anh Lợi cùng Linh ra quán ăn gần đó uống rượu. Một lúc sau, cô gái 20 tuổi đến chung vui cùng hai thanh niên. Sau cuộc rượu, Lợi dựng xe bên đường và ngủ quên. Lúc ấy, cô gái trẻ nhờ Linh chở đi lấy đồ ở gần đó.

Sau khi giúp Thu lấy quần áo, Linh nảy sinh ý định hiếp dâm nên đưa nạn nhân đến nơi vắng người ở khu đô thị Nam An Khánh để giở trò đồi bại. Bị phản đối, tên dâm tặc đấm mãnh khiến nạn nhân ngã đập đầu bất tỉnh. Không chịu dừng tay, Linh tiếp tục sàm sỡ, giở trò với người yêu của bạn.

Khi nạn nhân tỉnh dậy và kêu cứu, Linh dùng áo lót và quai túi xách siết cổ Thu đến chết. Hung thủ sau đó kéo xác Thu ra bãi cỏ rồi lấy điện thoại của nạn nhân và rời hiện trường.

Vết sẹo mang tên trẻ thơ

Theo lời chia sẻ của mẹ nạn nhân, Chiến làm nhân viên trông xe cho con gái bà tại quán cà phê của gia đình được khoảng 2 tháng. Trong thời gian làm việc, gia đình đối xử với Chiến như người nhà, cho tiền ăn cơm, mua nước, đôi lúc còn nấu cơm cho cậu ta ăn nhưng vì cái tật hay trộm tiền của chủ cũng như nhân viên khác trong quán nên gia đình đã sớm cho Chiến nghỉ việc.

“Gia đình tôi đối xử với nó như con cháu trong nhà nhưng sao nó lại lấy oán báo ơn thế, nó giết con tôi không thương xót, trên người cháu bao nhiêu vết dao đâm, máu chảy lênh láng”, mẹ chị H. kể lại trong nước mắt.

Bà buồn bã: “Từ khi con gái mất, cả gia đình trở nên trống trải. Ngày nào tôi cũng mất ăn mất ngủ; các cháu của tôi vẫn còn nhỏ và luôn đòi mẹ, nhiều lúc quá nhớ mẹ mà chúng gào khóc rồi đòi đi theo mẹ khiến tâm lý không ổn định, việc học hành giảm sút”.

Giọng nghẹn ứ nơi cổ họng, mẹ nạn nhân kể lúc con gái bị sát hại, bà đang ngồi cùng Bi (13 tuổi, con trai chị H.) ăn bún. Chứng kiến cảnh mẹ ngã giữa cửa, người đầy máu và chết sau đó, bé Bi bị ảnh hưởng tâm lý nặng.

"Mỗi lần nghe cháu ngoại nói muốn chết theo mẹ, tôi lại không cầm được nước mắt. Hai cháu đứa nào cũng quấn mẹ, tối đi ngủ đều nằm cạnh mẹ, giờ thì…", người phụ nữ có con gái bị đâm chết nức nở chia sẻ.

Những nỗi đau sau bản án tử hình - 3

Lê Quang Linh trong phiên xử chiều 20.9

Cũng tại căn phòng này, người vợ mới ngoài 30 tuổi của Lê Quang Linh với dáng người nhỏ bé, gương mặt có phần già hơi tuổi, những nếp nhăn in hằn quanh khóe mắt liên tục đưa tay quệt nước mắt khi nghe lại lời khai của chồng tại tòa.

Theo lời khai của Linh, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất éo le, mẹ mất 3 năm trước vì bệnh tim, cha bị tai biến, sau khi sinh, vợ dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm con. Hằng ngày, Linh làm công việc tại sân bóng, biết hoàn cảnh gia đình Linh khó khăn, chủ sân bóng luôn tạo điều kiện cho Linh được nhiều hơn mọi người, có việc gì là bà chủ lại gọi cho Linh đầu tiên.

Sau những lời khai ngắt quãng đó, anh ta quay người nhìn xuống dưới rồi bất ngờ quỳ gối, liên tiếp đập đầu xuống nền gạch tự tử. Chứng kiến cảnh tượng ấy, chị Nhung (vợ bị cáo) đưa tay bịt miệng, đứng bật dậy, ú ớ kêu gào trong tiếng khóc nức nở.

Đến khi nghe tòa tuyên bản án tử hình với chồng mình, chị Nhung không còn giữ được bình tĩnh, lao nhanh ra ngoài hành lang phòng xử án, khóc tức tưởi, tay ôm hai đứa con còn nhỏ với đôi mắt ngây thơ, trong sáng vào lòng, chị Nhung lại khóc to hơn.

Thấy mẹ nước mắt chảy dài, hai đứa nhỏ im lặng, ngồi gọn trong lòng mẹ, đôi tay mân mê bông hoa thủ công bố làm đưa cho lúc chiều. Chúng cứ ngồi lặng yên như vậy, không khóc, không vòi vĩnh, đầu tựa vào đôi vai bé nhỏ của người phụ nữ có chồng mang án tử.

Phiên tòa xét xử Lê Quang Linh kết thúc khá muộn, khi trời đã sẩm tối, ngoài trời lác đác vài giọt mưa. Khi này, chị Nhung dắt tay hai đứa con ra về, nước mưa hòa lẫn nước mắt, cứ lăn dài trên đôi gò má của người phụ nữ dáng người bé nhỏ. Ra đến cổng tòa, hai đứa trẻ ngước mắt lên nhìn mẹ, gọi “bố” khiến ai nấy đều xót xa.

Và cứ thế, người phụ nữ một tay bế đứa nhỏ, một tay dắt đứa lớn hòa vào dòng người đi đường, khuất dần, khuất dần sau ánh đèn đường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhã Thanh (Một thế giới)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN