Những giọt nước mắt khó gột rửa tội lỗi
Hắn đã chở bé gái đến một nơi vắng vẻ và dọa cháu nếu kêu lên sẽ giết chết.
Gần 4 tháng trời thực hiện hành vi thú tính của mình với cháu bé 11 tuổi, bản thân Nguyễn Văn Phong cũng không ý thức được cái giá mà mình phải trả, 20 năm tù là cái giá thích đáng cho việc làm của y.
Gã đàn ông thú tính …
Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1963, trú tại xã Văn Sơn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Phong có một gia đình hạnh phúc, 2 con đều chăm ngoan, một trai và một gái đều đã trưởng thành. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng trôi đi nếu không có những tháng ngày tội lỗi của Phong làm vấy bẩn. Ngày 8/3/2008, Phong đi xe máy đến nhà anh Hòa để giúp anh Hòa làm nhà (Phong làm nghề thợ mộc).
Đến nơi Phong không thấy có người lớn ở nhà, chỉ có cháu Trần Thị P. (SN 1997) ở nhà. Cơn thú tính điên cuồng của Phong trỗi dậy, hắn chở cháu P. đến một nơi vắng vẻ và dọa cháu P. nếu kêu sẽ giết chết. Mặc cho cháu P. van xin, Phong vẫn giởã trò đồi bại với cháu P. Sau khi thú tính, Phong đưa cho cháu P. 10 ngàn đồng, kèm theo lời tuyên bố: “Nếu mách với bố mẹ sẽ giết chết”. Sau lần ấy, lại nắm bắt được thời gian vắng nhà của bố mẹ P., Phong đến nhà bé P. thường xuyên hơn để tiếp tục thỏa mãn cơn thú tính. Trong gần 4 tháng trời, hành vi thú tính của Phong với cháu P. không bị ai phát hiện. Chỉ đến khi ông Nguyễn Văn T. hàng xóm (của cháu P.) tình cờ bắt gặp hành vi đồi bại của Phong và nói lại với bố mẹå cháu P. thì vụ việc mới vỡ lở. Bố mẹ P. chết lặng khi nghe tin dữ. Dù rất đau đớn nhưng không còn cách nào khác, bố mẹ P. đành phải làm đơn tố cáo hành vi mất hết tính người của Phong đến cơ quan công an. Ngày 22/7/2008, Phong bị công an huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang bắt vì tội hiếp dâm trẻ em. Sau đó, Phong bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 20 năm tù về tội danh này. Đến nay Phong đã thụ án được 4 năm.
Giọt nước mắt muộn mằn
Gặp Phong trong trại giam Ngọc Lý- Bắc Giang, y bước đi những bước đi chậm chạp, chiếc mũ cối như vật bất ly thân. Phong kéo chiếc ghế và ngồi xuống một cách khó nhọc. Cất tiếng chào tôi và cán bộ quản giáo, y chủ động nói trước: “Chị là nhà báo?”. Tôi chưa kịp đáp lại, Phong đã tiếp lời: “Chuyện xảy ra lâu rồi xin chị đừng nhắc lại, tôi không muốn nhắc lại những gì đã qua...”. Để trấn an tư tưởng cho kẻ tội lỗi, tôi hỏi thăm về gia đình, Phong trả lời dè dặt, thỉnh thoảng y ngửa cổ lên khó nhọc để hít thở không khí, tay không ngừng vân vê chiếc mũ cối. Đang ngồi, bỗng dưng run bần bật, đôi môi mím chặt. Im lặng một lúc, Phong nói trong tuyệt vọng: "Trước kia tôi khỏe mạnh, bây giờ phải vào đây do suy nghĩ nhiều nên tôi mới phát bệnh. Hiện nay tôi mang trong mình bệnh tim và huyết áp. Các y bác sĩ trong trại giam đang điều trị cho tôi. Tôi nghĩ có lẽ mình sẽ chết ở trong tù với những bệnh nan y này". Nói xong y thở dốc, xoay người ngồi tựa vào tường, ánh mắt đảo qua đảo lại như chờ xem tôi phản ứng gì. Tôi động viên y đôi lời và hỏi nguyên cớ vì đâu dẫn đến việc Phong phải suy nghĩ tới mức lâm bệnh? Y đáp: “Tôi đã đọc báo và được biết nhiều người hiếp dâm do nhiều tình huống khác nhau như say rượu, xem phim ảnh kích thích… Còn tôi, không làm chủ được bản thân, tôi cũng không muốn nói lại vết nhơ của bản thân mình…”.
Là người từng tiếp xúc với nhiều phạm nhân, tôi nhận thấy tâm lý của Phong luôn bất ổn. Phong giãi bày: “Dù thế nào tôi cũng là kẻ mang trọng tội. 20 năm tù là cái giá mà tôi đang phải gánh trả từng ngày. Nhưng tôi đã vô tình chuốc cả gánh nặng ngàn cân lên vai vợ con tôi vì đã làm họ bị tổn thương, phải chịu bia miệng của người đời". Nói đến đây hai hàng nước mắt của Phong chảy dài. Tôi hiểu dù Phong có khóc nhiều đến mấy thì những giọt nước mắt cũng không thể gột rửa được tội lỗi mà y đã gây ra cho cháu P. và sự ô danh đối với chính gia đình mình.