Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít"

Sự kiện: Kỳ án vườn mít

Dù tuổi đã cao nhưng với trách nhiệm trước “oan án”, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã không quản ngại đi gần 200 km để đến nơi đã xảy ra vụ án “hiếp dâm trẻ em”, “giết người” cách đây gần 10 năm tại huyện Hớn Quản - Bình Phước nhằm thực địa vào ngày 13/5.

Theo bà Hoài Thu, nguyên nhân khiến bà đi thực địa là vụ án Lê Bá Mai đã kéo dài nhiều năm, gây lãng phí tiền của cho xã hội, trong vụ án có nhiều vi phạm tố tụng, cần làm rõ, nếu oan sai thì phải giải oan và chấp nhận sự thật.

Còn theo ông Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi Lê Bá Mai làm thuê, cho biết sau khi Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM tạm hoãn phiên xử phúc thẩm (lần 3), bà Hoài Thu đã gặp luật sư luật sư Huỳnh Thế Tân (Trưởng Văn phòng Luật sư Tân & Đồng sự, Đoàn Luật sư TPHCM) và được luật sư cho biết chỉ mới nghiên cứu 1/3 hồ sơ nhưng đã phát hiện nhiều điều thể hiện vụ án… được dàn dựng, vì vậy bà Hoài Thu đã đi thực địa.

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 1

Vào mùa mưa (tháng 11/2004), con suối này luôn ngập nước qua nửa người thì xe máy không thể nào chạy qua.

Theo luật sư Huỳnh Thế Tân, một số điểm phi lý trong vụ án là: đường đi trên bản đồ rất mâu thuẫn với hiện trường vào thời điểm phát hiện ra xác của nạn nhân Thị Út (SN 1993). Thời gian lập bản đồ được dựng trước một cách chi tiết, cụ thể. Cả 2 kiểu vẽ đường thể hiện trong sơ đồ đều không thể đi vào bằng xe máy, nhất là vào mùa mưa vì bị ngăn cách bởi con suối khá sâu. Khi khám nghiệm hiện trường, chiếc xe máy được cho là Lê Bá Mai dùng chở Thị Út đã được dựng sẵn trong hiện trường.

Theo ảnh lưu lại khi thực hiện khám nghiệm hiện trường, thay vì nghi can phải đi trước thực hiện theo lời khai nhưng ở đây các điều tra viên, kiểm sát viên… đi trước, còn Mai lẽo đẽo theo sau.

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 2

Nhân chứng Thị Hằng luôn khẳng định Lê Bá Mai có treo 1 chiếc bình đựng nước đá màu đỏ trên xe, nhưng sau nhiều lần thực nghiệm điều tra, chiếc bình màu đỏ bỗng biến thành chiếc can nhựa...

Lê Bá Mai (SN 1982, quê Thanh Hóa) làm thuê cho trang trại của ông Dương Bá Tuân ở xã An Khương, huyện Bình Long (cũ), nay là huyện Hớn Quản - Bình Phước.

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 3

Bị cáo Lê Bá Mai trong một phiên tòa

Theo cáo trạng, sáng 12/11/2004, trong lúc đang rải phân cho cây trồng, Mai thấy Thị Út và Thị Hằng (SN 1995) đang mót củ sắn đó nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chở Út đến khu vườn mít gần đó rồi hãm hiếp nạn nhân. Sau đó, thấy Út còn thở, Mai lấy quần của Út siết cổ em đến chết rồi mang xác vùi gần một cây mít gần đó.

Đến ngày 16/11/2004, người thân của Thị Út đi tìm và phát hiện thi thể của Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy. Ngay sau đó Mai bị bắt và giam tại công an xã, đến ngày 17/11/2004 được dẫn giải về Công an huyện Bình Long (cũ).

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 4

Người thân của nạn nhân Thị Út tại phiên tòa xử bị cáo Lê Bá Mai ngày 3/1/2013

Tại cơ quan điều tra, nhân chứng Thị Hằng khai nhìn thấy một thanh niên mặc áo xanh, đội nón lá, đi xe máy màu xanh có chở theo bình đá màu đỏ. Tuy nhiên, sau đó Hằng khai rõ người thanh niên là Lê Bá Mai. Ngày 17/11/2004, Mai bị bắt.

Qua 8 lần xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm từ tháng 3/2005 đến nay cho thấy lời khai các nhân chứng Thị Hằng không khớp với các nhân chứng khác, hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn, thiếu sót trong việc khám nghiệm hiện trường, lời khai bị cáo bất nhất, cho rằng mình bị ép cung, vụ án còn nhiều điều cần làm rõ nên ngày 6/5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tạm hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 3) đối với Lê Bá Mai theo đề nghị của luật sư Huỳnh Thế Tân (Trưởng Văn phòng Luật sư Tân & Đồng sự, Đoàn Luật sư TPHCM)để có thời gian nghiên cứu hồ sơ, đề nghị HĐXX triệu tập đầy đủ các nhân chứng trong vụ án. Còn luật sư Bùi Quang Nghiêm nhận định đây là vụ án phức tạp, tồn tại việc mớm cung, ép cung và đề nghị HĐXX triệu tập thêm điều tra viên, kiểm sát viên trong phiên xử sắp tới.

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 5

Với khoảng cách 20 m, khó có thể đoán người đang ngồi trên cây là nam hay nữ, chiều cao người này bao nhiêu thế nhưng Thị Hằng (lúc đó mới 9 tuổi) vẫn có thể tả chiều cao của Lê Bá Mai, đeo bình xịt dung tích từ 16-18 lít!

Nguyên ủy viên BCH TW Đảng thực địa "kỳ án vườn mít" - 6

Bố của bị cáo Lê Bá Mai đã quỳ lạy bà Nguyễn Thị Hoài Thu khi biết bà Thu lặn lội hàng trăm km để thực địa hiện trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tân Tiến (Người Lao Động)
Kỳ án vườn mít Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN