Người mẹ kêu oan cho bác sĩ bị cáo buộc tội hiếp dâm

Bà Ngọc Lan đã bước vào hành trình cứu con đầy gian khổ, nước mắt bằng trực giác và tình yêu thương vô điều kiện của một người mẹ như thế.

Bà Lan ôm con trai (bị cáo Phương) sau khi tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

Bà Lan ôm con trai (bị cáo Phương) sau khi tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung

Tòa tuyên trả hồ sơ vụ án bác sỹ bị cáo buộc hiếp dâm nữ điều dưỡng vì thiếu chứng cứ buộc tội. Đây là một diễn biến gây bất ngờ với một vụ án gây rúng động dư luận Huế vì có nhiều mâu thuẫn, tranh cãi trước đó.

Hành trình hơn 400 ngày của người mẹ

Sáng 1/12, ngay khi chủ tọa phiên tòa công bố quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung vì thiếu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Lê Quang Huy Phương, bà Ngọc Lan (mẹ bị cáo Phương) ôm chầm lấy con.

Hơn một năm trước, ngày 25/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt giữ Lê Quang Huy Phương (37 tuổi, trú phường Vĩ Dạ, TP Huế), là bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế.

Phương bị bắt với cáo buộc có hành vi “Cố ý gây thương tích”, “Hiếp dâm” và “Bắt, giữ người trái pháp luật” đối với nữ điều dưỡng Dương Huỳnh Thu T., cùng công tác tại Bệnh viện T.Ư Huế.

Trong cuộc trò chuyện cuối cùng trước khi Phương bị bắt, bà Ngọc Lan đã cay đắng nói: “Nếu con làm việc đồi bại đó, hãy tự tử đi. Mẹ sẽ lập miếu thờ con hoặc tự tử cùng con”. Phương khi ấy đã ôm chầm lấy mẹ, khóc: “Mẹ ơi, con đã sai khi con đánh T. nhưng con không hiếp dâm. Mẹ hãy cứu con”.

Và bà Ngọc Lan đã bước vào hành trình cứu con đầy gian khổ, nước mắt bằng trực giác và tình yêu thương vô điều kiện của một người mẹ như thế.

Trong suốt hơn 400 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, người mẹ ấy có lúc tưởng đã không còn sống nổi, có lúc đã đột quỵ mỗi khi nghĩ tới những tai tiếng mà một gia đình có 3 đời hành nghề y phải hứng chịu.

Không chỉ mạng xã hội tô vẽ chân dung con trai bà như một “yêu râu xanh chuyên cưỡng hiếp gái nhà lành, nữ điều dưỡng T. chỉ là một trong những nạn nhân”, mà một số tờ báo còn nhanh chóng “kết tội” con trai bà thay tòa.

Qua cơn đột quỵ, bà Lan lê từng bước chân đến khắp các cơ quan chức năng để gửi đơn thư, từ địa phương đến Trung ương, gõ mọi cửa, cùng các luật sư thu thập mọi thông tin, hoàn thiện hồ sơ với mong muốn chứng minh con mình không phạm tội.

Hai ngày theo dõi những màn tranh tụng nảy lửa giữa các luật sư bào chữa với những người tham gia tố tụng trước tòa, lần đầu tiên, bà nở nụ cười sau hơn 400 ngày kêu oan cho con khi HĐXX tuyên trả hồ sơ.

Một cán bộ cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa nói với PV Báo Giao thông: “Lần đầu tiên trong 20 năm qua, tôi mới thấy một phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận đến vậy.

Và cũng lần đầu tiên tôi chứng kiến màn hỏi đáp rất gay cấn, nhiều tình tiết bất ngờ được luật sư thu thập, tung ra, khiến vụ việc xoay chuyển ngược lại với những nhận định ban đầu của cơ quan tố tụng cũng như dư luận bấy lâu”.

Giám định ghi âm và thương tật nhiều sai sót

Thực tế, qua tranh tụng công khai trước tòa, các luật sư bào chữa đã chỉ ra ra hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng, cả về hình thức lẫn nội dung.

Khoảng 10h30 ngày 17/9/2019, Phương gọi điện thoại cho một nữ bác sỹ trong khoa nhờ nhắn nữ điều dưỡng T. lấy thuốc làm đẹp da mang đến cho mình tại quán cà phê nơi Phương ở.

Chị T. không tới quán mà đi thẳng lên căn hộ của BS này trên tầng 2 chung cư, trên đường đi bật điện thoại ở chế độ ghi âm. Cáo trạng khẳng định, nữ điều dưỡng đã bị Phương khống chế, đánh đập nhằm mục đích xâm hại tình dục. Sau một thời gian chống cự, chị T. lợi dụng Phương mất cảnh giác đã mở cửa bỏ chạy.

Tuy nhiên, lời cuối trong băng ghi âm thể hiện, chị T. chủ động ra về mà không gặp bất cứ sự cản trở nào của anh này. Chị T. sau đó được giám định thương tật lần đầu cho kết quả 9%, sau đó nâng lên 37%.

Theo điều tra viên Lê Hữu Sỹ, một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan tố tụng khởi tố, bắt giữ Phương tội hiếp dâm và cố ý gây thương tích là băng ghi âm do nữ điều dưỡng nộp cho CQĐT và kết quả giám định thương tật.

Tuy nhiên, tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đã chứng minh, bản ghi âm đã thiếu 2.000 từ so với kết quả giám định độc lập, nhiều từ bị dịch sai hẳn về bản chất.

Còn rất nhiều lời nói của BS. Phương mà theo các luật sư là có ý nghĩa khẳng định không có ý định xâm hại tình dục hay hiếp dâm nữ điều dưỡng cũng không được đưa vào bản dịch.

Chính bởi vậy, dù cả điều tra viên và kiểm sát viên đều khẳng định trước tòa: “Có sai lệch trong nội dung ghi âm nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”, song HĐXX cũng đã ra phán quyết giám định bổ sung đoạn ghi âm đã được giám định.

Tương tự, kết luận giám định thương tật cũng được các luật sư chứng minh không có căn cứ pháp lý, hồ sơ giám định thiếu ¾ loại giấy tờ theo quy định.

Trước tòa, giám định viên Nguyễn Hoài An (Trung tâm Pháp y Thừa Thiên - Huế) lúng túng: “Sai sót này ra tòa chúng tôi mới biết, mà chúng tôi cũng không hiểu vì sao. Thật lòng như vậy”.

Một số câu hỏi của luật sư cũng chưa được làm rõ, như kết quả giám định bổ sung sau 2 tháng xảy ra vụ việc với kết luận thương tật vượt lên 37% (do thị lực 2 mắt còn 3/10) là vượt quá thời hạn, nên không được chấp nhận.

“Đã quá thời hạn thì cơ quan tố tụng phải tìm hiểu chị T. bị hỏng mắt do đâu, do ai khác hay bởi chính chị T. chứ không thể đổ cho BS. Phương được”, LS. Hoàng Hướng lập luận.

Đây cũng là lý do khiến HĐXX yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tật của nạn nhân tại thời điểm bị thương tích, do căn cứ để xác định tỷ lệ thương tật chưa rõ ràng. Một số tài liệu do cơ quan điều tra thu thập gửi cơ quan giám định để làm căn cứ giám định cũng chưa đúng quy định pháp luật.

Màn đối chất giữa BS. Phương với nữ điều dưỡng T. cũng hé lộ nhiều tình tiết bất ngờ. Trong đó, BS. Phương khẳng định nữ điều dưỡng tự cởi áo, trong khi chị T. khai ngược lại.

Tuy nhiên lời khai của chị T. trước tòa bộc lộ mâu thuẫn sau vài câu hỏi xoáy của chủ tọa. Nữ điều dưỡng cũng từ chối trả lời một số câu hỏi của luật sư về động cơ bóp bộ phận sinh dục của BS. Phương (hai lần), chỉ đến khi được kiểm sát viên gợi ý hành động đó có phải để tự vệ, chị T. mới nói “vâng”.

Do vậy, HĐXX yêu cầu tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, dựng lại hành vi, tình huống của bị cáo và bị hại vào thời điểm xảy ra vụ việc. Đồng thời cho đối chất giữa bị hại và bị cáo về những vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai.

Theo các luật sư, CQĐT và VKS vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, chỉ thu thập chứng cứ buộc tội, không thu thập chứng cứ gỡ tội.

Chẳng hạn như trong cáo trạng, hơn một nửa nội dung (6/12 trang) “copy” từ băng ghi âm, song chủ yếu trích dẫn lời Phương đe nẹt, dọa nạt để quy kết Phương làm vậy để ép cô gái quan hệ tình dục. Trong khi có rất nhiều nội dung khác Phương liên tục khẳng định không quan hệ tình dục với T. thì lại không được đưa vào cáo trạng làm chứng cứ gỡ tội.

Ngoài ra, các luật sư còn chỉ ra các vi phạm, sai sót khác của CQĐT như: Thu thập hồ sơ không đúng trình tự, thủ tục; có dấu hiệu lập sẵn lời khai của bị hại rồi sau đó cho bị hại ký để hợp thức hồ sơ buộc tội bị can (biên bản ghi lời khai bị hại T. ngày 25/9 lập tại Công an TP Huế trong khi bị hại đang nằm viện)…

Tại phiên tòa, chị T. thừa nhận, trong suốt 73 phút xảy ra vụ việc, anh Phương không đụng chạm vào bất cứ bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của chị.

Không tuyên án vụ bác sĩ bị truy tố hiếp dâm đồng nghiệp

Sau thời gian nghị án, HĐXX TAND TP Huế đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ bác sĩ bị truy tố tội hiếp dâm, cố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Thu ([Tên nguồn])
Lạm dụng tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN