Người cán bộ của đội phạm nhân đặc biệt
Có tiền án, tiền sự, án dài, có HIV... là vài đặc điểm của những người ở đội phạm nhân đặc biệt do Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc, Bí thư chi bộ quản giáo trong nhà xưởng của Trại giam Ngọc Lý quản lý. Để quản lý, giáo dục họ, chị Ngọc không chỉ là người cán bộ quản giáo mà còn là bạn, là chị, là người thân của họ trong những lúc khó khăn.
1. Hoàn thành xong công việc của mình, phạm nhân Lê Thị Hương ở Lạng Sơn hân hoan khoe “cán bộ ơi tôi làm xong rồi”. Nhìn chị Hương khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ít ai nghĩ chị là phạm nhân có HIV, từng tiều tụy tưởng không còn sức sống.
Lê Thị Hương là một trong những phạm nhân có hoàn cảnh éo le nhất nhì trong đội phạm nhân đặc biệt. Chồng bị nhiễm HIV trước khi cưới nhưng chị không biết. Sau khi bị bắt, ở trại tạm giam làm xét nghiệm mới phát hiện Hương bị nhiễm HIV. Lúc biết tin, Hương như sụp đổ, không còn thiết sống. Rồi chồng chết. Tệ hơn, con gái Hương cũng nhiễm HIV từ bố mẹ.
Với 2 tội mua bán trẻ em và mua bán trái phép chất ma tuý, Lê Thị Hương phải chịu mức án 20 năm tù giam, phải nộp 120 triệu đồng bồi thường cho nạn nhân và án phí. Hương buồn chán chỉ nghĩ đến cái chết.
Biết hoàn cảnh Hương như vậy, Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc thường xuyên gặp gỡ, động viên, nói rõ chính sách của Nhà nước đối với người có HIV, đó là được sử dụng thuốc ARV miễn phí, được khám, chữa bệnh, phòng chống lây nhiễm, đồng thời, động viên Hương ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để có sức khoẻ. Chị Ngọc hướng dẫn gia đình Hương làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn để được miễn tiền án phí, đồng thời quan tâm, chăm sóc mỗi khi Hương ốm đau.
Cảm nhận được tình cảm của người cán bộ quản giáo, dần dà, Hương đã hiểu, phải có khát vọng, nỗ lực cải tạo, vươn lên mới vượt qua được bệnh tật. Hơn một năm nay, Hương đã trở thành một con người khác. Không còn tuyệt vọng vì bệnh tật, không còn mặc cảm, buồn lo vì hoàn cảnh gia đình. Bởi với Hương, tương lai của hai đứa con, hi vọng về một ngày mai y học sẽ chữa khỏi hoàn toàn cho những người có HIV như mẹ con cô đã chiến thắng tất cả. Hương béo lên, khoẻ ra, hoàn thành mức khoán cán bộ giao cho.
Tết Nguyên đán Canh Tý, do các con còn nhỏ, gia đình không ai đến thăm nên Thượng uý Ngọc đã đề xuất Ban Giám thị tặng quà cho phạm nhân Lê Thị Hương và các phạm nhân không có người thăm nuôi để động viên, khích lệ họ. Nhận quà từ các cán bộ, Hương xúc động chấm nước mắt, hứa sẽ cải tạo tốt nhất để sớm được trở về.
Phạm nhân Hoàng Thu Hiền (SN 1974, quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn) Đội trưởng đội phạm nhân cũng tương tự như vậy. Hiền học hết lớp 7 rồi bỏ, theo bạn bè rủ rê, sa vào con đường ma tuý. Tháng 3-2007, Hiền bị bắt về tội mua bán chất ma tuý, bị kết án chung thân. Khi nghe tuyên án, Hiền thấy đất trời sụp đổ bởi chẳng còn hi vọng gì. Cả 4 chị em đều phạm tội trong các vụ án khác nhau nên lần lượt vào tù ra khám. Người chồng thứ 2 sau khi đi thi hành án về chỉ đến thăm vài lần sau đó “mất tích” hẳn.
Khi được thi hành án ở Trại giam Ngọc Lý, Hiền như người chết rồi. Đặc biệt, khi Hiền biết tin đứa con trai lớn không có người nuôi dưỡng, dạy dỗ nên bỏ học sớm rồi lang thang, trộm cắp, bị bắt, bị đi tù. Đứa con bé bị tự kỷ cũng không học hành được. Hoàng Thu Hiền không còn thiết sống nữa, không quan hệ với bất cứ ai, chỉ lẳng lặng một góc, sẵn sàng “bùng nổ” mỗi khi có ai dám “động vào”.
Nhận thấy phạm nhân Hiền có rất nhiều tài lẻ như nấu ăn ngon, biết làm thơ, biết vẽ báo tường... nên ngoài việc động viên, Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc đã khuyến khích Hiền phát huy những mặt mạnh của mình như đề nghị cho phạm nhân này làm ở đội bếp phạm nhân, cho làm báo tường mỗi khi Trại có các phong trào thi đua.
Thấy mình được trân trọng, được quan tâm, dần dần Hoàng Thu Hiền hiểu ra, đã tự cố gắng vươn lên. Nhờ đó, xếp loại thi đua của phạm nhân này được mức cải tạo khá, được làm đội trưởng đội phạm nhân, được giúp cán bộ trong việc nắm tình hình, quản lý các phạm nhân khác. Sau gần 13 năm thi hành án, nhiều năm đạt mức xếp loại khá, tốt, Hoàng Thu Hiền đã được xếp vào diện đề nghị giảm án.
2. Được biết, ở Đội phạm nhân đặc biệt do Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc quản lý, có tới 14 phạm nhân án chung thân. Số còn lại đều có mức án từ 15 năm trở lên, có nhiều tiền án, tiền sự. Cũng chính vì mức án dài, nhiều người không hi vọng ngày về nên các phạm nhân thường có tâm lý chán nản, không muốn cải tạo, thậm chí bất cần.
Chính vì vậy, để giáo dục, cải tạo họ, Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc và các đồng nghiệp ở Trại giam Ngọc Lý phải tìm phương pháp phù hợp bởi ngoài việc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong công tác thi hành án hình sự còn phải nghiên cứu hoàn cảnh gia đình, tính cách, sở trường, sở đoản của từng phạm nhân. Từ đó, các anh chị sẽ tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng người.
Đối với từng phạm nhân, chị Ngọc đều nghiên cứu phương pháp giáo dục riêng, phù hợp. Như trường hợp phạm nhân Dương Thị Duyên (SN 1983), án 27 năm về tội mua bán ma tuý, 12 năm nuôi con nhỏ phạm tội tiếp thêm án 15 năm nữa, nên tổng mức án của phạm nhân này là 27 năm.
Đặc biệt, cả 3 chị em gái của Duyên đều cùng tham gia một đường dây nên khi bại lộ, cả 3 đều đi tù, trong khi bố đẻ cũng đi tù vì tội cố ý gây thương tích, mẹ thì già yếu phải nuôi cháu cho các con đi trả án. Chính vì vậy, Thượng uý Ngọc phải thường xuyên gặp gỡ, động viên, giúp đỡ. Nhờ đó, Duyên đã nhận thức được tội lỗi, cố gắng cải tạo.
Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc.
Thượng uý Thuý Ngọc cho biết, các phạm nhân có mức án dài nên tư tưởng, tâm sinh lý thường không ổn định, dễ nảy sinh buồn chán, tiêu cực. Gia đình thường xuyên quan tâm, thăm nuôi, động viên thì tâm lý họ tốt hơn. Gia đình nào bỏ rơi hoặc không có điều kiện thăm nuôi thì cán bộ phải quan tâm thường xuyên hơn, động viên, giúp đỡ trong điều kiện quy định và khả năng cho phép để họ yên tâm cải tạo.
“Khi mình đồng cảm để động viên, chia sẻ thì phạm nhân cũng dễ dàng cởi mở hơn. Chính vì vậy, tôi tăng cường giáo dục riêng để nắm tâm tư nguyện vọng, từ đó có cách thuyết phục, giáo dục kịp thời” - chị Ngọc cho biết.
Được biết, cả hai vợ chồng Thượng uý Ngọc đều là cán bộ quản giáo ở Trại giam Ngọc Lý. Mỗi tuần, anh, chị cùng các đồng nghiệp phải trực 3-4 ngày. Ngoài ra, phải dành thời gian để sinh hoạt, gặp gỡ, giáo dục riêng phạm nhân nên anh chị rất ít thời gian dành cho gia đình.
Có hôm, gần 9 giờ tối, sau khi sinh hoạt Đội xong, Thượng uý mới về nhà. Lúc đó, chồng chị, cũng là quản giáo Đội đặc biệt đã vào đơn vị trực. “Vợ chồng cùng đơn vị mà có khi mấy ngày không gặp nhau vì khi em về thì anh ấy đi trực hoặc ngược lại” - chị Ngọc cho biết.
Quê ở tận huyện Hiệp Hoà, trong khi đơn vị đóng chân ở xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên nên ông bà nội ngoại cũng không mấy khi lên được. Chính vì vậy, mọi việc trong gia đình hai vợ chồng đều tự lo.
Lúc các con còn bé, chưa đi học thì khi bố mẹ đi làm, chị Ngọc lại đưa con vào cơ quan bởi chưa đến 6 giờ cả hai vợ chồng đã phải vào nhận Đội (phạm nhân), trong khi các trường hơn 7 giờ mới nhận học sinh. Chính vì vậy, hàng ngày, sau khi nhận Đội xong, chị Ngọc mới tranh thủ gửi đồng nghiệp rồi đưa con đi học. Đến khi các con lớn, các cháu tự đi xe đạp. Bây giờ, cháu lớn đã học cấp 2, có thể đưa đón em nên bố mẹ đỡ vất vả hơn.
Nói về người cán bộ gần gũi với mình, phạm nhân Lê Thị Hương cho biết: “Cán bộ Ngọc và các cán bộ giáo dục của Trại thường xuyên quan tâm, động viên chúng tôi nên chúng tôi vượt qua mặc cảm, yên tâm cải tạo. Kể cả ngày nghỉ cô Ngọc cũng vào nói chuyện, quan tâm nên chúng tôi thấy rất gần gũi, tin tưởng. Cán bộ Ngọc không chỉ là thầy, là quản giáo đối với phạm nhân mà còn là chị cả, là bạn, là người thân của chúng tôi để chúng tôi vượt lỗi lầm, vượt qua những tháng ngày buồn tủi”.
Nhờ sự tận tâm, nỗ lực nên Thượng uý Nguyễn Thị Thuý Ngọc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, trở thành chỗ dựa cho các phạm nhân, giúp họ yên tâm cải tạo, phấn đấu làm lại cuộc đời...
Nguồn: [Link nguồn]
Vị thẩm phán kể, quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên bị sát hại, ông và thành viên trong HĐXX...