Mệt mỏi điệp khúc hoãn tòa

“Lại hoãn” là tiếng than của hàng chục bị hại trong vụ án lừa đảo vừa được TAND thành phố Hà Nội xét xử. Họ trông mong ngày trả giá của gã giám đốc gian manh, sau hàng chục lần khai tòa. Nhưng, sau hồi hội ý, vị chủ tọa lại quyết định hoãn tòa một lần nữa…

Mệt mỏi điệp khúc hoãn tòa - 1

Bị cáo Bang (phải) cùng đồng phạm hầu tòa hồi cuối năm 2014. Đây là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từng mở tòa từ 2012, sau cả chục lần mở tòa, vụ án vẫn chưa khép lại với các lần hoặc hoãn tòa vì thiếu vắng nhân chứng, bị hại, hoặc xuất hiện tình tiết

Bị hại vắng: Hoãn!

Đầu tháng 6, TAND thành phố Hà Nội mở tòa theo trình tự hình sự sơ thẩm đối với hai bị cáo Nguyễn Đình Bang (SN 1951, ở phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Giám đốc Cty TNHH Công nghiệp Trường Sinh) cùng Nguyễn Huy Khang (SN 1959, ở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cty TNHH Công nghiệp Trường Sinh (viết tắt là Cty Trường Sinh) được Nguyễn Đình Bang cùng một công ty khác mua lại vào cuối năm 2007, theo tỷ lệ mỗi bên chiếm 50% cổ phần. Trước đó, Cty Trường Sinh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 6.300m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc An Khánh để xây dựng nhà máy sản xuất sữa đậu nành. Do không có vốn, cộng với làm ăn thua lỗ, chủ sở hữu công ty nói trên đã chuyển nhượng. Tháng 2/2008, ông Bang chính thức trở thành giám đốc, đại diện theo pháp luật của Cty Trường Sinh sau khi có xác nhận là thành viên góp vốn tại công ty. Ngay sau đó, vị giám đốc Cty Trường Sinh lên kế hoạch lừa đảo bằng một dự án “bánh vẽ” hoàn hảo.

Cụ thể, ông Bang ký quyết định của hội đồng thành viên Cty Trường Sinh, ủy quyền cho Nguyễn Huy Khang là người đã mua 80% cổ phần dự án. Tiếp đến, ông Bang mạo hồ sơ chuyển nhượng hơn 3.000 m2 đất và tài sản trên đất tại dự án An Khánh, với tổng trị giá 118 tỷ đồng cho ông Khang. Xong xuôi, trùm lừa tự ý dựng ông Khang thành giám đốc của Trường Sinh bằng biên bản hội đồng thành viên “tự chế”.

Sau khi sở hữu “bửu bối” trên, vị giám đốc rởm ký hợp đồng góp vốn với ông Thái Khắc Toàn (đại diện cho Cty Huy Phát) để cùng tham gia đầu tư, xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và Nhà ở cao cấp An Khánh, Hà Nội, trị giá 34 tỷ đồng. Chưa thỏa mãn với số tiền trên, “cặp bài trùng” còn dựng lên Hoàng Thị Xuân trong vai nữ phó giám đốc phụ trách tài chính của Cty Trường Sinh. Với mác phó giám đốc, Xuân cùng hai “sếp” tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của các bị hại khác, khi mời chào họ đầu tư vào dự án “ảo” nói trên, nâng số tiền lừa đảo lên 49 tỷ đồng.

Ngay phần thủ tục phiên tòa, do thiếu vắng nhiều bị hại, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên tòa, sẽ mở lại vào cuối tháng 6. Cũng đầu tháng 6, TAND thành phố Hà Nội mở tòa xét xử Phùng Anh Thái (SN 1985, ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì) về hành vi giết người. Nội dung truy tố thể hiện, vào đầu năm 2011, Thái nhận được điện thoại từ nhóm “anh chị” ở khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội, nói rằng có va chạm với anh Trần Quang Long (SN 1973, cũng ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), liên quan mâu thuẫn đất đai. Ngay lập tức, Thái xuất hiện với khẩu súng tự chế trên tay. Vừa gặp anh Long, gã côn đồ lao thẳng tới, nổ súng, rồi bỏ đi sau khi nện anh này nhừ tử. Phiên tòa dự kiến mở vào 8h. Tuy nhiên, sau cả tiếng chờ đợi, bị hại không xuất hiện, HĐXX quyết định hoãn tòa.

Nhân chứng vắng: Hoãn!

Hồi cuối tháng 5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao mở tòa xét xử vụ án ra quyết định trái pháp luật đối với bị cáo Trịnh Ngọc Chung (cựu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ở phiên sơ thẩm, bị cáo bị đại diện cơ quan truy tố đề nghị mức án 5-6 năm tù. Tuy nhiên, HĐXX đã dành mức án 30 tháng nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo này.

Theo nội dung vụ án, ông Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt vi phạm, như việc kê biên nhà 194 Phố Huế, bán đấu giá không thông báo cho các đồng chủ sở hữu biết. Bên cạnh đó, căn nhà 194 Phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện để chuyển dịch bất động sản. Ngoài ra, ông Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; vận dụng văn bản pháp lý sai quy định, tự chế mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp. Vì những lý do trên, ông Chung bị truy tố về tội danh "Ra quyết định trái pháp luật".

Sau khi bị cáo chống án, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, sau 3 lần mở, câu chuyện sai phạm của cựu Chi cục trưởng vẫn chưa dừng lại. Khi tòa hoãn bởi thiếu vắng đại diện của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, khi tòa lại hoãn do thiếu vắng nhân chứng… Ngày 21/5, Tòa Phúc thẩm khai tòa, và sau đó HĐXX lại hoãn do thiếu nhân chứng...!

Luật sư Nguyễn Thanh Sơn: Dễ gây mất niềm tin

“Việc các cơ quan chức năng giải quyết quá lâu một vụ án vừa gây tốn kém, dễ gây mất niềm tin trong nhân dân vào cơ quan công quyền. Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do trùm lừa Nguyễn Đình Bang cầm đầu đã được cơ quan xét xử mở tòa từ năm 2012. Nhưng, sau đó liên tiếp là các quyết định hoãn tòa. Chưa nói việc hoãn tòa có đúng luật hay không, những điều đó tạo tiền lệ không tốt” - Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội).

 Luật sư Hằng Nga: Rất tốn kém

Hoãn tòa đang tràn lan ở nhiều cơ quan xét xử. “Có lần ngồi tòa vụ án lừa đảo xuất khẩu lao động, có hàng trăm bị hại đến tòa. Họ là những nông dân nghèo khó ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa… Chỉ vì mong muốn đổi đời, người thì thế chấp nhà cửa, người thì ruộng vườn để đóng nộp cho một giám đốc công ty xuất khẩu lao động. Khi vụ án mở ra, tòa Hà Nội thụ lý, hàng trăm con người này lại phải lặn lội từ quê ra để phục vụ công tác xét xử. Mỗi lần như vậy, họ tốn kém cả triệu đồng. Ấy rồi, họ lại nhận được một quyết định phiền lòng hoãn tòa” – Luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thắng (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN