Lính hình sự và những cuộc di lý thót tim
Trong quá trình làm án, không ít lần các trinh sát, cán bộ điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Tp Hà Nội thực hiện các cuộc di lý nghi phạm, bị can từ những nơi xa xôi, nơi rừng sâu núi thẳm về chịu án. Nhiều lần họ phải đối mặt với những tình huống bất ngờ, gay cấn. Bằng trí thông minh, sự quả cảm, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
1. Những ngày giáp Tết, khi mà nhà nhà người người đều tất bật náo nức đi mua sắm chuẩn bị cho những ngày sum họp đầm ấm, thì tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự, các chiến sỹ vẫn tiếp tục vùi đầu vào những hồ sơ, những chuyên án. Tranh thủ giờ phút giải lao hiếm hoi, chúng tôi được một số anh em thuật lại những chuyến di lý tội phạm mà ở đó nảy sinh các tình huống thót tim người thi hành nhiệm vụ.
Cũng vào thời gian này tròn 10 năm về trước, tại thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội, xảy ra một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng. Anh Nguyễn Chí Hùng - một sỹ quan quân đội đã bị lửa thiêu thành than, còn vợ và con gái anh bị bỏng toàn thân, tử vong tại bệnh viện.
Nguyên nhân của vụ án là do mâu thuẫn giữa Nguyễn Thị Thuận, là em dâu của anh Hùng với gia đình anh Hùng nên thị đã thuê hai đối tượng đồng hương là Hoàng Hải Tiệp và Bùi Tiến Hà đều ở Yên Bái xuống trả thù. Đêm 25-1-2008, Tiệp và Hà mang nửa chai xăng rót vào trong nhà anh Hùng rồi châm lửa đốt. Ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi ngôi nhà, và lấy đi sinh mạng của ba người.
Cơ quan Công an khá vất vả trong việc di lý đối tượng Bùi Tiến Hà (x) từ Yên Bái về Hà Nội.
Sau gần 1 năm tổ chức điều tra cẩn trọng, kỹ lưỡng đồng thời thu thập đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của nhóm đối tượng, ba tổ công tác thuộc Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự đã đồng loạt lên đường, tổ chức vây bắt các đối tượng. Khi đó Thuận đang dạy học tại Hà Nội, còn Tiệp đang thuê nhà ở Cổ Nhuế, Hà Nội. Riêng đối tượng Bùi Tiến Hà lúc đó đã trở về quê Yên Bái làm ăn.
Tổ công tác do Thượng tá Ngô Văn Đáp, nguyên điều tra viên Đội Điều tra trọng án cùng một cán bộ trong Đội đã khẩn trương lên đường.
Khởi hành từ sáng sớm, gần trưa tổ công tác đã có mặt tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái, đề nghị anh em phối hợp truy bắt. Không kịp ăn uống gì tất cả có mặt tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên. Ngôi nhà của Hà khá gần công an thị trấn. Các chiến sỹ lặng lẽ tỏa ra bao vây. Ít phút sau Bùi Tiến Hà xuất hiện, chuẩn bị đi ra khóa cửa.
Đồng chí trưởng công an xã bất ngờ lại gần hỏi:
- Anh Hà đi đâu đấy?
- Em định đi mua cái sim điện thoại.
Hà trả lời giọng vẫn rất bình thản. Gã không thể nghĩ rằng tội ác của hắn và đồng bọn cuối cùng cũng đến ngày bị lộ tẩy.
- Mời anh ra xã có chút việc.
Sau câu nói ấy, chiếc còng số 8 từ tay Thượng tá Đáp nhanh chóng bập vào tay của Hà. Khi đó gã run bắn, vã mồ hôi.
Hà nhanh chóng được đưa về Công an tỉnh Yên Bái lấy lời khai. Biết không thể chối được hành vi phạm tội, Hà đã khai nhận mọi tội lỗi. Do yêu cầu nghiệp vụ, Tổ trưởng Ngô Văn Đáp được lệnh phải di lý Hà về Hà Nội "càng nhanh càng tốt".
Vấn đề nảy sinh là làm thế nào để có thể đưa đối tượng về Hà Nội một cách an toàn nhất? Bởi kinh nghiệm cho thấy, nếu không có phương án hợp lý rất có thể đối tượng sẽ tấn công lại anh em để tìm đường tẩu thoát. Nếu có từ 3 cán bộ chiến sỹ trở lên thì còn dễ, đằng này chỉ có hai người. Nếu để đối tượng ngồi ở ghế sau, "quân mình" chỉ có một thì không an toàn. Còn nếu để đối tượng ngồi ghế trước, không cẩn thận hắn sẽ nhào sang cướp vô-lăng thì cũng rất nguy hiểm.
Tính toán kỹ, cuối cùng tổ công tác chọn phương án cho gã ngồi ở ghế trước, song khóa tay vòng ra đằng sau. Chiến sỹ ngồi ngay sau giữ chặt. Cứ như vậy, sau hơn 5 giờ đồng hồ đối tượng đã được di lý an toàn về Hà Nội.
Việc đưa đối tượng Hà về trong thời gian sớm nhất rất quan trọng trong đấu tranh với kẻ chủ mưu Nguyễn Thị Thuận. Bởi ban đầu chủ mưu Nguyễn Thị Thuận còn quanh co chối tội, song khi nhìn thấy đồng phạm Bùi Tiến Hà bị áp giải ngang qua phòng hỏi cung, thị đã hoàn toàn sụp đổ và khai nhận toàn bộ hành vi. Ít lâu sau Thuận đã phải nhận mức án chung thân.
2. Nhiều năm về trước, trong giới lưu manh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có một cái tên cực kỳ "đình đám", đó là Hoàng Văn Tiến, tức Tiến "phỉ" trú tại Ái Mộ, Gia Lâm, Hà Nội. Tiến phỉ nổi tiếng là một tên tội phạm lì lợm, hung hãn. Sự nguy hiểm của Tiến “phỉ” không chỉ ở vẻ ngoài lạnh lùng hay sự hung hãn, manh động trong mỗi lần gây án mà còn ở những mưu mô tinh quái, gian xảo của một đối tượng hình sự cộm cán.
Tiến “phỉ” gây ra hàng chục vụ trộm cướp tài sản trên quốc lộ 5 và khu vực cầu Đuống, Yên Viên, Gia Lâm. Hầu hết các vụ án do Tiến “phỉ” và đồng bọn gây ra đều mang tính chất đặc biệt nguy hiểm và nhằm vào giá trị tài sản lớn.
Khi đánh hơi thấy sự truy lùng của cơ quan công an, Tiến “phỉ” có thể nằm lỳ không ra ngoài đến 3 tháng liền trên một gác xép khiến cho những người ở sát vách cũng không nghĩ tới sự có mặt của hắn. Trong khi đó, về hoạt động phạm tội hoặc nơi ẩn náu của hắn đều được đám đàn em phong tỏa chặt chẽ. Chỉ khi nghe ngóng, thấy tình hình có vẻ yên, Tiến “phỉ” mới lại tiếp tục gây án.
Sau vụ cướp xe máy của một nạn nhân ở Phú Thuỵ, Gia Lâm, hai đồng bọn đắc lực của Tiến “phỉ” bị sa lưới pháp luật. Với bản chất gian ngoan tinh quái, Tiến “phỉ” biến mất khỏi địa bàn Hà Nội. Lệnh truy nã đối với tên tội phạm nguy hiểm được phát trên toàn quốc.
Các cán bộ Cảnh sát hình sự Hà Nội dẫn giải đối tượng trong một vụ án qua đường hàng không.
Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm - Phòng CSHS được Lãnh đạo Công an TP Hà Nội giao nhiệm vụ khẩn trương truy bắt Tiến “phỉ” trước khi hắn có thể nhen nhóm tập hợp hoặc tham gia vào một băng nhóm tội phạm khác.
Sau quá trình điều tra rà soát một loạt những đầu mối nghi vấn liên quan, các trinh sát đã phát hiện được nơi ẩn náu của Tiến “phỉ”. Đó là một xóm bụi vùng ven sông Sài Gòn.
Một nhóm trinh sát hình sự lập tức lên đường với những thông tin chính xác về tên tội phạm nguy hiểm và được sự hỗ trợ tích cực của công an địa phương. Nhóm trinh sát đã bắt gọn Hoàng Văn Tiến trước khi hắn định trốn qua biên giới Việt Nam - Campuchia.
Trong quá trình di lý ra Hà Nội, với bản chất cáo già của một tên đầu đảng, Tiến “phỉ” đã lợi dụng sơ hở của nhóm trinh sát để một lần nữa suýt trốn thoát khỏi vòng vây pháp luật.
Do phương tiện đi lại lúc đó còn khó khăn, các trinh sát đã chọn dẫn giải Tiến “phỉ” bằng tàu hỏa. Sau một chặng đường dài căng thẳng mệt mỏi, các trinh sát thay nhau canh chừng Tiến “phỉ”, vừa tranh thủ chợp mắt lấy lại sức.
Khi tàu gần đến địa phận thành phố Vinh (Nghệ An), trời tối dân cư thì thưa thớt, một tình huống nằm ngoài dự kiến của lực lượng truy bắt xảy ra. Tiến “phỉ” đã liều mình ôm cả còng số 8 lao thẳng qua cửa sổ tàu hỏa xuống đường và co giò bỏ trốn. Các trinh sát lập tức không quản hiểm nguy vội vã lao theo.
Vì bị còng ở tay và không thuộc địa hình, địa vật nên Tiến “phỉ” không trốn được xa. Cuộc đuổi bắt trong đêm kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ thì kết thúc. Tiến “phỉ” bị tóm trở lại toa áp giải với một vết rạch dài ở thái dương bên trái do cạnh sắt cửa sổ tàu hỏa cứa phải khi hắn lao xuống đường. Ra tới Hà Nội, Tiến “phỉ” bị tống ngay vào trại tạm giam Hỏa Lò cùng sự canh phòng cẩn mật.
Song, không ai có thể lường trước hết được những thủ đoạn của tên tội phạm cáo già.
Sau đó Tiến “phỉ” lại trốn vào TP Hồ Chí Minh, đội lốt một nhà hảo tâm yêu thể thao. Mãi đến tháng 11-1999, các trinh sát hình sự mới bắt lại được Hoàng Văn Tiến - khi mà hắn vẫn đang dương dương tự đắc trong vỏ bọc một vận động viên thể thao trên sân tennis!
Quận 8 từ lâu được xem là “sào huyệt” ma túy lớn nhất TP Hồ Chí Minh. Mặc dù Công an thành phố đã phá hàng chục đường...