Lập hồ sơ cho người chết nhận hàng chục triệu tiền chính sách
Biết bố mình đã chết, nhưng khi còn là Trưởng thôn, ông Phạm Văn Du – Bí thư xã Gia Hòa, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vẫn xác nhận vào hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp tuất công nuôi liệt sỹ.
Hành động trên của ông Du đã giúp mẹ đẻ chiếm đoạt gần 52 triệu đồng, tuy nhiên ông Du chỉ phải chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo Đảng. Sự việc vẫn gây bất bình trong nhân dân xã Gia Hòa.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chác, SN 1928, trú tại thôn Lương Xá, xã Gia Hòa, đầu năm 1995, ông Du (lúc đó làm Trưởng thôn Tiên Lý, xã Gia Hòa) làm hồ sơ cho bố ông Du là ông Phạm Văn Trang (đã chết năm 1989) hưởng chế độ trợ cấp tuất công nuôi liệt sĩ Phạm Văn Gạt (em trai ông Trang).
Số tiền chính sách được hưởng do mẹ ông Du là bà Phạm Thị Tý nhận. Phát hiện sự việc, ông Chác và người dân thôn Lương Xá vô cùng bức xúc.
Ông Chác nhiều lần gặp ông Du phản ánh, nhưng ông Du phớt lờ, thậm chí còn “thách” ông Chác kiện, nên đầu năm 2011, ông Chác có đơn gửi sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương tố cáo vụ việc.
Theo đó, ngày 23/5/2011, sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương ra kết luận số 692/KL-SLĐTBXH kết luận về vụ việc. Theo kết luận số 692, ông Trang là anh trai liệt sĩ Gạt.
Ngày 1/12/1976, liệt sĩ Phạm Văn Gạt có giấy báo tử của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng. Năm 1989, ông Trang chết, nên đến năm 1995 ông Du xác nhận hồ sơ cho ông Trang hưởng chế độ trợ cấp tuất công nuôi liệt sĩ Gạt và cho bà Tý nhận tiền là trái quy định.
Bà Tý cho biết, không biết gia đình có đơn đề nghị hưởng chế độ nuôi liệt sĩ Gạt. “Năm 1995, ông Phạm Văn Du là Trưởng thôn Tiên Lý, có nghe các cụ kể lại có thể mẹ của ông Du có điều kiện hưởng chế độ tuất công nuôi liệt sĩ nên làm các thủ tục để xác nhận và đề nghị hưởng trợ cấp”- ông Du trả lời đoàn thanh tra.
Không chỉ vậy, kết luận số 692 sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương còn chỉ thêm sai phạm, mẹ ông Du là bà Phạm Thị Tý, nhưng trong danh sách nhận tiền chính sách bà Phạm Thị Tý được đổi thành Phạm Thị Trang. Tính từ ngày 29/4/1995 đến ngày 6/4/2010, bà Tý đã nhận số tiền trái quy định là gần 52 triệu đồng.
Từ kết luận trên, ngày 24/5/2011, sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã ra quyết định dừng thực hiện chế độ trợ cấp tuất công nuôi liệt sĩ đối với ông Trang, đồng thời thu hồi số tiền gần 52 triệu đồng bà Tý đã nhận. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Gia Lộc theo đó cũng ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Du. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Du vẫn chưa bị kỷ luật về mặt cán bộ, công chức. Bà Tý vẫn chưa nộp số tiền nhận trái quy định cho Nhà nước.
Trao đổi với báo chí về việc không làm rõ hoặc kiến nghị làm rõ trách nhiệm người lập hồ sơ khống chiếm đoạt tài sản Nhà nước, ông Lưu Văn Bản – Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương chỉ nói vẻn vẹn: “Tất cả đã thể hiện trong kết luận. Tôi đang đi công tác nước ngoài, anh thông cảm”.
Về việc UBND huyện Gia Lộc không đưa ra hình thức xử lý cán bộ, công chức đối với ông Du, ông Nguyễn Chính Thống – Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lộc cho biết, ông Du thuộc quản lý của Huyện ủy Gia Lộc nên thẩm quyền xử lý ông Du là của Huyện ủy Gia Lộc.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hòa – Chủ nhiệm UBNDKT Huyện ủy Gia Lộc, việc xử lý cán bộ, công chức theo quy định đương nhiên thuộc UBND huyện Gia Lộc, còn xử lý việc lập hồ sơ khống như nào, có hình sự hay không thì phải có kết luận cụ thể hơn của sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và kiến nghị của cơ quan này đến cơ quan thi hành luật.
Trước thông tin trên, ông Chác cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có dấu hiệu rất rõ ràng trong việc xử lý sai phạm của ông Du. “Các cơ quan chức năng mà không xử lý nghiêm, tôi sẽ theo đến cùng để trả lại sự trong sạch cho Đảng và bộ máy chính quyền” – ông Chác bức xúc nói.
Trong khi đó, ông Du cho rằng, ông Du chỉ có lỗi khi xác nhận vào hồ sơ xin hưởng chế độ nuôi liệt sĩ do mẹ ông Du làm. Tuy nhiên, cách trả lời này của ông Du trái với kết luận Thanh tra số 692 của sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương về vụ việc.
Xung quanh vụ việc trên, có nhiều ý kiến phản ánh về toà soạn cho rằng, việc làm của ông Du là trái với các quy định của pháp luật và ông phải bị xử lý về mặt chính quyền nữa. Trong số báo này, chuyên mục giới thiệu ý kiến của bạn đọc Mai Xuân Thắng- Bình Giàng- Hải Dương.
Xử lý nghiêm nạn làm giả hồ sơ để hưởng chính sách
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công (NCC) với cách mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp xứng đáng được Nhà nước và nhân dân tôn vinh, chăm sóc, đã có không ít đối tượng lợi dụng những sơ hở trong quy định của Nhà nước để làm giả, khai man hồ sơ nhằm trục lợi trợ cấp.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 28 để giải quyết những trường hợp mất hồ sơ gốc. Bộ Quốc phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương về thủ tục trình tự xem xét đối với những trường hợp mất hồ sơ gốc.
Theo báo cáo của 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, sau khi thực hiện Thông tư 28, đến nay đã xem xét và duyệt tổng số 112 hồ sơ đề nghị xác nhận là liệt sỹ và 396 hồ sơ đề nghị xác nhận là thương binh. Như vậy, việc triển khai thực hiện đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc đang triển khai hiệu quả để giải quyết chính sách cho những NCC chưa được hưởng chế độ.
Để giải quyết hiện tượng trên, Bộ LĐTBXH, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này đã phối hợp với các cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và các đơn vị ở địa phương tổ chức chỉ đạo và trực tiếp thanh, kiểm tra để có biện pháp xử lý cụ thể. Qua rà soát, từ năm 2008 - 2013 đã xem xét, xử lý gần 2.000 trường hợp trực thuộc Quân khu I, gần 1.000 trường hợp ở Quân khu II bị sai phạm và đã cắt chế độ của các trường hợp này. Có nhiều trường hợp vi phạm đã phải chuyển sang cơ quan pháp luật để xử lý”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.
Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp làm sai lệch hồ sơ phải dựa vào những nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, trường hợp có đường dây làm hồ sơ giả thì trách nhiệm thuộc về người đứng đầu đường dây, nếu cán bộ làm sai thì phải xử lý cán bộ... Thực tế, tuyệt đại đa số là gian lận hồ sơ từ lúc khai đến lúc xác nhận, nhiều trường hợp không còn hồ sơ gốc, do chiến tranh đã lùi xa. Mặt khác, do quy định chỉ cần hai người xác nhận là đủ điều kiện để thực hiện chính sách đối với NCC, nên nhiều trường hợp sai là do người xác nhận nể nang, hoặc thiếu trách nhiệm. Để xử lý sai phạm này lại phải quy trách nhiệm cho từng đối tượng.Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong năm 2014 và năm 2015 để phát hiện và chấn chỉnh những sai phạm.
Bộ Trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: "Hiện tại, Bộ đang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý trách nhiệm của những người gây ra sai phạm theo đúng quy định của pháp luật".
Mặt khác, Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để tiếp tục khắc phục những sơ hở trong việc lập và quản lý hồ sơ.
Cụ thể là kiến nghị Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH thực hiện chương trình phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về xác nhận thương binh do cơ quan quân đội thực hiện từ quý IV-2013 đến quý IV-2016 tại các quân khu; chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở trong quản lý hồ sơ, xác nhận thương binh.
Bộ Y tế sớm ban hành văn bản quy định danh mục bệnh tật, dị tật, dị dạng do nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn, quy định về tiêu chuẩn thương tật, bệnh tật, dị dạng, dị tật, tổ chức khám, giám định đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của họ…
Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi NCC với cách mạng. Có như vậy mới lấy lại được công bằng và làm ấm lòng những người đã xả thân vì Tổ quốc.