Kỳ công nghề bắt tội phạm bị truy nã

Mới đây, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CSTNTP) Công an thành phố Cần Thơ vừa bắt được đối tượng truy nã Nguyễn Tấn Tài sau… 21 năm lẩn trốn.

Mấy ai biết rằng, Nguyễn Thành Trung - Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng hình sự thuộc Phòng CSTNTP Công an Cần Thơ – người theo đuổi vụ án này, sau 21 năm, từ một thượng sĩ đã chuẩn bị lên… trung tá. Và chuyện về trinh sát Nguyễn Thành Trung, về “nghề” bắt tội phạm hóa ra lại ly kỳ hơn chúng tôi tưởng tượng.

10 năm mất dấu…

Đối tượng Nguyễn Tấn Tài sinh năm 1975, đăng ký thường trú tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hơn 21 năm trước, ngày 10/2/1992, do mâu thuẫn, Tài đã dùng dao đâm chết một người tên Nguyễn Văn Hoàng, sau đó Tài bị bắt tạm giam chờ điều tra. Tuy nhiên trong thời gian bị tạm giam, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản lý, Tài đã bỏ trốn cho đến bây giờ. “Thời điểm đó tôi mới ra trường, về Đội Truy bắt đối tượng về trật tự xã hội Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cần Thơ, và được lãnh đạo phân công theo dõi, truy tìm đối tượng Tài. Lúc đó tôi cũng không ngờ rằng, đó lại là một hành trình suốt 21 năm dài đằng đẵng ” - thiếu tá Nguyễn Thành Trung nhớ lại.

Theo thiếu tá Nguyễn Thành Trung, trong suốt 21 năm theo nghề này, anh chưa thấy đối tượng và vụ án nào lại khó khăn, ly kỳ như vụ Nguyễn Tấn Tài. Nói ly kỳ là bởi trong suốt 21 năm lẩn trốn, Tài đã… 5 lần phạm các tội trộm cướp, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích và bị bắt, kết án tù 5 lần ở các địa phương nhưng trong cả 5 lần đó, cơ quan điều tra ở các địa phương không ai phát hiện ra Tài chính là đối tượng Nguyễn Tấn Tài đang bị Công an Cần Thơ truy nã từ năm 1992. Ngoài có phần tắc trách của cơ quan chức năng, lý do quan trọng nhất khiến Tài qua mặt được cơ quan điều tra là mỗi lần gây án bị bắt, Tài lại khai tên tuổi và nhân thân mới như Trần Văn Tài, Nguyễn Thành Được…

Kỳ công nghề bắt tội phạm bị truy nã - 1

Đối tượng Nguyễn Tấn Tài vừa bị bắt sau 21 năm trốn lệnh truy nã. Ảnh: H.V.M

“Năm đó khi tiếp nhận hồ sơ, đầu mối trong tay tôi chỉ có tên tuổi và địa chỉ thường trú của Tài ở An Giang, ngoài ra không còn gì khác” - anh Trung kể. Những năm tháng truy tìm Nguyễn Tấn Tài của anh Trung sau đó được ví như hành trình mò kim đáy bể. “Gần 10 năm liền tôi bị đứt nguồn và càng về sau, việc truy tìm dấu vết càng khó khăn hơn do ở địa phương nơi Tài đăng ký thường trú, từ cán bộ cho đến cảnh sát khu vực, công an các cấp cao hơn, hầu như không có ai biết và nhớ đến cái tên Nguyễn Tấn Tài nữa. Rồi có lần gia đình đối tượng tung tin giả rằng Tài đã bị xã hội đen đâm chết ở Châu Đốc, An Giang…”. Anh nói: “Nhiều lần tuyệt vọng quá, tôi đã định úp hồ sơ, thôi không theo nữa. Nhưng mỗi lần như vậy, linh tính trong tôi lại mách bảo, thôi thúc tôi rằng: Đừng bỏ cuộc, không được bỏ cuộc bởi lưới trời lồng lộng, kẻ thủ ác không sớm thì muộn cũng sẽ sa lưới pháp luật...”. Và rồi sự kiên trì của anh cũng có ngày được đền đáp.

Vào những ngày cuối tháng 4/2013, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân cho thấy, có một đối tượng ăn xin ở chợ Xẻo Vong, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Thiếu tá Nguyễn Thành Trung cử các trinh sát theo dõi và phát hiện kẻ ăn xin này có nhiều đặc điểm giống Tài, tên tội phạm nguy hiểm giết người cách đây 21 năm. Qua xác minh thông tin người dân về tên ăn xin này, lực lượng trinh sát nhận định người này chính là Nguyễn Tấn Tài. Ngay sau đó, Phòng CSTNTP Công an Cần Thơ tung trinh sát đón lõng và bắt khẩn cấp đối tượng trước sự ngỡ ngàng không hiểu vì sao của Nguyễn Tấn Tài.

“Nghề này hấp dẫn lắm…”

Năm nay 39 tuổi, Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, một trong những trinh sát thiện chiến và là “hung thần” của tội phạm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có bề ngoài như một võ sĩ quyền Anh. Hình dáng ấy, cộng với đầu tóc húi cua, cùng với kiểu nói chuyện hiền lành, cởi mở, mới gặp ai cũng sẽ nghĩ anh Trung là một… công nhân bốc vác hơn là cảnh sát hình sự. Anh bảo mình chọn ngành công an là do truyền thống gia đình (cha anh cũng là công an), nhưng chọn “nghề” truy bắt tội phạm lại là cái duyên. “Hồi đó học đại học, không hiểu sao tôi lại chọn chuyên ngành trinh sát hình sự và theo luôn từ đó cho đến bây giờ” - anh kể.

Hỏi nghề này khó khăn, gian khổ đến mức nào? Anh ví von: “Hồi còn con nít chơi trò trốn tìm, chỉ trốn loanh quanh trong nhà, ngoài vườn thôi đã tìm bở hơi tai, huống gì bây giờ đi truy tìm tội phạm, lại là tội phạm bị truy nã. Thường các đối tượng trốn truy nã hay thay đổi hình dạng, đổi kiểu tóc, xóa vết xăm, sẹo, tạo thêm nốt ruồi... ngay cả những trinh sát ghi hình ban đầu và người thân của đối tượng cũng không nhận ra”. Anh nói nghề truy nã tội phạm ngoài năng lực chuyên môn, yêu nghề tha thiết, cần cù, nhiệt huyết thì phải có bản lĩnh vững vàng mới trụ được với nghề và quan trọng hơn là vượt qua được những cám dỗ từ tiền bạc, gái, ma túy… đến từ giới tội phạm.

“Nhưng chẳng lẽ nghề này chỉ có khó khăn, gian khổ?” - chúng tôi thắc mắc.

Anh cười: “Nghề này còn hấp dẫn và thú vị lắm. Ví dụ săn lùng cả tháng mà không bắt được đối tượng nào thì ai nấy mặt mày ủ dột như địa chủ mất mùa, cơm ăn không ngon, tối ngủ không yên. Nhưng ngược lại thì thôi khỏi phải nói. Hay mỗi lần mò được dấu vết của đối tượng ở một nơi nào đó, nhưng khi tìm đến thì đối tượng đã cao chạy xa bay, thế là tưởng như bao nhiêu cảm giác bực tức, thất vọng… của cả thế gian đang ứa lại trong mình. Nhưng nếu lúc đó mà bắt được đối tượng thì lại mừng vui không thể nào tả hết được”.

Nhắc đến chuyện mừng vui, thiếu tá Nguyễn Thành Trung cho biết ngoài đối tượng Nguyễn Tấn Tài vừa mới bị bắt, một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm khác, lẩn trốn nhiều năm, có nhiều tình tiết phức tạp mà anh Trung đã trực tiếp tham gia và không thể nào quên được là vụ bắt giữ Trần Văn Của, sinh năm 1977, thường trú khu vực Thới An, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) can tội giết người, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương vào năm 1996. Trong thời gian lẩn trốn, Của đi qua nhiều địa phương, thay tên đổi họ, lập nghiệp ở An Giang, cưới vợ, sinh con.

Những tưởng che giấu được quá khứ, thời gian quá lâu không ai còn nhớ đến mình, nhưng lưới trời lồng lộng, đúng 15 năm 2 tháng lẩn trốn, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi thay hình đổi dạng, Của vẫn không thoát được sự truy lùng của các trinh sát. Anh Trung kể: “Chúng tôi truy tìm đối tượng ở các tỉnh miền Tây, nghe tin đối tượng trốn ở đâu là tìm đến. Mười mấy năm trôi qua, không thể nói hết bao nhiêu sự vất vả, khó khăn của anh em, có những chuyến đi thâm nhập hơn nửa tháng trời nhưng vẫn như mò kim đáy bể. Đầu tháng 7.2011, khi nhận được tin báo của người dân, chúng tôi lập tức đến An Giang.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi xác định và bắt giữ được Trần Văn Của khi hắn đang làm thuê với tên mới Trần Minh Tâm. Lúc tra tay vào còng, Của vẫn bình tĩnh cho rằng chúng tôi bắt nhầm. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra dấu vân tay và đối chiếu với các chứng cứ phạm tội thì Của mới rũ xuống như tàu lá chuối héo với lời tiếc nuối: Tôi ngỡ trốn lâu như thế là đã thoát. Nào ngờ đã hơn 15 năm vẫn bị bắt, biết thế tôi đã đầu thú sớm để được hưởng khoan hồng...”.

Suốt 21 năm theo nghề này, thiếu tá Nguyễn Thành Trung không nhớ hết mình đã tham gia bắt bao nhiêu đối tượng truy nã lẩn trốn, cũng như bao nhiêu lần bị tội phạm đe dọa trả thù hay té xe, chấn thương trong những lần vây bắt. Trong suốt cuộc trò chuyện, thiếu tá Nguyễn Thành Trung luôn làm chúng tôi ngạc nhiên bởi tình yêu nghề (dù là nghề đầy nguy hiểm) với sự say mê, hứng khởi khi kể về những thành tích và khó khăn, gian khổ mà mình và các đồng nghiệp đã trải qua.

Gặng hỏi lần nữa, rằng điều gì khiến anh yêu nghề một cách say sưa và trụ vững với nghề lâu dài như vậy, trong khi không ít đồng nghiệp của anh đã “chuyển nghề” qua những bộ phận khác nhẹ nhàng và an toàn hơn? Anh cười thật thà: “Nói thật là ngoài niềm hạnh phúc được tham gia góp sức vào việc giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, giúp người dân yên tâm làm ăn, sinh sống, thì lý do nữa quan trọng nhất là theo nghề này tôi được… trả lương cao và thưởng lớn mỗi khi truy bắt được tội phạm…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Văn Minh - Hồng Thủy (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN