Kỳ án xe không người lái
Qua 6 phiên tòa, các cấp tòa vẫn chưa tìm ra được ai là người lái xe tông chết người trong một vụ án xảy ra ở Đắk Lắk cách đây 7 năm. Vụ "kỳ án" này bị đình chỉ trong sự tuyệt vọng của gia đình bị hại
Ông Lê Quang Chiến (SN 1970; ngụ xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) vừa gửi đơn cầu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, đề nghị điều tra, làm rõ ai là người điều khiển xe máy chạy sai phần đường gây ra cái chết cho con ông.
Rắc rối xử án
Nội dung vụ việc tóm tắt như sau: Vào khoảng 19 giờ ngày 30-4-2010, trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Pơng Đrang) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe máy. Hậu quả, em Lê Quang Linh (học sinh lớp 11, con ông Chiến) tử vong tại chỗ; Trần Thanh Sang (SN 1988) bị thương tích 55% và Trần Thọ Đức (SN 1990, cùng ngụ xã Pơng Đrang) bị thương nhẹ.
Bảy năm hầu tòa, ông Lê Quang Chiến vẫn chưa biết ai là người lái xe tông chết con mình
Sau khi tai nạn xảy ra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Búk đã vào cuộc điều tra. Tại bản kết luận điều tra ngày 13-12-2010, kết luận Trần Thọ Đức là người cầm lái gây tai nạn chết người. Ngày 12-5-2011, TAND huyện Krông Búk mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Đức 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ". Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Sang thừa nhận là mình lái xe gây tai nạn chết người. Chính vì vậy, sau khi tuyên án, cả Đức và Sang kháng cáo bản án.
Ngày 21-7-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm. Tại phiên tòa này, Sang thay đổi lời khai, cho rằng việc mình nhận cầm lái gây tai nạn là do áp lực từ mẹ và do cán bộ điều tra ép cung, đánh đập. Sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Sau một thời gian điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng đã đưa Sang từ người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thành bị cáo; ngược lại, Đức thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngày 10-11-2014, TAND huyện Krông Búk mở phiên sơ thẩm lần 2 và tuyên phạt Sang 1 năm 6 tháng tù. Sang kháng cáo kêu oan nên ngày 16-7-2015, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa phúc thẩm lần 2 và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm lần 2 để điều tra lại. Ngày 8-3-2016, TAND huyện Krông Búk tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm lần 3 và tuyên phạt Sang 10 tháng 16 ngày tù. Sau khi có bản án này, Sang tiếp tục kháng cáo kêu oan.
Vẫn chưa biết ai có tội
Ngày 29-3-2017, tiếp tục diễn ra phiên phúc thẩm lần 3. Tại phiên xử này, HĐXX nhận định người làm chứng là Phạm Thị Thanh Tâm (nhậu chung với Sang và Đức - PV) khẳng định Sang uống rượu say ngay tại quán nhậu. Khi ra về, chính Đức là người lái xe chở Sang.
Một nhân chứng quan trọng khác là Đặng Trọng Vụ (người chứng kiến vụ tai nạn) khai xe máy do người mặc áo vàng (áo của Sang đưa cho Đức mượn để mặc - PV) cầm lái gây tai nạn cách vị trí anh đứng khoảng 50 m. Riêng nhân chứng Mai Hồng Hoa (thợ sửa điện), trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm đầu tiên đều khai người lái xe gây tai nạn là người mặc áo vàng nhưng sau đó thay đổi lời khai rằng không nhìn rõ ai cầm lái. Khi thực nghiệm lại hiện trường, ông Hoa đứng vị trí cách xa hơn vị trí lúc thấy tai nạn nhưng vẫn nhìn thấy người mặc áo vàng là người cầm lái.
HĐXX cũng nhận định tòa cấp sơ thẩm (xét xử lần 2) căn cứ vào bản cam kết giữa gia đình Đức và bị cáo Sang với nội dung Sang thừa nhận mình là người lái xe và kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng để quy kết bị cáo Sang chở Đức gây tai nạn là chưa có cơ sở vì có sự mâu thuẫn, đối lập với các tình tiết chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Lý do là bị cáo Sang và mẹ Sang cho rằng do Đức đang là sinh viên nên gia đình Đức nhờ Sang nhận là người điều khiển; mọi chi phí giải quyết vụ tai nạn gia đình Đức lo hết và Sang không phải đi tù (?).
HĐXX cũng nhận định bản kết luận của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng, trong phần nhận xét, đánh giá cho rằng những thương tích của bị cáo Sang nhiều khả năng do va đập xuống mặt đường nhưng ở phần kết luận lại ghi: "thương tích trên cơ thể Trần Thanh Sang phù hợp với thương tích của người cầm lái (?!)" là có mâu thuẫn. Ngoài ra, HĐXX cũng phân tích, đánh giá nhiều khía cạnh của vụ án làm nổi bật lên nhiều lời khai của Đức không trung thực, mâu thuẫn…
Do đó xét thấy chưa đủ căn cứ pháp lý để quy kết Sang là người lái xe chở Đức gây tai nạn, HĐXX phúc thẩm lần 3 tuyên Sang không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Tuyệt vọng! Ông Lê Quang Chiến cho biết khi nghe tòa tuyên án, ông đã bật khóc. "Bản án mới của tòa không chỉ ra ai là người gây tai nạn và hướng giải quyết đã khiến gia đình tôi thêm một lần nữa tuyệt vọng. Tôi đã làm đơn cầu cứu gửi nhiều cơ quan chức năng nhưng đến ngày 30-6 chỉ mới nhận được phản hồi của VKSND tỉnh Đắk Lắk. Nhưng lấy lý do không thuộc thẩm quyền giải quyết nên cơ quan này trả lại đơn và hướng dẫn gửi đơn đến TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng" - ông Chiến thất vọng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hườn - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm - cho rằng việc gia đình bị hại bức xúc là đúng, ai rơi vào hoàn cảnh này cũng vậy cả. "Bản án phúc thẩm đã được gửi cho nhiều cơ quan, trong đó có Công an huyện và VKSND huyện Krông Búk. Những đơn vị này sẽ có trách nhiệm làm sáng tỏ ai là người điều khiển xe gây ra cái chết cho con ông Chiến" - ông Hườn nói. |
“12 năm qua, tui gửi hàng ngàn lá đơn kêu cứu nhưng không cơ quan nào giải quyết”