Khốn đốn vì “tín dụng đen”

Nạn cho vay nặng lãi đang phổ biến ở các khu dân cư, khu công nghiệp… khi xuất hiện nhiều tờ rơi với nội dung “cho vay tiền nhanh trong ngày”, “cho vay tiền không cần thế chấp”... khiến nhiều người sập bẫy.

Không cần thế chấp

Chúng tôi dè dặt hỏi thủ tục vay có khó không, bà Vân liền giới thiệu: “Chỗ chị cho vay tiền nhanh, không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập… Có điều phải có hộ khẩu TP hoặc có người quen bảo lãnh”. Chúng tôi xin địa chỉ “công ty” để làm thủ tục, bà Vân nhanh nhảu: “Em đọc địa chỉ chỗ ở đi, chị cho người xuống làm thủ tục liền”.

Nghe chúng tôi yêu cầu vay 10 triệu đồng, bà Vân nói phải đóng tiền lãi lẫn gốc theo ngày. “Em vay 10 triệu đồng, phải trả cả gốc lẫn lãi 400.000 đồng/ngày. Như vậy, 1 tháng em phải trả 12 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Chậm một ngày, chị sẽ thu thêm phí. Hằng ngày sẽ có người đến tận nhà lấy tiền. “Phí dịch vụ” 1 triệu đồng (trong khoản vay 10 triệu đồng - PV) khi nhân viên đến nhà làm thủ tục cho vay tiền” - bà Vân cho biết.

Trong vai một người đi vay tiền để kinh doanh, chúng tôi được giới thiệu gặp Đ., chuyên môi giới cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê cho một chủ nợ ở khu vực quận Thủ Đức (tiền công 7 triệu đồng/tháng). Đường dây của Đ. cho những tiểu thương ở các chợ khu vực Thủ Đức vay tiền với lãi suất lên đến 20%/tháng. Cứ cuối buổi chiều mỗi ngày, “con nợ” phải đến điểm “tập kết” đóng cả tiền lãi lẫn gốc cho Đ., nếu không, Đ. dẫn đàn em đến tận nhà đòi nợ.

Khốn đốn vì “tín dụng đen” - 1

Anh N.V.S từng buôn bán lớn ở chợ đầu mối nhưng giờ trắng tay vì “tín dụng đen”.

Khốn đốn vì “tín dụng đen” - 2

Tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh trong ngày

Bỏ trốn cũng không thoát

Đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức để tìm hiểu về nạn cho vay nặng lãi, tôi được L. (buôn bán lâu năm ở chợ đầu mối) cho biết khoảng 40%-50% tiểu thương tại chợ vay “nóng” của 2 anh em ông L. và T. (ngụ quận 4) và 1 người tên H. ở miền Tây. “Có người vay cả trăm triệu đồng nhưng không phải ai cũng ăn nên làm ra, vỡ nợ trốn về quê cũng không thoát được” - L. kể.

Qua giới thiệu của L., chúng tôi tìm gặp anh N.V.S (33 tuổi, quê ở Tiền Giang, buôn bán lâu năm ở chợ đầu mối). Khi chúng tôi đến, vợ chồng anh S. vẫn đang bán trái cây ở lề đường Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức). Anh S. kể năm 2012, vợ chồng anh vay 100 triệu đồng để thuê vựa bán trái cây, lãi suất 20%/tháng, được cho trả góp 500.000 đồng/ngày.

Do buôn bán ế ẩm còn phát sinh nhiều chi phí, vợ chồng anh S. không có khả năng trả nên lãi ngày một phình to. Liên tục bị dọa “xử đẹp”, họ phải bỏ trốn về quê nhưng chỉ vài hôm, chủ nợ đã gọi điện “hỏi thăm”, bị “xã hội đen” dọa về quê chém hết người trong nhà để trừ nợ.

Sợ ảnh hưởng đến vợ con, anh S. liều mình lên lại TP gặp chủ nợ thương lượng. Nay chủ nợ đồng ý cho anh trả góp 200.000 đồng/ngày nhưng cật lực làm thuê, anh mới trả được 10% số tiền vay trước đó.

Chị Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi, quê Nghệ An) làm công nhân ở KCN Dĩ An (Bình Dương). Cuối năm 2013, do không có tiền chữa bệnh cho con, chị Nhung đã cầm thẻ ATM cho một chủ nợ ở quận Thủ Đức để vay 5 triệu đồng. Dù hằng tháng chủ nợ đều trừ tiền trả góp đều đặn nhưng đến thời điểm này, chị Nhung vẫn còn nợ hơn 8 triệu đồng, không tài nào “nhổ” được thẻ.

Được biết tình trạng cầm thẻ ATM để vay tiền đang rầm rộ ở các KCN, KCX trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhiều công nhân chỉ vay 2-3 triệu đồng nhưng đến nay tiền lãi lẫn gốc vượt quá khả năng chi trả nên không thể lấy lại thẻ.

Đừng để mắc bẫy

Theo thượng tá Trịnh Văn Sâm, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 9, do vay tiền với lãi suất cao không có khả năng trả, người lao động nghèo thường bị chủ nợ gọi giang hồ đến đòi nợ. Để tránh mắc bẫy “tín dụng đen”, người dân nên thông qua kênh tín dụng truyền thống là ngân hàng hoặc làm thủ tục gửi đến UBND các phường, xã, hội phụ nữ... để được hỗ trợ vay vốn theo diện người nghèo thay vì phải mạo hiểm với “tín dụng đen”, dễ gây mất an ninh trật tự và kỷ cương pháp luật.

Sỹ Hưng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN