Khi cảnh sát điều tra kêu oan, tố bị ép cung

Tại phiên tòa, bị cáo Tòng cho biết đã viết hơn 300 lá đơn gởi đi khắp nơi để kêu oan nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm nào. Còn bị cáo Bình thì cho rằng bị điều tra viên ép cung. Tuy nhiên, do có nhiều hành vi chưa được làm rõ nên chưa thể truy tố hai cán bộ Công an này về tội “Dùng nhục hình”. Do đó, HĐXX trả hồ sơ cho VKSND Tối cao đề nghị điều tra bổ sung.

Đủ yếu tố cấu thành tội “Dùng nhục hình”

Ngày 5/2, TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Dùng nhục hình” đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Tòng (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội CSĐT trinh sát) và Phạm Xuân Bình (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra) thuộc Công an TP. Cao Lãnh.

Khi cảnh sát điều tra kêu oan, tố bị ép cung - 1


Hai bị cáo tại tòa

Nạn nhân là anh Nguyễn Tuấn Thanh (SN 1986, ngụ xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Do đây là vụ án gây phẫn nộ dư luận người dân tỉnh Đồng Tháp thời gian qua nên ngay từ sáng sớm, thân nhân của nạn nhân và đông đảo người dân đã có mặt theo dõi phiên tòa.

Theo cáo trạng, vào ngày 16/11/2012, Đội CSĐT Công an TP. Cao Lãnh thông báo cho công an huyện Đồng Tháp Mười bắt giữ đối tượng Thanh đang điều khiển xe gắn máy chở bạn là Phạm Quốc Nhật lưu thông trên địa bàn, vì nghi Thanh trộm cắp tài sản.

Ít phút sau, công an huyện Đồng Tháp Mười chỉ đạo hai công an viên đang tuần tra dừng xe Thanh theo mô tả để kiểm tra.

Khi yêu cầu kiểm tra giấy tờ, Thanh không xuất trình được giấy phép lái xe nên lực lượng công an yêu cầu Thanh và Nhật đưa xe về công an xã để làm việc. Tại đây, Thanh và Nhật bị lập biên bản vi phạm trật tự giao thông và bị tạm giữ để chờ công an TP. Cao Lãnh xuống làm việc. Nhận được tin đã giữ được Thanh, cơ quan CSĐT Công an TP. Cao Lãnh ra lệnh bắt khẩn cấp Thanh. Riêng Nhật đã được thả về nhà sau khi hết thời gian tạm giam.

Sau đó, cơ quan CSĐT giao Thanh cho Tòng, Bình và một cán bộ khác về xã thực hiện lệnh bắt, đưa về trụ sở Đội CSĐT Công an TP. Cao Lãnh. Tại đây, một số cán bộ trong đó có Tòng, Bình thay nhau lấy lời khai của Thanh tới 23h50 thì bàn giao cho Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp. Tuy nhiên, Thấy Thanh có nhiều vết trầy ở chân, tay và ngực nên cán bộ nhà tạm giữ đã ghi lại sự việc.

Đến sáng 17/11/2012, hai cán bộ thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Đồng Tháp tới làm việc với nhà tạm giữ để lấy lời khai của Thanh, sau đó bàn giao Thanh cho công an TP. Cao Lãnh. Đến 12h, một cán bộ phát hiện Thanh gục đầu trên bàn, mặt tím tái, miệng chảy nước miếng nên báo cáo lãnh đạo Công an TP. Cao Lãnh.

Ngay sau đó, Thanh được đưa tới bệnh viện cấp cứu nhưng các bác sĩ cho biết nạn nhân đã tử vong. Cơ quan pháp y công an tỉnh Đồng Tháp khám nghiệm tử thi cho biết một số vị trí trên người Thanh như: môi, hông và đầu các ngón chân, tay tím nhẹ, mông đùi, chân tím đen, nhưng không khẳng định nguyên nhân tử vong của nạn nhân.

Từ đơn tố cáo của thân nhân nạn nhân, ngày 17/1/2013, cơ quan điều tra VKSND Tối cao trưng cầu Viện Pháp y quân đội - Bộ Quốc phòng giám định lại. Kết quả khẳng định nguyên nhân Thanh tử vong là bị suy tuần hoàn cấp không hồi phục, trên người Thanh bị chấn thương do tác động mạnh của vật tày ở nhiều vùng cơ thể, trong đó có vùng nguy hiểm - vùng mũi ức, thượng vị.

Lời khai của các nhân chứng và tài liệu, chứng cứ cùng kết luận giám định pháp y đã xác định trong quá trình tham gia điều tra vụ án Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình đã có hành vi dùng tay chân và cây ba trắc đánh Thanh. Hành vi trên của Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình đủ yếu tố cấu thành tội “Dùng nhục hình” theo Điều 298 Bộ luật hình sự.

Liên tục kêu oan tại tòa

Khi cảnh sát điều tra kêu oan, tố bị ép cung - 2

Phạm Xuân Bình (phải) và Huỳnh Ngọc Tòng trước vành móng ngựa

Tại phiên xét xử sáng 5/2, sau khi nghe Viện kiểm sát (VKS) công bố cáo trạng, hai bị cáo đều không đồng ý với kết luận trong cáo trạng và liên tục kêu oan. Trình bày trước HĐXX, bị cáo Bình cho rằng bản thân bị điều tra viên của VKSND Tối cao ép cung, tung tin rằng cha mẹ đang đau yếu và vợ Bình bị động thai để buộc nhận tội. Chưa hết, bị cáo Bình còn đưa ra nhiều lý lẽ, dẫn chứng để khẳng định bản thân không hề phạm tội.

Trong khi đó, bị cáo Tòng lại giữ thái độ điềm đạm hơn. Trình bày trước HĐXX, Tòng nói: “Thờii gian vừa qua, bị cáo luôn sống trong sự giày vò vì sự việc. Bị cáo cho rằng bản thân bị oan. Do đó, bị cáo đã viết hơn 300 lá đơn gởi đi khắp nơi để kêu oan. Tuy nhiên, đến phiên xử hôm nay, bị cáo vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ các cơ quan chức năng. Đây là điều khiến bị cáo không sao hiểu nổi”.

Trước lời khai của bị cáo Bình cho rằng bản thân bị điều tra viên của VKSND Tối cao ép cung, HĐXX cho rằng bị cáo nguyên là cán bộ điều, tra mà lại bảo bị ép cung là không hợp lý.

Bị cáo có quyền không ký vào biên bản nếu như không có luật sư hoặc thấy kết luận không đúng sự thật. Đã viết và ký vào biên bản nhận tội rồi mà còn kêu oan gì nữa”.

Có mặt tại phiên tòa, bà Đặng Thị Thu (mẹ ruột nạn nhân Thanh) đau đớn nói: “Hôm nay, tôi mang di ảnh Thanh cùng những bức ảnh Thanh bị dùng nhục hình để làm chứng cứ tại tòa. Ở phiên tòa lần này, tôi mong những kẻ gây ra cái chết của con trai tôi phải trả giá bằng bản án tù nghiêm khắc. Tôi thấy việc HĐXX yêu cầu điều tra lại vụ án là điều nên làm. Tôi chưa biết kết quả điều tra mới như thế nào nhưng tôi tin những kẻ gây ra vụ việc phải trả giá bằng bản án thích đáng”.

Trong khi đó, anh Nhật cũng cho hay: “Tôi nhớ rất rõ sau khi bị đưa về trụ sở Công an TP. Cao Lãnh để lấy lời khai, tôi và Thanh bị giam ở hai phòng riêng biệt. Trong khoảng thời gian bị giam giữ, tôi và Thanh bị đánh ngất lên ngất xuống.

Đến gần trưa ngày 17/11, tôi không nghe thấy tiếng la hét của Thanh nữa. Đến chiều tối cùng ngày, tôi được thả ra do hết thời gian tạm giữ, còn Thanh được đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cấp cứu. Tuy nhiên, theo phía bệnh viện, bệnh nhân đã chết trước khi đến bệnh viện”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Quốc/Đời sống pháp luật ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN