Kháng nghị tăng án vụ trấn tiền gái mại dâm
Viện kiểm sát (VKS) thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, vừa kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Lạng Sơn đối với 3 cựu công an cưỡng đoạt tiền, vàng gái mại dâm.
Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-KNĐT, của VKS TP Lạng Sơn, do Viện trưởng Lâm Thị Lệ Hằng, ký ngày 1/4, nêu rõ: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và thẩm tra tại phiên toà, cho thấy Bản án hình sự sơ thẩm số 31/2013/HSST, ngày 20/3/2013 của TAND TP Lạng Sơn đã nhận định các bị cáo: Triệu Văn Hiếu, Hoàng Công Trường (cựu công an TP) và Hứa Viết Tú, không thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản tại khách sạn Sao Mai và Bến xe phía Bắc Lạng Sơn, vào các ngày 21 và 28/4/2012 và tuyên bố bị cáo Triệu Văn Hiếu không phạm tội; là không có căn cứ, bỏ lọt hành vi phạm tội, người phạm tội.
Kháng nghị cho rằng: Quá trình điều tra đã xác định các bị cáo Hiếu, Trường, Hùng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội. Những cán bộ công an này không được lãnh đạo đơn vị phân công thi hành nhiệm vụ; do vậy, đều có tình tiết tăng nặng theo Điểm C, Khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự. Bản án sơ thẩm không áp dụng tình tiết này đối với các bị cáo là thiếu sót.
Theo VKS, có đủ căn cứ xác định các bị cáo: Hoàng Công Trường, Hứa Viết Tú, thực hiện 3 vụ cưỡng đoạt tài sản (hai vụ bắt mại dâm ở khách sạn Sao Mai, nhà nghỉ Thuỳ Liên, vụ bắt bạc ở Bến xe phía Bắc); bị cáo Triệu Văn Hiếu, thực hiện 2 vụ (trấn lột gái mại dâm ở khách sạn Sao Mai và bắt bạc). Do đó, các bị cáo này, đều có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, theo Điểm g, Khoản 1, Điều 48 BLHS.
Cũng theo VKS quá trình điều tra và tại phiên toà sơ thẩm; Hiếu, Trường, Hùng không khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; các bị cáo này nguyên là đảng viên, là cán bộ Công an; hành vi phạm tội đã ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của ngành, gây dư luận xấu trong xã hội.
Xét tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng; nếu xử phạt các bị cáo Trường, Hùng một năm tù (trong đó, Hùng hưởng án treo) như án sơ thẩm là quá nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; không đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật.