Kéo nhau ra tòa vì gãy nhánh cây kiểng

Sự kiện: Tin pháp luật

Bị đơn cưa cây thuê, tiền công chỉ được 100.000 đồng nhưng vô ý làm gãy nhánh cây bông trang kiểng nên phải bồi thường 2 triệu đồng.

TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản giữa nguyên đơn là ông P.V.Đ và bị đơn là ông V.T.K do có kháng cáo của ông K. Điều thú vị trong vụ án này là tài sản bị thiệt hại là nhánh cây bông trang kiểng bị gãy. Số tiền bị đơn phải bồi thường là 2 triệu đồng nhưng hai bên phải kéo nhau ra tòa.

Cưa cây thuê làm gãy nhánh trang

Trong đơn khởi kiện, ông Đ. trình bày: Ngày 15-2-2019 (âm lịch), ông K. đến cưa hai cây bạch đàn thuê cho bà X. ở gần nhà ông với tiền công 100.000 đồng. Trong lúc cưa cây, ông K. đã để cành cây ngã vào cây bông trang của ông gửi tại nhà bà X. làm cây bị gãy nhánh.

Theo ông Đ., cây bông trang này ông mua với giá 4 triệu đồng, tiền vận chuyển 1 triệu đồng, sau khi ông chăm sóc cây một năm thì có người trả giá mua 7 triệu đồng nhưng ông không bán. Sau khi cây bị gãy, ông đã cưa cành để chăm sóc lại và khởi kiện yêu cầu ông K. phải bồi thường cho ông 7 triệu đồng, ông giữ lại gốc cây. Nếu ông K. lấy gốc cây thì ông Đ. yêu cầu phải bồi thường 8 triệu đồng.

Ông K. thừa nhận bà X. thuê ông đến cưa hai cây bạch đàn với giá 100.000 đồng. Trên sân có cây bông trang của ông Đ. (là cháu của bà X.) gửi trồng trên đất. Lúc cưa cây ông có nói với bà X. kêu ông Đ. qua di dời cây bông trang nhưng ông Đ. đi ruộng nên không qua. Trong lúc cưa cây thì cây bị ngã làm gãy nhánh cây bông trang của ông Đ.

Khi ông Đ. yêu cầu bồi thường 4 triệu đồng thì ông K. đã bàn với bà X. cùng bồi thường mỗi người 1 triệu đồng, tổng cộng là 2 triệu đồng nhưng bà X. không đồng ý. Nay ông Đ. yêu cầu bồi thường 7 triệu đồng thì ông K. không đồng ý, chỉ đồng ý bồi thường 1 triệu đồng.

Người liên quan là bà X. cũng trình bày về sự việc như trên. Bà X. cho biết, khi thuê ông K. thì không có thỏa thuận hư hao tài sản phải bồi thường nếu có phát sinh trong lúc cưa cây. Ông Đ. có gửi cây trồng bên bà là cây bông trang, cũng không thỏa thuận cây có hư hao, mất mát hoặc gãy ngã thì bà phải bồi thường. Khi sự việc xảy ra, ông K. nói bà cùng bồi thường nhưng bà không đồng ý vì trách nhiệm này là của ông K.

Xử sơ thẩm vào tháng 5, TAND huyện Thới Lai chấp nhận một phần khởi kiện của ông Đ., buộc ông K. bồi thường thiệt hại tiền công chăm sóc cây bông trang cho ông Đ. 3 triệu đồng.

Cây bông trang thường được dùng làm cây kiểng trang trí. Ảnh minh họa: Nhẫn Nam

Cây bông trang thường được dùng làm cây kiểng trang trí. Ảnh minh họa: Nhẫn Nam

Lỗi vô ý do cẩu thả

Sau đó, ông K. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm, ông chỉ chấp nhận bồi thường cho nguyên đơn 1 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông K. nói đồng ý bồi thường cho ông Đ. 2 triệu đồng. Ông K. cho rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin tòa xem xét vì sự việc làm gãy nhánh cây bông trang chỉ là do ông vô ý. Nguyên đơn là ông Đ. thì yêu cầu giữ nguyên mức bồi thường 3 triệu đồng như án sơ thẩm đã tuyên.

HĐXX phúc thẩm cho rằng xét về lỗi, thiệt hại xảy ra là ngoài ý muốn của các bên. Tuy nhiên, ông K. có lỗi vô ý do cẩu thả dẫn đến hư hại tài sản là cây bông trang của ông Đ.

Mặc dù phải biết trước hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc đã thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại nhưng do ông K. cẩu thả hoặc quá tự tin. Vì thế khi ông K. cưa cây bạch đàn, thấy có cây bông trang ở phía dưới nhưng không di dời và đã gây thiệt hại ngoài mong muốn của mình. Do đó, ông K. phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Đ. là có căn cứ và phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS 2015.

Đối với tài sản bị thiệt hại là cây bông trang, đây là cây trồng mang giá trị làm kiểng, không được định giá cụ thể trong danh sách cây trồng do Nhà nước quy định giá bồi thường. Tài sản này tùy theo sở thích và nhu cầu của người sử dụng mà thuận mua vừa bán, việc này cũng được các đương sự thừa nhận.

Vì vậy, ông Đ. đòi bồi thường 8 triệu đồng đối với hai nhánh cây bị gãy là quá cao so với thiệt hại xảy ra. Do là cây trồng không thể định giá nên HĐXX cấp sơ thẩm căn cứ lời khai của ông Đ. nhưng thực tế ông Đ. không có chứng cứ gì chứng minh giá trị thực tế của việc mua bán cây bông trang.

HĐXX phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm buộc ông K. bồi thường cho ông Đ. 3 triệu đồng gồm tiền hư hại nhánh cây và công chăm sóc là có căn cứ. Tuy nhiên, việc gây thiệt hại là do ngoài ý muốn của các bên, cây chỉ thiệt hại một phần nhánh, bộ gốc của cây vẫn còn nguyên vẹn, ông Đ. cũng đã tiếp tục nhận và chăm sóc cây. Vì thế, tòa sửa án tuyên ông K. chỉ phải bồi thường cho ông Đ. 2 triệu đồng.

Ông K. chỉ làm thuê…

HĐXX cho rằng bản thân ông K. chỉ làm thuê cho bà X., công việc không ổn định. Tại tòa ông K. nhận lỗi và mong tòa giảm mức bồi thường để ông có điều kiện trả số tiền bồi thường một lần cho ông Đ.

Vì thế, mức bồi thường thiệt hại 2 triệu đồng là phù hợp với thiệt hại xảy ra và cũng nhằm tạo điều kiện cho ông K. bồi thường. Từ đó tòa chấp nhận kháng cáo của ông K., sửa án sơ thẩm, buộc ông bồi thường 2 triệu đồng là tiền công chăm sóc cây bông trang cho ông Đ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bi hài chuyện khoe của: Rước họa vào thân

Nhiều người thừa biết đeo nhiều vòng vàng ra đường sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng bởi nạn trộm cướp nhưng họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhẫn Nam ([Tên nguồn])
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN