Học trò thành sát nhân vì game bạo lực, lô đề

Những người trẻ, hơn ai hết chính họ phải hiểu được rằng tài sản vô giá mà bản thân họ sở hữu chính là tuổi trẻ, cơ hội và tương lai; thế nhưng, những ngã rẽ cuộc đời chẳng ai đoán định trước, chỉ một phút nông nổi, thiếu kiềm chế mà đánh mất lý trí là tội ác khôn lường sẽ xảy ra để rồi phải trả giá bằng tương lai của chính mình. Lê Bảo Trọng là một người trẻ như vậy; vì sa ngã vào game bạo lực, cờ bạc, lô đề để rồi khi túng quẫn đã dẫn tới hành vi giết người, cướp tài sản…

Vết trượt

2 năm trước, vào khoảng đầu tháng 11-2010, người dân vùng quê Tiên Dược ngoại thành Hà Nội xôn xao bởi hung tin đã có một vụ giết người dã man xảy ra.

Điều khiến người dân nơi đây thêm bàng hoàng khi biết đối tượng gây án còn ở độ tuổi vị thành niên, cả hung thủ và nạn nhân đều là người cùng thôn, có họ hàng…

Lê Bảo Trọng sinh ngày 27/7/1994, là con thứ hai trong một gia đình thuần nông ở thôn Tiên Dược, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Trên Trọng còn một chị gái đang học đại học, dưới là cậu em trai đang học cấp II. Lần đầu tiên Trọng biết đến game là cuối thời gian nghỉ hè năm lớp 8.

Trên đường ra chợ mua đồ cho mẹ, Trọng thấy cậu bạn cùng lớp đang vào quán net nên chạy đến chào hỏi và được cậu này kéo vào quán.

Đứng xem bạn chơi, thỉnh thoảng lại thấy cậu bạn hét lên một cách khoái trá, Trọng đâm ra mê mẩn, định bụng sẽ chơi thử cho biết nhưng vì sợ bố mẹ nên trong suốt những ngày hè còn lại, Trọng cố gắng kìm nén ý định của mình.

Thời gian cứ trôi đi tưởng chừng đã làm “nguội” cái thú ham chơi của tuổi mới lớn, thì bước vào năm cuối cấp II, Trọng được bố mẹ miễn không phải làm việc nhà để tập trung ôn luyện, thi cử.

“Nhàn cư vi bất thiện” - đây lại là thời cơ để Trọng thỏa tâm nguyện được chơi game đã kìm nén bấy lâu nên ngoài giờ học trên lớp, Trọng nói dối bố mẹ là đi học nhóm, học thêm rồi ngày ngày vùi đầu trong quán net gần nhà. Trò chơi mà Trọng “ghiền” nhất một game nhập vai mà người chơi dùng các loại dao kiếm, súng ống để đâm chém, bắn chết người khác.

“Chơi trò này “đã” lắm, cứ như mình được cầm súng bắn thật vậy, mỗi khi hạ gục được đối thủ, em thấy mình oai lắm!” - Trọng kể lại chuyện cũ sau một thời gian không bắn, chém trên thế giới ảo. Cứ như vậy, loại game bạo lực này đã nhấn chìm chuyện học hành của Trọng.

Từ tiền ăn sáng, tiền mua sách vở, tiền đóng học thêm Trọng lần lượt “nướng” hết vào game. Chơi cho đến lúc nghiện, không còn một xu dính túi, Trọng chuyển sang lấy trộm tiền của bố mẹ. Trọng thú nhận: “Em biết mẹ hay để tiền đi chợ ở trong tủ quần áo, mỗi lần em lấy khoảng 50.000 đến 100.000 đồng”.

Giở trò “đạo chích” được 3, 4 lần thì Trọng bị bố mẹ bắt quả tang và chuyện chơi game cũng bại lộ. Từ hôm đó, Trọng bị bố mẹ siết chặt quản lý, ngoài giờ học trên lớp thì Trọng không được đi đâu ra khỏi nhà. Nhưng không được chơi ngoài giờ học thì Trọng trốn học đi hơi.

Gần 1 năm trượt dài trong thế giới game bạo lực, từ cậu học trò có học lực khá, đến lúc thi tốt nghiệp cấp II, số điểm mà Trọng đạt được chỉ vừa đủ để “vớt” vào một trường dân lập. Vào lớp 10, mức độ nghiện game của Trọng càng nặng hơn và để có tiền “cày” game, Trọng chuyển sang chơi lô đề.

Và theo như lời Trọng nói thì số Trọng khá may mắn vì hầu như “ghi” con nào là chiều tối lô đề về ngay con đấy nên tiền bạc cũng khá rủng rỉnh.

Nhưng Trọng bảo không nghiện món đỏ đen này: “Em thấy nhiều người chơi lô đề đều lâm vào cảnh nghèo túng cả, thắng thua là do may mắn nên rủi ro cũng cao. Còn chơi game thì phải dùng trí tuệ mới thắng được, với lại chơi game chỉ là giải trí thôi, không làm mất mát gì của ai cả”.

Đến giữa năm lớp 11, Trọng bị đuổi học. Theo lời Trọng, chính trong khoảng thời gian này “chuyện không may” đã xảy ra. Cụ thể, trong thời gian đó, tự nhiên Trọng lại thấy chán chơi game và bắt đầu ham mê một trò chơi mới - đó là đánh bi-a ăn tiền.

Gần phía đối diện với nhà Trọng là quán bi-a của ông Lê Văn Sắm (SN 1959) - theo mỗi quan hệ họ hàng ông Sắm là ông trẻ của Trọng. Trong những ngày nghỉ học, Trọng hay nhìn sang quán bi-a một cách vô thức. Thấy Trọng có vẻ tò mò, ông Sắm đã rủ cháu sang chơi cho vui.

Chỉ sau vài ngày học chơi, Trọng đã nhận lời đánh bi-a ăn tiền với ông Sắm. Lúc đầu chỉ chơi nhỏ, khoảng vài nghìn đồng một ván, rồi chơi to đến hơn 50.000 nghìn đồng… Ván thắng chẳng thấm so với số lần thua, số tiền Trọng nợ ông Song ngày một nhiều.

Để có tiền gỡ, Trọng xin ông Sắm cho ghi lô đề nợ, nhưng vận may không đến với Trọng giống như những lần trước, kết quả chỉ sau hơn 1 tuần, Trọng đã nợ ông Sắm hơn 1 triệu đồng. Từ đây, những ngày đòi nợ và khất nợ cứ triền miên dai dẳng rồi bùng phát…

Án mạng kinh hoàng

Trưa ngày 11/11/2010, Trọng đi bộ ra đường, cầm theo khúc mía và một con dao nhọn dùng để róc mía. Khi đến quán bi-a của ông Sắm thì bị ông Sắm nhìn thấy gọi vào quán. Vừa vào bên trong, ông Sắm đã yêu cầu Trọng trả ông số tiền nợ do đánh bi-a và ghi lô, đề là 1.078.000 đồng.

Vì không có tiền nên Trọng tiếp tục xin khất nợ. Ông Sắm đã không đồng ý và nói sẽ thông báo lại việc này cho bố mẹ Trọng biết. Biết ông Sắm tỏ ra kiên quyết, không cho khất nợ nữa nên Trọng xuống nước, cầm hai tay ông xin không nói cho bố mẹ Trọng biết, đồng thời hứa trong thời gian sớm nhất sẽ trả ông, nhưng ông Sắm vẫn không đồng ý mà còn tát Trọng 2 cái khiến Trọng loạng quạng về phía sau. Ông Sắm chưa dừng lại ở đó, ông tiến về phía trước dang tay tát Trọng làm Trọng ngã ra sàn quán.

Khi ông Sắm xông tới định tấn công tiếp thì bất ngờ, bàn tay đang cầm dao của Trọng vung lên, đâm hai nhát vào bụng ông. Bị đâm, ông Sắm quay lại cầm một con dao nhọn để trên bàn uống nước lao vào Trọng nhưng Trọng đã giằng được con dao từ tay ông.

Ông Sắm nhìn Trọng hỏi: - Sao mày lại làm vậy? Trọng đáp: - Tại vì ông tát cháu trước! Ông Sắm trong cơn đau vẫn nói khẽ với Trọng: - Để ông gọi người đưa đi cấp cứu! Trọng nhìn máu từ người ông chảy ra, bắt đầu hoảng sợ liền nói: - Hay ông để cháu băng bó cho ông trước.

Ông Sắm không nói gì mà kéo áo lên để Trọng lấy thuốc lào trong hộp sắt trên bàn uống nước đắp vào vết thương ở trên bụng ông. Sau đó, ông Sắm dùng tay bịt vào vết thương, còn Trọng lấy chiếc áo màu xám xanh treo trên tường buộc quanh bụng ông cho đỡ chảy máu. Ông nằm một lúc rồi bảo Trọng về nhà.

Còn ông sẽ gọi điện cho người đến đưa đi cấp cứu nhưng Trọng bảo ông đừng gọi điện cho ai. Thấy sắc mặt Trọng có vẻ không bình thường, ông Sắm với tay lấy chiếc điện thoại di động định gọi cho người thân, bất ngờ, Trọng lao tới đâm ông liên tiếp mấy nhát vào ngực trái khiến ông đổ gục xuống sàn nhà.

Thấy ông Sắm vẫn cử động, nghĩ là ông chưa chết, Trọng vung dao (con dao giằng từ tay ông Sắm) đâm mạnh một nhát vào ngực trái khiến ông chết tại chỗ.

Sau khi giết ông Sắm, Trọng đã lấy chiếc điện thoại của ông Sắm và mang theo hai con dao đã đâm ông ra cửa sau, nhảy qua tường rào, đến mương nước thuộc khu vực cánh đồng thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược vứt hai con dao…

Phía sau song sắt

Trong các phạm nhân vị thành niên tại Trại giam Thanh Xuân, đóng trên địa bàn xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội; Lê Bảo Trọng là một cái tên đáng chú ý bởi tuy mới 16 tuổi nhưng đã phạm 2 trọng tội Giết người và Cướp tài sản.

Hành vi giết người của Trọng rất đáng lên án, cần phải trừng phạt nghiêm khắc làm gương cho kẻ khác. Với kẻ khác, án tử hình sẽ là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, khi phạm tội, Trọng mới có 16 tuổi 3 tháng 14 ngày. Theo quy định của pháp luật, hình phạt cao nhất với người chưa thành niên phạm tội là 18 năm tù.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, Trọng là một phạm nhân có những biểu hiện cảm xúc khó gần, dù 2 năm đã qua phải ở sau song sắt để trả giá cho tội ác của mình nhưng Trọng vẫn luôn giữ một thái độ lạnh lùng với người đối diện.

Quay lại chuyện cũ, sau khi gây án, Trọng ra về như không có chuyện gì và ung dung không nghĩ mình sẽ bị bắt. Cho đến ngày thứ 6, khi hung thủ đã lộ diện, thông tin Trọng giết hại ông trẻ của mình làm cho nhiều người kinh ngạc, bởi không ai nghĩ một đứa trẻ rụt rè, gương mặt non choẹt, dáng người còn chưa lớn hết như Lê Bảo Trọng lại có thể ra tay giết người một cách dã man như thế.

Bố mẹ Trọng không dám tin con trai mình lại có thể làm cái việc tày trời đấy, còn bà nội Trọng đã hơn 80 tuổi thì khóc lên khóc xuống, nhất quyết không cho các chú công an đưa Trọng đi. Đến lúc đó, Trọng mới thực sự thấy hoảng sợ về việc mình đã làm và lao vào lòng bà khóc tức tưởi!...

Nhưng hôm nay, ngồi trong trại giam không phải là một Lê Bảo Trọng đã lao vào lòng bà khóc lóc như để né tránh sự thật, như tìm đâu đó hơi ấm của tình thương và lòng bao dung mà thay vào đó là một phạm nhân có gương mặt lạnh lùng, vô cảm và không nhiều ước mơ dù đã trải qua quãng thời gian lao động, cải tạo.

Trọng bao biện cho hành vi giết người của mình bằng rất nhiều lý do: “Vì sợ ông Sắm nói cho bố mẹ biết; vì ông Sắm chửi bới thóa mạ cả nhà mình; vì ông Sắm định gọi côn đồ đến đánh; vì sợ quá nên cầm dao tự vệ, không ngờ lại dẫn đến chết người...”.

Tưởng chừng quá đỗi thất vọng với rất nhiều những lời bao biện được đưa ra thì trước khi ra về chúng tôi vẫn thầm mừng rằng khi trả lời câu hỏi rằng có thấy hối hận về tội lỗi của mình, có thấy có lỗi với vợ con của nạn nhân không, Trọng nói: “Em cảm thấy hối hận về tội lỗi của mình”…

Đây không phải là lần đầu xảy ra vụ án người phạm tội vị thành niên, bị trượt ngã vào vòng xoáy của trò chơi game, cờ bạc, lô, đề… Cuộc sống luôn có rất nhiều cạm bẫy có thể đẩy con người vào vòng lao lý, tội lỗi, nhất là những người trẻ.

Năm nay Lê Bảo Trọng 18 tuổi, cánh cửa cuộc đời tạm khép lại một thời gian quá dài trước mắt, thật may là Trọng chưa phải đi đến đoạn kết của cuộc đời.

Mong rằng 16 năm còn lại sau song sắt, cùng với sự ăn năn, hối hận, mạnh mẽ để đứng dậy vượt qua điểm tối sau lỗi lầm, và được các các bộ quản giáo giúp đỡ sẽ giúp Trọng nảy mầm những hạt giống thiện trong tâm hồn để sau này mãn hạn tù trở về thành người có ích cho xã hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quân Trần (An Ninh Thủ Đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN