Gặp lại Nguyễn Đình Tình trong kỳ án hiếp dâm

Sự kiện: "Kỳ án" hiếp dâm

Cuộc trò chuyện của chúng tôi, bên cạnh người vợ hiền luôn túc trực lo lắng cho những cơn đau của Tình, thường bị gián đoạn bởi xúc cảm dữ dội dường như kìm nén quá lâu trong lòng phạm nhân của kỳ án hiếp dâm chấn động dư luận một thời.

Không dễ gì gặp được Nguyễn Đình Tình trong những ngày này, phần vì tâm lý e ngại và phần khác bởi anh đang bị căn bệnh thế kỷ HIV/ AIDS hành hạ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi, giữa căn nhà 5 tầng khang trang, bên cạnh người vợ hiền luôn túc trực lo lắng cho những cơn đau của Tình, thường bị gián đoạn bởi xúc cảm dữ dội dường như kìm nén quá lâu trong lòng phạm nhân của kỳ án hiếp dâm chấn động dư luận một thời.

Ngồi lặng yên hướng đôi mắt về phía xa xăm, Tình bảo anh không còn muốn nhắc nhiều về vụ án, về những lời kêu oan mãi trôi vào thinh không nữa. Khi thời gian sống đang đếm ngược từng ngày, Tình chỉ muốn thanh thản bên người vợ đã vượt qua nghịch cảnh đến bên cuộc đời anh và khát khao được hoàn thành "thiên chức" làm cha còn dang dở phòng "mai này lỡ mình không còn nữa".

Gắng sống vì tình yêu

Sẽ tiếp tục kêu oan

Phiên xử giám đốc thẩm được mở ngày 7/12/2011 đã bác đơn kháng nghị của ba bị cáo trong kỳ án hiếp dâm, cướp của gồm Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên và Nguyễn Đình Lợi. Theo ông Nguyễn Đình Nghĩa (bố Tình), thì "gia đình vẫn tiếp tục gửi đơn kèm theo nhiều chứng cứ kêu oan cho Tình". Ông Nghĩa bảo lần gần nhất mới cách đây vài tháng, khi một đồng chí của đội thi hành án quận Hà Đông xuống nhà, ông cũng đã gửi qua người này một lá đơn kháng nghị. Trao đổi cùng PV, bà Hiên nói: "Cháu thấy đấy, Tình bây giờ chỉ quanh ở nhà thuốc thang điều trị. Nhà chẳng có hy vọng gì đâu, chỉ mong điều trị bệnh tật cho tốt. Bây giờ, gia đình chỉ mong mỏi tòa án xem xét, trả lại công bằng cho nó".

Những cung đường bụi bặm của một vùng ven đô đang chuyển mình đưa tôi về Phường Yên Nghĩa (Q.Hà Đông, Hà Nội). Nơi đây, hơn mười năm trước từng chứng kiến một vụ kỳ án làm xôn xao dư luận, làm báo chí tốn bao giấy mực suốt một thời gian dài. Thậm chí cho đến tận bây giờ, khi hỏi đường vào nhà Nguyễn Đình Tình, phạm nhân bị tuyên 14 năm tù trong kỳ án hiếp dâm, cướp của vẫn được xem là "nổi tiếng nhất Việt Nam", người dân cả Phường Yên Nghĩa, không ai không biết.

Nhưng kỳ lạ thay, trái với thứ ác cảm thường dành cho những tên tội phạm, người dân nơi đây khi nhắc đến "thằng Tình con ông Nghĩa" lại không nén nổi tiếng thở dài. Bà cụ bán nước bỏ dở cả việc cửa hàng dẫn tôi đến tận cửa nhà Tình chép miệng: "Nó còn hơn 4 năm nợ thi hành án. Mà bây giờ bệnh tật đau yếu quá, nhà nước cũng không nỡ bắt nó quay về trại. Hoàn cảnh nó tội nghiệp lắm chú ơi".

Khi tôi đến nhà, Tình lại đi sang chơi bên nhà người họ hàng gần đó. Tiếp phóng viên niềm nở bằng đĩa khoai luộc chân quê và chén trà xanh thơm phức, ông Nguyễn Đình Nghĩa (bố Tình) nhập đề ngay mà chẳng ngại ngần: "Các chú lại đến hỏi về vụ án phải không? Để tôi bảo cái Thủy (vợ Tình - PV) đi gọi chồng nó về. Tội nghiệp con bé, cả đêm qua thức trắng vì thằng Tình lại lên cơn đau bụng". Câu chuyện với ông Nghĩa chưa kịp nguội chén trà thì Tình về. Dù đã được giới thiệu trước, tôi vẫn không sao tránh khỏi xúc cảm xót xa khi nhìn thấy phạm nhân nổi tiếng của vụ kỳ án năm xưa. Khuôn mặt nhăn lại vì đau đớn phải cố gượng. Nước da Tình trắng bệch, mỗi bước đi tưởng như chỉ chực ngã gục xuống đất. Căn bệnh thế kỷ đã tàn phá cuộc đời Tình thật kinh khủng. Nhưng thẳm sâu trong đôi mắt còn phảng phất nhiều nét tinh anh kia, tôi nhìn thấy vẫn ánh lên sự lạc quan và thật nhiều khát khao.

Như để xóa tan bầu không khí trầm lặng, Tình lên tiếng: "Mấy ngày nay, tôi lại đau. Một dạo trước, có người bên đội thi hành án của Quận xuống hỏi thăm, động viên đi trại nốt mấy năm cho hết nợ. Nhưng sức khỏe thế này, tôi gắng gượng không nổi. Thú thực, bây giờ, tôi cũng chẳng còn muốn nghĩ hay muốn nói nhiều về quá khứ nữa. Tôi cố sống được, cố thanh thản và chữa chạy bệnh tật, hoàn toàn là vì tình yêu lớn của vợ mình". Rồi cứ thế, không cần tôi tiếp chuyện, Tình bắt đầu độc thoại. Anh kể chậm rãi, thi thoảng phải ngừng lại lau mồ hôi rịn ra trên vầng trán xanh xao vì cơn đau. Nhưng nét mặt, thì không giấu nổi nét rạng ngời.

Tình kể: "Đầu năm 2010, tôi và hai người anh em bị bắt trong vụ án này (Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Lợi - PV) được tạm tha, trở về với cuộc sống đời thường. Trong thời gian chờ đợi vụ án được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, các cơ quan truyền thông liên tục đến gặp gia đình tôi, giúp đỡ kêu oan. Chính tôi cũng không ngờ, một bài báo như thế đã đến tay Thủy, khiến cô ấy xúc động và giúp chúng tôi sau này nên duyên chồng vợ".

Khẽ vỗ vai chồng ngượng ngập, Thủy đỡ lời: "Ước mơ vào đại học không thành, em từ Yên Bái xuống Hà Nội làm thuê cho một quán Spa. Em còn nhớ rất rõ, hôm ấy là ngày 5/4/2010, cơ duyên tình cờ khiến em chú ý đến bài báo viết về vụ án oan, trong đó có hình ảnh người đàn ông vừa về đoàn tụ với gia đình. Đọc bài báo, em vô cùng xúc động trước nỗi oan nghiệt mà ba chàng trai phải gánh chịu ngót mười năm trời và đặc biệt là nghị lực của anh Nguyễn Đình Tình. Em đã nghĩ đến một việc mà lâu lắm rồi em không làm, đó là viết thư cho anh ấy với mục đích chia sẻ và kết bạn".

Tình lại kể: "Sau khi nhận được thư của Thủy, tôi bắt đầu liên lạc lại. Hai đứa thư từ, điện thoại chia sẻ những vui buồn rồi nảy sinh tình cảm tự lúc nào không hay. Nhưng lúc đó, tôi thực lòng không dám mở lời, bởi nỗi ám ảnh sẽ làm khổ người con gái mình yêu thương. Cho đến một ngày, Thủy lặn lội xuống tận Yên Nghĩa. Sau những vồn vã ban đầu, tôi quyết định phải nói thật cho em biết rằng tôi đã bị nhiễm HIV trong những ngày thụ án ở trại giam. Thủy đã bị sốc thực sự. Nhưng điều khiến tôi choáng váng là sau 3 ngày trở lại, Thủy nức nở gục vào tôi bày tỏ tình yêu sâu nặng của mình".

Gặp lại Nguyễn Đình Tình trong kỳ án hiếp dâm - 1

Người thân bên Tình trong những ngày đau buồn.

Trong cái nắng đầu hè, Tình khiến người yêu ban đầu vỡ mộng khi phũ phàng từ chối. Anh không muốn người phụ nữ của mình phải khổ. Nhưng Thủy vẫn ở đó, một dạ chung tình muốn gắn bó cùng người đàn ông mà cô yêu thương hết lòng. "Tôi đã bị Thủy thuyết phục. Nhưng quả thực, để đến được với nhau không dễ dàng gì. Khi chuyện chúng tôi yêu nhau rồi tính kết hôn lan ra, không chỉ riêng miệng lưỡi thế gian đồn đại cay nghiệt, mà chính họ hàng bên ngoại cũng phản ứng dữ dội. Tôi hiểu đó là lẽ thường, bởi có ai muốn con cháu mình gắn bó với một tội phạm, lại còn nhiễm HIV. Chính dì ruột của Thủy, giờ sống mãi trong Nam, thậm chí còn bảo sẽ tìm mọi cách ngăn cản cuộc hôn nhân này. Nhưng ơn trời, Thủy vẫn quyết tâm bảo vệ tình yêu mà cô ấy lựa chọn. Sau khi đám cưới của chúng tôi diễn ra và tìm hiểu về vụ án năm xưa, dì ruột của Thủy không còn phản đối nữa. Qua bao sóng gió, chúng tôi thực sự có nhau, dù cho thời gian hạnh phúc có thể rất ngắn ngủi vì căn bệnh chết người tôi mang trong mình", Tình tâm sự.

Gian nan ước nguyện cuối cùng

Những phạm nhân của vụ kỳ án bây giờ ra sao?

Về Yên Nghĩa, tôi được bà con tại đây cho biết Nguyễn Đình Kiên đã trở về sau thời gian hơn một năm trả án trong trại. Không gặp trực tiếp được Kiên, nhưng theo những gì bà con tại Yên Nghĩa khẳng định, thì Kiên là thanh niên tốt. Sau khi trở về địa phương, Kiên vẫn sinh hoạt bình thường và tham gia các phong trào tập thể.

Không kể đến trường hợp của Nguyễn Đình Tình, vì bệnh tật vẫn chưa thể đi trả án, thì người còn lại trong kỳ án hiếp dâm năm xưa là Nguyễn Đình Lợi hiện vẫn đang trong trại giam. Ngồi nhẩm tính, Tình bảo: "Chắc nhanh thì cũng chỉ hai năm nữa là Lợi được về đoàn tụ gia đình. Khi sóng gió đi qua, mong tụi nó sống yên ổn và không còn phải đối mặt với bất trắc gì nữa".

Thời gian trôi như nước chảy, mới đó mà thấm thoát đã gần 3 năm trôi qua kể từ đám cưới làm nức lòng bà con phường Vạn Phúc, làm xôn xao dư luận về cô sơn nữ Thành Thị Thủy dũng cảm lấy "phạm nhân nhiễm H.", cả hai vẫn từng ngày trân trọng từng khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau. Ông Nghĩa bảo: "Chính quyền chưa công nhận, nhưng gia đình chúng tôi, bà con họ hàng đều coi Thủy như dâu hiền trong nhà. Nếu không có tấm lòng bao dung và tình yêu vô bờ, chắc không ai dám như nó, chịu đủ mọi điều tiếng, thiệt thòi để lấy một người chồng mang trong mình căn bệnh thế kỷ".

Cắt lời ông Nghĩa, Tình ngượng ngập tâm sự: "Vợ em phải chịu thiệt thòi rất nhiều. Không giấu gì anh, ngay chuyện quan hệ chăn gối, hai đứa cũng phải giữ gìn bằng biện pháp an toàn, nhẹ nhàng chứ chẳng dám xô bồ như người thường. Mỗi ngày, cô ấy còn phải uống nhiều loại thuốc chống phơi nhiễm, rất cực. Cũng may, Thủy lúc nào cũng lạc quan, động viên chồng nỗ lực. Nhưng tôi biết, từ sâu thẳm trong đáy lòng, vợ mình vẫn còn một khát khao ấp ủ bấy lâu nay…".

Nghe Tình nói, vợ anh đứng bên cạnh cũng như lặng người. Dường như, tâm sự của chồng đã chạm đến nỗi buồn sâu kín nhất trong lòng Thủy. Một giọt nước mắt lặng lẽ rơi, khi cô nghe Tình bảo: "Cả vợ và tôi đều khao khát có một đứa con. Nó là thiên chức mà trời sinh ra đã ban cho mình, nhưng chúng tôi không cách nào thực hiện được. Đau đớn lắm. Hồi mới lấy nhau, tôi cũng nói thẳng cùng vợ là có thể em sẽ không được làm mẹ vì bệnh tật trong người anh. Nhiều đêm nằm bên nhau, tôi đùa (mà thật) với vợ rằng "hay anh để em đi thụ tinh, nói thẳng ra là đi kiếm một đứa con bên ngoài". Cô ấy nghe rồi chỉ khóc mà gạt đi, nhất quyết không chịu chấp thuận. Sau này, nhờ anh Tùng bên Trung tâm Vì tương lai tươi sáng và các bác sĩ điều trị bệnh tư vấn, vợ chồng tôi biết rằng nhiều "cặp lệch" hoặc cả hai người bị nhiễm HIV, họ vẫn sinh con bình thường. Phần lớn trong số các cháu sinh ra ở trường hợp như vậy đều may mắn không bị phơi nhiễm".

Sự tư vấn ấy như mở ra cho Tình và vợ một "chân trời hy vọng". Suốt 3 năm qua, hễ sức khỏe Tình có biến chuyển tốt, hai vợ chồng lại lặn lội ra bệnh viện Phụ sản trung ương để khám và tìm cách. Chưa yên tâm, hai vợ chồng còn bàn nhau tích cóp tiền bạc để vào tận bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Cực nhọc đến thế, nhưng tận bây giờ, những hy vọng cứ chuyển dần thành tuyệt vọng. Tình cho biết: "Vấn đề lớn nhất không phải ở góc độ y tế mà thủ tục vì mình không có đăng ký kết hôn. Một người phụ nữ độc thân muốn thụ tinh nhân tạo để có con ở bệnh viện là điều khá dễ dàng trong thời buổi này. Nhưng trường hợp của mình, bệnh viện xác định vẫn còn yếu tố rủi ro, xác suất phơi nhiễm HIV là có, dù rất thấp. Thế nên, người ta phải lập hồ sơ, báo cáo cơ quan cấp trên nếu được duyệt mới có thể thực hiện. Ngặt nỗi, mình không có đăng ký kết hôn thì không thể có cơ sở cho bệnh viện làm hồ sơ".

Nghẹn giọng một lát, Tình nối tiếp câu chuyện: "Lâu nay, tôi vẫn đau đáu hy vọng cho vợ được tròn thiên chức làm một người mẹ. Nói thật với anh, nếu góc độ mình là người không cầu toàn, quen mạo hiểm thì chắc cũng sinh cháu rồi. Nhưng mình cầu toàn quá, chỉ sợ cái đen đủi đã đeo bám số phận mình mãi rồi. Lỡ không may sinh cháu mà rơi vào xác suất rủi ro, thì lại thêm gánh nặng, thêm nỗi đau lên người thân suốt cả cuộc đời. Bởi thế mà đến bây giờ hai vợ chồng vẫn đành chịu như vậy".

Trước khi chia tay, Tình còn nắm chặt lấy vai áo tôi nghẹn giọng: "Tôi bây giờ sống ngày nào hay ngày đó. Điều khao khát nhất là có một đứa con, vừa động viên tinh thần, vừa làm chỗ dựa, sợi dây tình cảm cho bà xã một mai mình có mệnh hệ gì…". Câu nói đến đây đứt quãng khi Tình rưng rưng quay mặt lại. Tôi hiểu sau khi đã trải qua những khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong cuộc đời mình, phạm nhân đặc biệt của "kỳ án nổi tiếng nhất Việt Nam" đang sợ hãi. Anh sợ, không phải vì căn bệnh thế kỷ đang giết dần cơ thể mình từng ngày. Anh chỉ sợ, một mai không còn sức để đi, không còn cơ hội để cho người mình yêu một hạnh phúc trọn vẹn, như cách đền đáp những hy sinh quá lớn của cô. Liệu nỗi sợ hãi có đánh gục được ý chí của Tình? Tôi tự hỏi và hy vọng anh đủ nghị lực để vượt lên nghịch cảnh.

"Nếu có 300 triệu, tôi đã có thể thoát khỏi HIV"

Bây giờ, khi nói về thời kỳ đầu phát hiện phơi nhiễm của mình, Nguyễn Đình Tình cảm thấy thực sự ân hận. Lẽ ra, anh đã có thể tránh được hoàn cảnh bi thảm của ngày hôm nay, nếu như không sớm đầu hàng số phận quá sớm vì một suy nghĩ sai lầm.

Cái ngày định mệnh đến với Tình vào một ngày cuối năm 2008. Hôm đó, sau một va chạm không ngờ cùng người bạn tù cùng trại tên Kiên (quê Phú Thọ), Tình đã linh cảm mình có thể đã bị phơi nhiễm HIV. "Ngay sau vụ va chạm, tôi lập tức gọi cho cán bộ quản giáo để báo cáo tình hình và nhờ thông báo giúp đến gia đình mua thuốc chống phơi nhiễm. Tôi còn nhớ rõ cuộc nói chuyện hôm ấy, cán bộ Hưng giải thích cho tôi cần vượt qua ba yếu tố. Một là thuốc chống phơi nhiễm phải được mua tối đa sau 72h xảy ra hiện tượng bị nhiễm. Hai, loại thuốc đặc biệt này không bán ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho lực lượng vũ trang và hoạt động trong môi trường nguy cơ cao. Hai yếu tố này còn có thể vượt qua được, tôi tự nghĩ. Nhưng khi cán bộ nói đến giá tiền lên đến 300 triệu đồng một liều, thì tôi đành nhắm mắt buông xuôi".

Lặng người hồi lâu, Tình tiếp: "Nghĩ đến kinh tế gia đình mình lúc đó quá khó khăn, dù bán hết nhà cửa, ruộng vườn cũng chưa chắc nổi vài chục triệu. Tôi không ngờ thời gian mình đi trại, quê hương thay đổi quá nhanh. Nếu sớm biết điều này, thì có thể tôi đã không nuốt nước mắt, giấu đi bệnh tật vào lòng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thực sự hối hận. Mọi chuyện có thể đã rất khác, nếu gia đình tôi biết chuyện ngay lúc đó".

Được biết, sau khi được tạm tha về gia đình tháng 2/2010, Tình vẫn tiếp tục giấu mọi người. "Tôi không muốn tạo áp lực cho gia đình. Bởi thế thời điểm phát hiện ra bệnh tình tôi vẫn giấu. Tôi nghĩ, đợi bản phúc thẩm xử dự kiến xử ngày 4/6/2010 xong thì sẽ đi điều trị. Nhưng lúc đó, thì mọi chuyện đã quá muộn màng".

Theo ông Nghĩa, hiện tại mỗi tháng vài lần, Tình vẫn đều đặn đến điều trị tại Khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội). Tuy nhiên, gia đình vẫn giấu anh tiến triển bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Người chú ruột của Tình cho biết phổi của anh hiện tại qua chụp phim đã hỏng. Gần đây, việc ăn uống của Tình cũng trở nên hết sức khó khăn, bởi những cơn đau quặn ruột đến liên tục. Ngồi tâm sự, Tình bảo: "Mỗi lần ăn xong, tôi lại nôn hết. Thực sự, tôi không biết mình còn có thể trụ nổi với bệnh tật đến lúc nào".

Toàn cảnh vụ kỳ án án hiếp dâm gây chấn động

Gần 13 năm trước, chính xác là tối 24/10/2000, tại trạm bơm Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Tây cũ) xảy ra vụ án cướp tài sản, hiếp dâm đặc biệt nghiêm trọng. Thông qua chiếc áo vứt lại hiện trường, cơ quan điều tra công an tỉnh Hà Tây lúc đó đã bắt giữa ba nghi phạm gồm Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Tình. Đến ngày 21/1/2002, TAND tỉnh Hà Tây chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Lợi mức án 16 năm tù. Nguyễn Đình Tình và Nguyễn Đình Kiên lần lượt chịu mức tương ứng là 14 năm và 11 năm. Ngay sau khi nghe nghị án, cả ba đã kháng cáo vì cho rằng mình bị oan khuất. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm mở ba tháng sau đó, Hội đồng xét xử vẫn tuyên y án sơ thẩm. Thời gian thi hành án sau đó, các phạm nhân và gia đình vẫn liên tục gửi đơn kêu oan đi khắp nơi.

Cuối năm 2009, cơ quan tố tụng có công văn gửi các cấp lãnh đạo thừa nhận: "Quá trình điều tra và xét xử đã có những thiếu sót". Đến đầu năm 2010, Viện kiểm soát nhân dân tối cao ra kháng nghị, đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên ba thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản. Niềm hân hoan không kéo dài được lâu. Đến tháng 2/2010, Tình, Kiêm, Lợi được tạm tha, trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng đến ngày 7/12/2011, sau nhiều lần trì hoãn, phiên giám đốc thẩm được mở đã bác kháng nghị của Viện kiểm soát nhân dân tối cao. Các bị cáo bị buộc phải thi hành nốt thời gian phạt tù còn lại. Lợi (hơn 6 năm) và Kiên (hơn 1 năm) đã chấp hành. Riêng Tình (hơn 4 năm), vì lý do sức khỏe hiện vẫn chưa thể thực hiện việc trả án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Cường (Giadinh.net.vn)
"Kỳ án" hiếp dâm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN