Đến ngày ra đầu thú, giang hồ khất hẹn để chịu tang cha

Sự kiện: Tin pháp luật

Quay lại trả thù sau khi bị đánh te tua, Khuê giơ khẩu súng hoa cải nhằm thẳng vào cổ đối phương rồi bóp cò.

Ngày 2-8, một nguồn tin cho biết Nguyễn Trọng Khuê (29 tuổi, trú tại Sóc Sơn, Hà Nội), bị can phạm tội giết người, đã ra đầu thú tại Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội).

Khuê bị cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn phát lệnh truy nã từ tháng 4-2016.

Đến ngày ra đầu thú, giang hồ khất hẹn để chịu tang cha - 1

Nguyễn Trọng Khuê và tang vật vụ án

Theo tài liệu điều tra, một đêm tháng 3-2016, Khuê và nhiều người đã dùng hung khí đánh nhau với nhóm của Hồ Văn Hà (31 tuổi, trú cùng địa bàn).

Do yếu thế hơn, nhóm của Khuê bị đánh te tua và phải bỏ chạy. Quyết “ăn thua", Khuê cùng đồng bọn gom thêm nhiều “hàng nóng” rồi quay lại trả thù.

Phát hiện Hà bị thương và đang ngồi trong khách sạn, Khuê liền xông vào, đạp ngã người này ra sàn nhà. Liền sau đó, Khuê dùng một khẩu súng đạn hoa cải, nhằm thẳng vào cổ Hà rồi bóp cò. 

Gây án xong, Khuê lên xe máy của đồng phạm bỏ trốn. Hà được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện kịp thời nên may mắn thoát chết.

Ngày 7-4-2016, xác định Khuê đã bỏ trốn, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định truy nã toàn quốc Khuê về tội giết người.

Khuê được đánh giá là một tay giang hồ có “số”, quan hệ xã hội rộng, rất tinh ranh trong việc lẩn trốn lực lượng chức năng.

Đến tháng 6-2017, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội) bất ngờ nhận được thông tin của quần chúng nhân dân về việc Khuê xuất hiện trên địa bàn nên lập chuyên án truy bắt Khuê. Chuyên án mang bí số 338P, do Đội 10 làm đơn vị chủ công, chú trọng việc vận động đầu thú.

Đến ngày ra đầu thú, giang hồ khất hẹn để chịu tang cha - 2

Lệnh truy nã đối với Nguyễn Trọng Khuê

Trung tá Vũ Đức Bình, Điều tra viên Đội 10 là người được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức các biện pháp trinh sát, nắm chặt mọi di biến động của Khuê.

Theo Trung tá Bình, Khuê là đối tượng giang hồ cộm cán, có nhiều quan hệ xã hội nên hành tung rất bí ẩn. Khuê luôn thay đổi liên tục vị trí xuất hiện, hôm nay ở tỉnh này nhưng mai đã sang tỉnh khác, đồng thời luôn cảnh giác trước mọi sự “thăm viếng” bất ngờ của bất kỳ ai.

Nhằm vận động đầu thú, vị điều tra viên của Đội 10 đã nhiều lần về gặp trực tiếp gia đình của Khuê để tác động. Thời gian đầu, Trung tá Bình gặp nhiều khó khăn do gia đình không có thiện chí hợp tác.

Phải sau rất nhiều lần kiên trì, cán bộ PC45 Hà Nội mới có thể thuyết phục người thân đồng ý khuyên nhủ Khuê ra chịu tội. Và đến lúc này, chính đối tượng cũng chủ động liên lạc, hẹn ngày lên cơ quan công an đầu thú.

Tuy nhiên, đến ngày hẹn, một biến cố bất ngờ xảy ra. Cha đẻ của Khuê bị đột tử. Khuê gọi điện xin phép được nán lại một vài ngày, chờ khi tang gia xong xuôi sẽ thực hiện lời lứa.

Trước tình huống này, Trung tá Bình và chỉ huy đội 10 phải đứng trước rất nhiều câu hỏi. Đối tượng có định “nuốt lời” mà bỏ trốn? Nếu để Khuê ở lại chịu tang thì giải quyết thế nào, bởi đối tượng là kẻ truy nã nguy hiểm, luôn có súng trong người. Gặp lại bạn bè giang hồ, Khuê có thay đổi ý định?...

Kết thúc cuộc hội ý chớp nhoáng, Trung tá Bình lập tức có mặt tại gia đình Khuê, vừa để dự phòng “biến” có thể xảy ra, vừa thay mặt ban chỉ huy Đội 10 thực hiện nghĩa cử với Khuê và gia đình.

Sau khi làm trọn nghĩa vụ với người cha đã khuất, Khuê có mặt tại PC45 Hà Nội đúng như lời hứa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyến Phan (Pháp luật TP.HCM)
Tin pháp luật Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN