Day dứt sau bản án "không hẹn ngày về"

Sự kiện: Đằng sau song sắt

Án chung thân – bản án mênh mang không hẹn ngày về là kết cục cho một phút bồng bột, thiếu nghĩ suy, khi phần CON lấn át phần NGƯỜI trong gã.

Đôi mắt hắn đượm buồn, ngượng nghịu, đôi tay còn ngai ngái mùi hạt điều chốc chốc đưa lên lau nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán đen sạm.

Trông hắn khắc khổ, gầy gò, nhăn nhúm như quả táo tàu khô. Hắn già trước tuổi. Nhìn hắn, người ta dễ chạnh lòng, dễ thấy tội tội, thương thương bởi bộ dạng nhếch nhác, bởi gương mặt héo úa, bởi nỗi buồn khắc chạm dường như chẳng thể phai mờ.

Thật khó hình dung, gã đàn ông cũ kĩ, trông hiền như cục bột ấy từng tước đoạt quyền sống của một người dân vô tội. Án chung thân – bản án mênh mang không hẹn ngày về là kết cục cho một phút bồng bột, thiếu nghĩ suy, khi phần CON lấn át phần NGƯỜI trong gã.

Gã phạm nhân có gương mặt hiền khô

Lê Minh Chiến theo chân cán bộ quản giáo tới gặp tôi vào những ngày cuối tháng 5 nắng như đổ lửa. Trong chiếc áo sọc dành cho phạm nhân rộng thùng thình, trông hắn như bị nuốt chửng, lọt thỏm đến tội nghiệp.

Chiến ấp úng không biết nên bắt đầu câu chuyện như thế nào, hắn phân trần: “Lâu lắm rồi tôi không nói chuyện với người lạ, cũng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.

Cuộc đời của một kẻ tù tội đâu có gì đáng để nhắc đến. Hơn chục năm rồi, quá khứ tội lỗi vẫn ám ảnh tôi trong giấc ngủ. Và hơn hết thảy, hơn 10 năm qua, chưa một giây phút nào tôi cảm thấy nhẹ lòng, thanh thản.

Day dứt sau bản án "không hẹn ngày về" - 1

Phạm nhân Lê Minh Chiến

Tôi có lỗi với gia đình, với mẹ, với cha, với những đứa em gái. Là thằng đàn ông trong nhà, đã không lo liệu, giúp đỡ được gì đã đủ ê chề, thêm mỗi tháng nhận vài trăm tiền gửi lưu kí, tuổi gần 40, đầu sấp ngửa hai thứ tóc, vẫn là gánh nặng đối với những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhục nhã cho chính mình lắm cô nhà báo ạ”.

Lê Minh Chiến là con trai cả trong nhà có 4 anh em. Dưới Chiến là 3 cô em gái bé bỏng. Chiến kể, 3 em gái yêu mến anh trai lắm. Hồi nhỏ, hễ cô em nào bị bạn bè trêu ghẹo, quấy phá, Chiến đều ra mặt bênh vực, thậm chí có lần đánh lộn với một cậu nhóc chỉ vì tình cảm học trò của cậu này không được em của Chiến đáp trả đã đi đặt điều lung tung.

Sau trận ẩu đả của con nít đó, Chiến bị bố lôi về bắt nằm sấp và quất cho mấy roi vào mông vì tội đánh lộn. Em gái thương anh, khóc nức nở xin bố tha tội, nhưng Chiến lỳ lợm, nhất quyết cho mình đúng, cắn răng chịu đòn chứ nhất định không chịu van lơn.

Đêm hôm sau, đi ngang qua phòng bố mẹ, Chiến nghe thấy tiếng mẹ thì thào trách bố đánh con đau, bố Chiến lặng lẽ: “Tôi đánh nó, nó đau, tôi cũng đau như vậy.

Nó là con cả, là anh cả, bênh vực em gái là tốt, nhưng đâu phải chuyện gì cũng giải quyết bằng nắm đấm. Nó phải học cách kiềm chế bản thân, không thể vì tức giận mà ẩu đả, xô xát tùm lum như vậy”.

Nhưng người xưa có câu: “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Trong khi bố mẹ Chiến là những người lao động hiền lành, thuần phác, dung dị, thì Chiến lại khá quậy.

Có thể không trực tiếp gây rối, nhưng Chiến luôn là người đứng sau xúi bọn choai choai cùng lứa tuổi ở xóm làm càn, gây rối. Vài lần bọn trẻ con “đang tập lớn” ấy bị chủ nhà tóm gọn trong phi vụ trộm xoài bất thành, chúng khai ra tên đầu trò xúi giục, thì tên đầu trò ấy đã chạy mất tiêu.

Chiến thừa nhận, hắn là người “nghịch ngầm” nhưng được “trời phú” cho cái mặt hiền khô, thậm chí ngô ngố, nên rất dễ lấy lòng tin của người khác.

Nhắc về vụ án của hơn 10 năm trước, thời gian chảy trôi, Chiến chỉ nhớ người bị chính tay hắn cướp đi mạng sống là Khoa, còn tên đầy đủ của nạn nhân Chiến không còn nhớ nữa.

Khoảng thời gian ấy, Chiến mới chuyển từ việc khai thác than ở dưới sông lên trên cạn. Vùng than Cẩm Phả trở thành nơi kiếm cơm của không ít công nhân và những người dân lao động đi gom than vụn.

Trong một lần va chạm, tranh chấp số than ít ỏi có được sau cả ngày nai lưng ra làm, Chiến và người đàn ông tên Khoa có xảy ra xích mích, cãi vã.

Từ sự việc rất đơn giản, hoàn toàn có thể giải quyết bằng lời nói, nhưng trong một phút thiếu kiềm chế, không làm chủ được hành vi và Chiến đã xuống tay giết chết Khoa ngay tại bãi than.

Chiến giãi bày: “Khi ra tay giết Khoa, cơn tức giận đã che lấp toàn bộ tỉnh táo và sự kiềm chế trong người. Tôi không ý thức được việc làm của mình, cốt sao việc đánh, đâm Khoa có thể thoả mãn cơn tức giận đang trào dâng, sục sôi trong người.

Cho tới khi Khoa nằm bất động trên vũng máu, tôi mới sực tỉnh nhận ra mình đã gây nên tội lớn. Khoa không còn thở nữa và khoảnh khắc ấy, tôi thấy mọi thứ sụp đổ dưới chân, tim tôi thắt lại như ngừng thở.

Tôi bủn rủn tay chân nhìn trân trối vào con dao vấy máu. Tôi vùng chạy, vứt bỏ nỗi sợ hãi sau lưng, nhưng dường như càng chạy, nó càng dượt đuổi, đeo bám tôi đeo đẳng.

Trở về nhà, tôi vào phòng trùm kín chăn như kẻ bệnh nặng, hình ảnh của nạn nhân đau đớn trong vũng máu ám ảnh, đến mức toàn thân tôi, mồ hôi vã ra như tắm.

Tôi muốn chạy trốn bởi tôi biết, với những gì tôi gây nên, ắt sẽ phải trả cái giá đắt. Chính mẹ tôi và 3 cô em gái, vừa khóc lóc, vừa động viên, lại như van xin, cầu khẩn tôi hãy ra đầu thú.

Tôi là đàn ông, đã làm thì phải gánh chịu hậu quả từ những hành vi sai trái, điên dại của mình. Và tôi ra đầu thú cơ quan pháp luật”.

Với tội danh giết người và cướp tài sản, Lê Minh Chiến bị Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt mức án “chung thân”. Một dấu lặng cho cuộc đời của gã trai ngoài 20 tuổi khi ấy.

“Ngoài gia đình, là một kẻ trắng tay”

Ở tuổi của Chiến, gần 40 tuổi, một người đàn ông bình thường bắt đầu đi vào ổn định và đầy đủ với một gia đình hạnh phúc, một công việc chắc chắn, và vô vàn dự định khao khát được chinh phục trong tương lai gần.

Còn Chiến, có gì? Hắn đi tù khi tuổi đời còn rất trẻ, 10 năm trong tù, nỗi ân hận, day dứt và nhiều đêm không ngủ khiến Chiến nhàu nhĩ, già nua hơn với tuổi.

Cùng với mức án chung thân, mức án không có số, không biết khi nào là cuối con đường tù tội, có quá nhiều thứ để Chiến o ép giấc mơ về một gia đình nhỏ, về một công việc tốt như vô vàn người đàn ông cận kề 40 khác.

Gã đàn ông bẽn lẽn: “Tôi chưa từng yêu. Cũng có lúc thấy tiếc nuối, giá như mình yêu sớm một chút, biết đâu tâm hồn mình đỡ cằn cỗi hơn.

Ngồi nghe các bạn tù chung buồng giam kể chuyện gia đình, người yêu với tâm trạng say mê, phấn khởi, tôi cũng có lúc thấy thèm thuồng ghê lắm.

Sau này, may mắn biết đâu được mãn hạn tù sớm, trở về cũng đã là ông lão già nua, không biết lúc ấy, liệu có còn hạnh phúc dành cho mình…”. Câu nói của Chiến bỏ ngỏ, hắn nheo mắt nhìn ra sân trại vàng rực mùi nắng quyện vị nồng oi của vỏ hạt điều cháy, mặt buồn so.

Cách đây 4 năm, cũng vào một ngày nắng cháy chói chang, mẹ và các em gái vào thăm Chiến. Họ mang đôi mắt buồn thảm và gương mặt của những người mất hồn, nhìn tấm băng đen ghim trên ngực áo, Chiến hiểu ra tất cả.

Bố Chiến qua đời vì bạo bệnh, và trong suốt khoảng thời gian bố bệnh tật, mẹ và các em không cho Chiến biết, vì sợ hắn lo lắng, không tập trung cải tạo.

Hắn nhớ lại, nghe tin bố qua đời, toàn không gian xung quanh Chiến đặc quánh một màu đen âm u. Tất cả những chuyển động xung quanh gã như lạc vào một miền biên viễn nào đó, và một mình gã trôi nổi không trọng lượng trong một môi trường chân không mơ hồ, đau đớn.

Hắn không khóc trước mặt mẹ và em gái, chỉ tới khi về phòng, hắn ngồi lọt thỏm một góc tường, khóc dấm dứt như đứa trẻ tội đồ. Hắn và bố không hợp tính nết nhau, nhưng ông là người luôn dõi theo từng bước chân của hắn.

Nhà chỉ có một người con trai duy nhất, ông nghiêm khắc dạy bảo từng ly, từng tí, nhưng rốt cuộc, Chiến đi hoàn toàn chệch hướng ông kỳ vọng. Điều Chiến ân hận nhất, là chưa kịp nói lời xin lỗi với bố. Và hắn đã không có cơ hội nói hai tiếng ấy mãi mãi.

Mỗi tháng, Chiến nhận vài trăm tiền lưu ký từ khoản tiền bán nước trà của mẹ. Mẹ hắn già rồi, nhưng vì đứa con trai tù tội, bà vẫn làm lụng, kiếm thêm tiền bằng mọi cách, từ đi làm thuê, bán nước… để “nuôi” Chiến.

Chiến ứa nước mắt, khao khát được sớm trở về, được đền ơn mẹ hắn. Bởi hơn ai hết, hắn hiểu “mẹ già như chuối chín cây”, hắn mơ hồ sợ hãi ngẫm về mức án của mình, ngẫm về tuổi già của mẹ. Hắn sợ thêm một lần nữa, bi kịch lại xảy ra.

Lê Minh Chiến buồn rượi: “Ngoài gia đình, tôi chẳng có bất cứ thứ tài sản nào trong tay. Tôi là kẻ trắng tay”.

Tôi lắc đầu: “Anh có một gia đình luôn quan tâm và kề sát mỗi bước chân. Anh được họ yêu thương, che chở và chờ đợi ngày trở về sau những ngày chuộc lỗi.

Bấy nhiêu thôi, đủ để khích lệ anh cố gắng cải tạo và bấy nhiêu thôi, để cảm thấy mình – vẫn – còn – giàu – có”. Chiến ngước đôi mắt hoe đỏ nhìn tôi, gật đầu rất nhẹ.

Cơn gió mồ côi lạc vào trong sân Trại giam Quảng Ninh, quay quắt trong vị ngai ngái, chan chát của vỏ hạt điều cháy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mộc Nhân ([Tên nguồn])
Đằng sau song sắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN