Đằng sau án tử: Lời cuối của tử tù
Đối diện với cái chết, các tử tù đã viết thư xin lỗi người thân và gia đình bị hại để mong được ra đi thanh thản.
Chiều muộn, theo chân đại úy Lê Tuấn Anh, đội trưởng đội quản giáo, chúng tôi đến khu biệt giam các tử tù nam thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.
Những lá thư đầy day dứt
Trong dãy phòng giam khép kín, lạnh lẽo, dài hun hút, nhiều tử tù đang từng ngày đếm ngược thời gian. Tại một bàn uống nước nhỏ cạnh các phòng biệt giam, đại úy Nguyễn Văn Thân, cán bộ quản giáo trực tiếp canh giữ các tử tù, kể câu chuyện cảm động về tử tù Nguyễn Văn T. (SN 1988; trú huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).
Nguyễn Văn T. phạm tội giết người, hiếp dâm, bị tòa tuyên án tử hình năm 2011. Thời gian đầu khi biết mình bị kết án tử, T. liên tục chống đối, phá phách, thường xuyên gây mất trật tự trong trại. Từ đầu năm 2015, đại úy Thân được điều qua làm cán bộ quản giáo tại khu biệt giam. Nhiều lần tâm sự, trò chuyện với đại úy Thân, T. dần hiểu ra việc mình bị kết án tử không phải do bất công mà là hậu quả cho những tội ác mà mình gây ra.
Cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An trò chuyện với phóng viên về công việc canh giữ tử tù Ảnh: HẢI VŨ
Một ngày giữa tháng 5-2015, T. xin được nói chuyện với cán bộ quản giáo. T. tâm sự rất nhớ người thân, ân hận về những tội lỗi của mình nên mong muốn được ban giám thị cho viết một lá thư gửi cho gia đình. Đại úy Thân báo cáo ban giám thị trại giam và được đồng ý.
Lá thư T. viết kín cả 4 mặt giấy. Trong thư, T. day dứt, ân hận về những việc làm của mình. T. xin lỗi bố mẹ, anh, chị em và các người thân khác trong gia đình. T. muốn gia đình thay mặt mình sang gia đình nhà bị hại xin lỗi về những tội lỗi do mình gây ra. Sau khi được viết thư, được gặp gia đình tại trại vào cuối tháng 10-2015, T. nhận quyết định thi hành án tử hình.
Đại úy Nguyễn Thị Liên, cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý các tử tù nữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, cho biết: Tâm lý của tử tù nữ khác tử tù nam. Khi biết bị án tử, họ thường khóc lóc, la hét, tìm mọi cách để được thoát án tử. Theo quy định, nếu tử tù có thai sẽ được miễn tội chết. Lợi dụng điều này, trong thời gian bị giam giữ, các nữ tử tù thường tìm mọi cách để có thai. Cán bộ quản giáo phải cảnh giác bởi nếu xảy ra sơ suất sẽ không tránh khỏi bị xử lý kỷ luật.
“Ở trại cũng đã có hiện tượng nhờ xin tinh trùng để có thai. Nhờ chủ động nắm bắt tình hình nên chúng tôi đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời” - đại úy Liên chia sẻ.
Các nữ tử tù đang bị giam tại trại tam giam Công an tỉnh Nghệ An đều có hoàn cảnh rất éo le, đáng thương. Hiện trong 4 người bị giam chờ thi hành án ở trại thì một người có chồng chết, một bị chồng bỏ còn một người chồng đi tù chung thân vì tội buôn ma túy... Bị kết án tử hình, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ khát khao được sống nên đều viết đơn gửi Chủ tịch nước xin được giảm án.
Nghề vất vả, nguy hiểm
Đầu tháng 7-2015, dư luận cả nước bàng hoàng khi chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà Vi Văn Hai (SN 1995; trú tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) dùng dao sát hại dã man 4 người trong gia đình anh Lo Văn Thọ (trú cùng bản). Ngày 30-9, TAND tỉnh Nghệ An xét xử phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Vi Văn Hai án tử hình về tội “giết người”.
Tại tòa, Hai tỏ ra bình tĩnh, lạnh lùng, có lúc còn cười trước nỗi đau chất nghẹn của gia đình nạn nhân cũng như người thân bị cáo. Máu lạnh ngoài đời là thế nhưng theo các cán bộ quản giáo, từ khi đưa ra xét xử nhận án tử rồi sau đó trở về trại tạm giam, tử tù Vi Văn Hai lại rất hiền lành khi được quan tâm, đối xử tốt.
Đại úy Nguyễn Văn Thân cho biết: Mấy tháng bị giam, Hai không có bất kỳ ai vào thăm nuôi. Thấy hoàn cảnh Hai khó khăn nên anh em quản giáo mua quần áo, đồ ăn, chăn màn cho. Khi Hai muốn làm đơn xin được giảm tội, các cán bộ quản giáo cũng tạo điều kiện giúp đỡ. Được đối xử tốt, Hai bắt đầu nhận thức được tội ác của mình. Y không còn phá phách mà trở nên ít nói, chấp hành tốt mọi nội quy của trại.
Theo thượng tá Ngô Xuân Thủy - Phó giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An - công việc của những quản giáo canh giữ các tử tù rất vất vả bởi khi bị tuyên án tử, hầu hết tử tù đều bị sốc, hoảng loạn, nhiều người chống đối cán bộ, có trường hợp tuyệt thực, tự sát. Nguy hiểm hơn là nhiều tử tù bị nhiễm HIV, bị lao... trong lúc các cán bộ phải thường xuyên gần gũi, ra vào buồng giam mở xiềng cho họ từng ngày. Thế nhưng, mọi chế độ chính sách của các anh em không có gì khác so với các quản giáo khác làm việc trong trại.
Tử tù 8 năm chưa thi hành án Trần Đình Ph. (SN 1976) là tử tù có thời gian giam giữ chờ đưa đi thi hành án lâu nhất tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Ph. bị tòa tuyên án tử hình về tội buôn ma túy từ năm 2007, đến nay vẫn chưa thi hành án. Khi biết mình bị án tử, Ph. tỏ ra bất cần đời, thường phá phách, gây không ít khó khăn cho cán bộ quản giáo. “Tử tù có người giam vài ba tháng nhưng cũng có những trường hợp giam 6-7 năm vẫn chưa thi hành là chuyện bình thường” - đại úy Lê Tuấn Anh, đội trưởng đội quản giáo trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, cho biết. |