Đại án 9000 tỷ: Phạm Công Danh xin giảm án cho thuộc cấp

Sự kiện: Trọng án

Trong phần nói lời sau cùng, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam Phạm Công Danh đã xin tòa xem xét giảm nhẹ mức án cho nhân viên và khẳng định có thể khắc phục toàn bộ hậu quả do mình gây ra.

Đại án 9000 tỷ: Phạm Công Danh xin giảm án cho thuộc cấp - 1

Bị cáo Phạm Công Danh, cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Hoàng Triều

Ngày 30-8, sau gần 1,5 tháng xét xử, phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã kết thúc phần tranh luận, 36 bị cáo được nói lời sau cùng. Theo dự kiến HĐXX sẽ nghị án đến ngày 6-9 tuyên án.

Bị cáo Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) được phát biểu đầu tiên. Phạm Công Danh đã trình bày lời nói sau cùng của mình trong 20 phút xoay quanh việc xin giảm án cho thuộc cấp của mình cũng như trình bày thêm một số vấn đề về nhân thân, truyền thống gia đình.

Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Danh đã cảm ơn HĐXX đã quan tâm, tạo điều kiện cho bị cáo trình bày quan điểm của mình cũng như tạo điều kiện tốt nhất cho bị cáo chữa bệnh. Bị cáo Danh mong muốn HĐXX xem xét mức án đối với các nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh cũng như nhân viên Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Theo bị cáo Danh, những người này làm việc theo trách nhiệm, không tư lợi gì. “Trong suốt 3 năm qua, bị cáo suy nghĩ rất nhiều, những nhân viên này làm việc cho bị cáo mà không hề có vụ lợi cá nhân, không nhận được chỉ đạo gì từ bị cáo và tất cả những việc làm sai trái của họ là do tin tưởng tôi. Họ chỉ là những người làm công ăn lương. Họ không hề có động cơ, không hề đòi hỏi gì hết, 5 -10 triệu họ nhận cũng là tiền bị cáo tự đưa. Họ tin tưởng bị cáo, họ đã làm việc hết mình vì muốn vực dậy ngân hàng. Không ít người trong số họ tin tưởng đề án tái cơ cấu là thành công. Bị cáo chấp nhận mang hết tài sản của mình để khắc phục hậu quả nên bị cáo mong HĐXX xem xét, cân nhắc mức án đối với họ”.

“Về khoản tiền 3.600 tỉ đồng, tôi trả vào tài khoản cá nhân của bà Phấn chứ không phải vào tài khoản chung nào hết. Khi tôi trả tiền cho bà Sáu Phấn thì khách hàng lớn nhất là nhóm Phương Trang đến yêu cầu bị cáo cần lấy lại ngay. Nhóm Phương Trang đòi bị cáo trả 2.000 tỉ đồng vì bà Phấn đã lấy từ nhóm Phương Trang số tiền này. Đây là con số mà tôi chưa từng công bố tại tòa”, bị cáo Danh nói.

Đại án 9000 tỷ: Phạm Công Danh xin giảm án cho thuộc cấp - 2

Các bị cáo tại phiên tòa

Đối với bản thân, cựu lãnh đạo VNCB nhắc lại tâm huyết của bản thân khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng. Phạm Công Danh trình bày: "Gần 3 năm qua, tôi đã nỗ lực hết mình mong vực dậy Ngân hàng Xây dựng. Chúng tôi đã làm được việc mà đến giờ này chưa ai nói. Đó là không để dẫn đến tình trạng mất thanh khoản ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ".

Bị cáo Danh cũng cảm ơn VKS đã đề nghị xem xét, trả lại nhà đang ở cho vợ con mình. Cũng trong phần lời nói sau cùng, bị cáo Phạm Công Danh cảm ơn VKS đã kiến nghị thu hồi nhiều khoản tiền trong đó có tiền đã chuyển cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích để khắc phục hậu quả.

"Đây cũng là mong muốn lớn nhất của tôi. Tôi cảm ơn HĐXX đã tạo điều kiện như vừa qua. Tôi tin rằng nếu được tạo điều kiện, tôi có đủ cơ sở khắc phục 100% hậu quả vụ án", bị cáo Danh khẳng định.

Trong phần nói lời sau cùng của mình, bị cáo Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên Tổng Giám đốc VNCB) đã bật khóc. Bị cáo Mai nói: "Suốt 25 tháng qua bị cáo rất day dứt. Bị cáo không hiểu sao mình được Đảng, Nhà nước, gia đình cho ăn học mà trở thành người phạm tội".

Phan Thành Mai nói bản thân đã đi rất nhiều vùng, miền quê đất nước. Bị cáo từng khao khát tất cả người dân đều có nhà ở. Điều đó trở thành nội lực thúc đẩy bị cáo mong muốn phát triển nền kinh tế. Bị cáo từng tham gia cùng chính phủ hoàn thiện thể chế về bất động sản trong đó có gói 30.000 tỷ. Bị cáo từng khao khát có một ngôi nhà chung để phát triển thị trường bất động sản và xây dựng. Đó cũng là lý do bị cáo đến với VNCB nhưng rất hối hận vì để xảy ra sai phạm.

Bị cáo Phan Thành Mai tha thiết xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các cán bộ ngân hàng. Bị cáo cũng nói mình ân hận vì đã không quan tâm đến Thiên Thanh, đến những số tiền dùng để chăm sóc khách hàng.

"Anh Danh nói bị cáo phải giữ cái đầu mình sạch sẽ để nghĩ ra những điều mới mẻ cho ngân hàng. Bị cáo rất tin tưởng anh Danh nên đã không quan tâm đúng mức", ông Mai nói.

Sau cùng, ông Mai gửi lời xin lỗi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến các nhân viên ngân hàng, xin lỗi bố mẹ và người thân vì đã làm hoen ố thanh danh, ảnh hưởng đến gia đình. Các bị cáo Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) và Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên Phó Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) thừa nhận có sai phạm, xin HĐXX xem xét. Các bị cáo cảm ơn HĐXX, VKS và các luật sư đã góp phần làm rõ một phần bản chất vụ án. Sau phần trình bày trên, các bị cáo còn lại tiếp tục nói lời nói sau cùng.

Trước đó, đại diện VKSNĐ TP HCM đã đề nghị Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án 30 năm tù “Vi phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"

Liên quan đến vụ án, Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên TGĐ VNCB) bị đề nghị từ 24 đến 26 năm tù; Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn) 22 đến 24 năm tù; Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị từ 20 đến 22 năm tù và Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, nguyên Trưởng ban kiểm soát VNCB) từ 14 đến 16 năm tù.

Ngoài ra, 31 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị đề nghị từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Trọng án Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN