Cuộc sống “tầm gửi” của giang hồ lãng tử

Đoạn tuyệt với nghề nhảy tàu, giang hồ lãng tử lao vào nghề bảo kê gái mại dâm.

Nếu trước khi vào trại, Lê Lam chỉ là thằng bé ăn cắp vặt thì ngày ra Lam đã trở thành người lớn và được trang bị đủ mánh khóe của tên giang hồ gian xảo. Ngoài ra, y còn kèm thêm cái tật.... nghiện hút. Chính ma túy đã làm Lê Lam quên đường về quê và bẻ quặt cuộc đời hắn vào con đường tội lỗi.

Tại “sào huyệt” của băng Sơn Nam, Lê Lam được bao ăn ở, hút ma túy thỏa thê, được tận hưởng cuộc sống như thần tiên. Lúc đó, y đặt hết niềm tin vào người đại ca Nam Sơn, người đã cứu vớt cuộc đời mình. Lê Lam nhanh chóng được học những chiêu nhảy tàu từ sơ cấp đến cao cấp. Những kịch bản như tráo va ly hành khách, rút ví tiền, lừa lọc… chẳng mấy chốc Lê Lam thuộc và đạt đến độ điệu nghệ. Thậm chí, nhiều khi “thầy” Sơn Nam phải trầm trố thán phục.

Một ngày, Lê Lam đến trước mặt Nam Sơn tự tin bảo: “Anh Nam, em đã sẵn sàng. Đại ca cho em tham gia phi vụ nào đó, chứ ru rú trong nhà buồn chán lắm”. Mắt quan sát một lượt về phía đệ tử ruột, Nam Sơn gật đầu đồng ý.

Vụ ăn hàng đầu tiên trên tàu, Lê Lam được đích thân đại ca Sơn Nam dẫn đi. Cả hai đón tàu từ Ga Đà Nẵng và mục tiêu của chúng là chiếc ba lô của một người làm ăn từ Nam ra Bắc. Hai tên cướp kiên trì bám theo và dự tính sẽ “ăn” hàng ở ga Huế (TT-Huế). Ngồi cạnh nạn nhân là hai người đàn ông lịch sự, cũng mang chiếc ba lô giống hệt.

Trong toa tàu, khi Nam Sơn ngủ thì Lê Lam thức và ngược lại. Tuy nhiên, chưa bao giờ hai vị khách này dừng để mắt đến chiếc ba lô của người đàn ông bên cạnh. Khi đoàn tàu đi chậm chậm, vừa báo hồi còi đến Ga Huế thì hai vị khách vội nhảy xuống và biến mất vào đám đông. Hai tên cướp tìm chỗ vắng người mở chiến lợi phẩm. Tuy nhiên, họ thất vọng khi thấy bên trong chỉ có mấy cái bánh chưng, một vài bộ quần áo cũ. Đại ca Sơn Nam vỗ vai Lê Lam: “Thôi, hôm nay ta có bánh, ngày mai sẽ có tiền và nhiều thứ giá trị khác”. Cạp vội miếng bánh, cả hai cùng nhau nhảy tàu về lại Đà Nẵng trong bóng chiều buông.

Quả đúng như lời Sơn Nam nói, những phi vụ sau đó Lê Lam và đàn em đều thu lớn, thỏa thuê ăn xài. Tuy nhiên, sống “ăn bám” trên ray tàu khiến một người như Lê Lam cảm thấy nhàm chán. Bỗng một ngày hắn đến bên đại ca Sơn Nam nhìn thẳng nói: “Anh Nam, cho em chuyển nghề”.

Biết tính Lê Lam, đã không muốn thứ gì thì có ép cũng không được nên Sơn Nam đành đồng ý. Trước khi tiễn đệ tử ruột lên đường, Sơn Nam dặn dò: “Em có thể quay lại bất cứ khi nào muốn”. Đoạn tuyệt với nghề nhảy tàu, Lê Lam ngược miền Nam, dừng chân ở Đồng Nai. Hắn bắt đầu gây dựng lãnh địa với nghề mới: Bảo kê gái mại dâm.

Cuộc đào tẩu 4 người chết 3

Trong thời gian nhảy tàu, có một vụ mà đến bây giờ, khi đã đoạn tuyệt bước chân giang hồ, Lê Lam vẫn không thể nào quên. Một lần “ăn hàng” ở Lăng Cô (đoạn phía bắc đèo Hải Vân), băng cướp này đã chọn khu vực lên và xuống đèo Hải Vân để “săn mồi”. Hôm đó, Lê Lam và mấy đàn em theo dõi một “con mồi” từ ga Huế vào. Sau khi cùng đu lên toa tàu, Lê Lam lệnh cho đàn em đánh tráo chiếc va ly của một người khách.

Tuy nhiên, khi chiếc túi giả vừa được đưa vào thế chỗ thì tên đàn em vô tìm đạp vào chân “con mồi”. Thức giấc, người khách này tri hô, cả nhóm tháo chạy bạt mạng trên tàu. Nhưng không may cho nhóm này, đến toa thứ 2, sắp nhảy xuống thì bị bảo vệ chặn lại. Trong lúc vội vàng, ba đàn em của Lê Lam trượt chân, lao thẳng xuống vực. Khi người ta đang mải mê nhìn ba tên cướp lăn xuống vực thì Lê Lam may mắn thoát thân. Ngày hôm sau đến hiện trường, y chỉ biết đứng trên đèo nhìn xuống vực sâu lởm chởm đá núi.

Theo lời Lê Lam, vụ chết mất xác vì nhảy tàu kia chỉ là một trong số nhan nhản những con người lìa đời mà hắn từng chứng kiến. Lam nhận thấy, việc nhảy tàu cứ mười người thì chết bảy. Ba người còn lại may mắn thoát chết thì cũng không được lành lặn trở về. Chính Lê Lam cũng không biết chắc được rằng khi nào sẽ đến lượt mình. Nghĩ đến điều đó, hắn thấy trong lòng rờn rợn.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kỳ Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN