Cơn giận chết người
Từ một mâu thuẫn nhỏ, những người hàng xóm thân thiết bỗng hóa thù hằn. Một người mất mạng, những người khác phải vào tù…
Gia đình bà K.R (SN 1962) và bà H.B (SN 1966) là hàng xóm thân thiết. Do đó, khi được nhận vào làm nhân viên tạp vụ tại một nhà hàng, bà B. đã nhiệt tình giới thiệu bà R. vào làm phụ bếp. Thế nhưng từ ngày làm chung, tình cảm của họ dần rạn nứt, bắt nguồn từ việc tranh giành số vỏ lon bia để bán ve chai.
Giận mất khôn
15h ngày 3/12/2011, cả hai lại cãi vã rồi lao vào đánh nhau để giành những chiếc vỏ lon bia trị giá hơn 70.000 đồng. Dù được mọi người trong nhà hàng can ngăn, họ vẫn chưa nguôi ấm ức. Bà R. điện thoại cho chị và cháu trai đến trợ giúp. Bà B. cầu cứu con gái, con rể, em gái và em rể.
18h cùng ngày, người nhà hai bên có mặt tại nhà hàng. Khi em rể bà B. vừa nói: "Bà hiền quá, để nó ăn hiếp hoài", ngay lập tức bà K.C (SN 1958, chị gái bà R.) cầm nón bảo hiểm xông đến đánh, mở màn cho trận chiến của hai bên. Kết thúc cuộc chiến, anh con rể bà B. (SN 1984) bị T.T (SN 1991, cháu trai bà R.) đâm và chết trên đường đi cấp cứu, ông em rể bà B. bị thương tích 6%.
Mất mát
Trên băng ghế đầu tiên của phòng xử án một sáng giữa tháng 5/2013, 5 bị cáo ngồi co ro, cúi mặt sau vành móng ngựa. Được gọi lên trước tiên, T.T run run khai: "Bị cáo đang ngủ thì mẹ gọi dậy, kêu chở đi công chuyện. Bị cáo không biết có chuyện gì. Đến nhà hàng, bị cáo vừa dựng chân chống xe, quay lại thì thấy mẹ đang đánh nhau với mấy dì.
Lo mẹ có chuyện, bị cáo chạy đến liền bị anh S. cầm ly đánh vào đầu. Hoảng quá, bị cáo mới chụp con dao từ gánh hàng rong gần đó đâm lại…".
Vị chủ tọa nghiêm giọng: "Toàn là bà con láng giềng với nhau, lẽ ra bị cáo thấy vậy phải vào can ngăn, đằng này nhảy vào là đâm liền…". T. cúi đầu im lặng.
Quay sang bà B., vị chủ tọa hỏi: "Nếu bị cáo không điện thoại cho con gái thì con rể bị cáo có mất mạng oan uổng không?". Đôi mắt hoe đỏ, bà B. lí nhí đáp: "Dạ không". Vị chủ tọa thở dài: "Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt, các bị cáo lại sẵn sàng đánh rơi tình cảm thân thiết nhiều năm, khiến một loạt chuyện không hay xảy ra, người chết, người phải vào tù...".
Rưng rưng, bà B. hối lỗi: "Giờ nghĩ lại, bị cáo thấy chuyện không đáng gì hết. Nếu bị cáo không quá nóng giận, đã không có chuyện gì xảy ra rồi…". Bà C. cũng tha thiết: "Bị cáo biết lỗi của mình, biết mình sai rồi, đáng lẽ không nên cư xử bồng bột khiến đến con mình đâm chết người…".
Giờ nghị án, 3 bị cáo tại ngoại rời chỗ, chỉ còn lại bà C. và con trai trên băng ghế dài. Nức nở, bà C. quay sang con dặn dò: "Mẹ ra sớm sẽ cố gắng đi làm, kiếm tiền khắc phục hậu quả cho con. Con đừng bỏ cuộc, ráng lên nghen…". Nước mắt lưng tròng, T. gật đầu nhè nhẹ.
Vị luật sư bào chữa miễn phí cho T. cho biết gia đình T. có 3 anh em cùng mẹ khác cha. Ngày T. gây án, bà C. phải chạy vạy khắp nơi mượn tiền và bán chiếc xe máy là tài sản có giá trị nhất trong nhà để bồi thường cho gia đình nạn nhân. Những ngày tháng trong trại giam, bà C. khóc hết nước mắt, nắm tay đứa con trai đầu dặn dò thỉnh thoảng vào thăm T., không được để đứa em út bỏ học...
Ngồi bệt nơi bậc thềm trước phòng xử án, mẹ của anh S. nghẹn ngào nói: "Con tôi mất khi đứa cháu nội chưa kịp chào đời… Đám tang, gia đình không có một đồng, may mà chủ nhà trọ thương cảm, cho mượn ít tiền… Bây giờ, con dâu tôi phải đầu tắt mặt tối, một mình bươn chải để nuôi con. Tôi già, lại đau yếu bệnh tật, đâu giúp được gì. Chỉ vì chuyện không đáng mà kéo nhau đi đánh nhau để bây giờ tan nát cả gia đình…".
Bị cáo T.T bị TAND TPHCM tuyên phạt 20 năm tù về tội "Giết người"; bà K.C 1 năm 2 tháng 7 ngày tù (bằng thời gian tạm giam), bà Đ.K.R và bà H.B mỗi người 10 tháng tù, bà N.T.B.L (em gái bà B.) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "Gây rối trật tự công cộng". |