Cô giáo có duyên với các “học trò cứng đầu"

Trở thành cô giáo ở Trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc là cơ duyên bất ngờ với chị Vũ Thị Hải Yến. Công việc mà ai cũng ngại khó nhưng nữ quản giáo này lại muốn thử sức…

Duyên tình cờ!

Được Ban giám thị Trại giam Vĩnh Quang giới thiệu nữ quản giáo duy nhất giáo dục về đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống cho các phạm nhân, thiết tưởng đó phải là một cô giáo “thép”. Ai dè, chị Vũ Thị Hải Yến rất dịu dàng. “Lạt mềm buộc chặt”, cô giáo trẻ đã chinh phục được các “học trò” lắm chiêu trò, “cứng đầu”. Gặp và trò chuyện với chị Yến khi xuân đến, chị chia sẻ, Vĩnh Phúc đã thành quê hương thứ 2 của mình.

Chị Yến người gốc Thái Nguyên. Ấp ủ mơ ước đứng trên bục giảng, chị quyết tâm thi đậu trường ĐH sư phạm Thái Nguyên. Ngày rời giảng đường, chị Yến nóng lòng được đem kiến thức bấy lâu học hỏi để dạy dỗ cho đàn em thơ. Bố mẹ là quân nhân nên định hướng cho con gái xin vào trường quân đội. Chiều bậc phụ huynh, cũng để sải cánh bay bổng, chị đã gửi hồ sơ. Tình cờ, người bác ruột, cán bộ của Trại giam Vĩnh Quang, động viên chị gửi đơn xin việc ở trại. Biết vậy, bố mẹ chị Yến can ngăn. Họ lo lắng vì con gái “rượu” chưa lập gia đình, hơn nữa, tiếp xúc với những người tội lỗi sẽ vất vả. “Cuộc sống của tôi khá suôn sẻ. Tôi chưa phải xa gia đình bao giờ nên thấu hiểu sự lo lắng của bố mẹ” – chị Yến chia sẻ. Cô giáo trẻ mất nhiều đêm giãi bày, mong bố mẹ tin vào lựa chọn của mình. Chị Yến nói, lúc ấy, chị mạnh miệng nhưng trong lòng thấp thỏm, đầy ngổn ngang.

Trong số nhiều người dự tuyển, chị Yến được xướng tên. Cầm quyết định của Trại giam Vĩnh Quang, chị mang theo quyết tâm lập nghiệp đến vùng đất lạ. Là nữ lại ưa nhìn, chị được phân công công tác tại Đội tổng hợp. Sau 2 năm làm quen với bàn giấy, chị Yến học thêm chuyên ngành CA và mang quân hàm Thiếu úy. Chị nói, giấc mơ của mình thành hiện thực khi tháng 6/2011, Ban giám thị Trại giam Vĩnh Quang giao chị dạy môn giáo dục công dân (đạo đức, pháp luật và kỹ năng sống) cho các phạm nhân trong trại giam.

Cảm hóa những con người lầm lỗi…

Cô giáo trẻ kể, từ ngày đứng lớp, chị mới thấm, cảm hóa phạm nhân khó thế nào. Ở lớp của chị, “học trò” đủ lứa tuổi, nhỏ có, lớn thì 70 tuổi. Đó là muôn mặt của những con người bất hảo, họ phạm tội “Giết người”, “Hiếp dâm”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy”…

Nhớ lại bài giảng đầu tiên, chị còn giữ nguyên cảm giác hồi hộp. “Có nhiều phạm nhân dày dạn kinh nghiệm sống mà tôi thì quá trẻ. Tôi cần xây dựng hình ảnh của mình để tạo ra sự tôn trọng của “học trò” với cô giáo” – giọng chị Yến hồ hởi. Ở lớp học của cô giáo Yến, “học trò” đều là nam. Trại chỉ có duy nhất chị Yến là nữ đảm nhiệm vai trò giảng dạy nên ban đầu các phạm nhân buông lời cợt nhả, trêu ghẹo. Khi ấy, cô giáo Yến cố gắng giữ bình tĩnh. Để cho không khí lớp học bớt căng thẳng, tạo sự gần gũi, chị mời các phạm nhân lên hát. Một anh rất hăng hái xung phong lên hát. Nhưng phạm nhân này lại khiến cô giáo bất ngờ khi hát một bài hát chế. Sau buổi học đó, cô Yến dành thời gian tiếp xúc và giải thích cho nam phạm nhân hiểu thêm về sử dụng ngôn từ trong bài hát. “Học trò” tếu táo cười và bảo với chị Yến rằng: “Tôi muốn thử cô giáo một tí thôi!”.

Những kỹ năng đứng lớp và đối phó với các tình huống phát sinh mà chị Yến được trang bị khác xa với thực tế mà chị đang phải đối mặt. Trọng trách chính của nữ quản giáo là định hướng lại cho phạm nhân và phân tích cho những người lỡ bước hiểu vì sao họ phải trả án cho sai lầm. Có những tay anh chị sừng sỏ, ra tù vào tội, thấy cô giáo chân ướt, chân ráo đứng lớp đã cười, tỏ ý coi thường. “Va” phải “học trò” ấy, chị Yến đã suy nghĩ, chị từng buồn bã. Nhưng cùng với thời gian, khi hiểu rõ hoàn cảnh của từng phạm nhân, chị Yến đã thông cảm, chị gạt bỏ tự ái. Mỗi lần bế giảng các lớp học là cô trò lại bịn rịn. Giờ, nhắc đến cô giáo Yến, “học trò” đều yêu mến. Là người “lái đò”, cô giáo Yến không chỉ thu phục được các phạm nhân, chị còn là chỗ dựa, cùng họ chia sẻ gánh nặng tinh thần. Nhiều phạm nhân được chị Yến quan tâm đã hướng thiện, tích cực cải tạo. Kỷ niệm đặc biệt Bao lớp “học trò” qua tay và cô giáo Yến ấn tượng nhất phạm nhân Nguyễn Văn Thắng, SN 1979, quê Vĩnh Phúc. Anh Thắng đang thụ án chung thân tại trại về tội “Giết người”. Khác với những bạn tù, anh Thắng luôn thu mình và ít nói. Biết phạm nhân này nhiều tâm sự, chị Yến chủ động trò chuyện. Không ít lần, “học trò” trốn tránh sự quan tâm của cô giáo nhưng chị Yến vẫn kiên trì. Anh Thắng đã cảm động và thổ lộ, đang băn khoăn không biết có nên ly hôn vì cái án dài dằng dặc đeo đẳng. Phạm nhân này day dứt vì còn tình cảm với vợ mà anh lại không muốn chị thêm khổ. “Anh Thắng muốn vợ có cuộc sống mới để yên tâm thay anh nuôi các con ăn học, thành người nên muốn dứt bỏ để vợ nhẹ gánh” – chị Yến cho hay. Bởi vậy, dù mong ngóng vợ vào thăm nhưng mỗi lần gặp, anh Thắng cố tình nói lời cay nghiệt để vợ chán chồng. Nhưng vợ anh Thắng lại hết mực vì chồng. Chị quyết không thuận theo ý anh. Dù chồng ruồng rẫy, vợ anh Thắng bỏ ngoài tai, chị vẫn kiên trì thăm nuôi.

Thấy hai vợ chồng anh Thắng thương yêu nhau, cô giáo Yến đã khuyên anh Thắng bớt tiêu cực. Chị phân tích, động viên giúp “học trò” bình tâm, cải tạo tốt để có cơ hội được giảm xuống mức án có thời hạn. Điều đó đồng nghĩa với việc, phạm nhân này chưa hẳn đã hết ngày về. “Như người chết đuối vớ được cọc”, anh Thắng như lột xác, con tim đã vui trở lại. Phạm nhân này lạc quan, hăng hái lao động. Chứng kiến cảnh vợ chồng của “học trò” đặc biệt tay nắm tay mỗi lần gặp gỡ, cô giáo Yến vui lây. Sự tin tưởng của phạm nhân là động lực để chị vững tin hoàn thành công việc được giao.

Chia sẻ về nghề, chị Yến nhớ nhất là thời gian dạy xóa mù chữ cho các phạm nhân trong trại. Lớp học này thường có khoảng 15 đến 20 “học trò”. Cô giáo Yến cùng với giáo viên tiểu học ở các trường (trại nhờ giúp) khá vất vả khi cầm tay, nắn từng nét chữ cho trò. Chị Yến nói, “học trò” có người ham học nhưng lắm người sợ. Nhắc đến trò cao tuổi, chị Yến kể về một phạm nhân gần 50 tuổi, quê Bắc Giang. “Học trò” này chia sẻ, mừng quá vì không ngờ vào trại lại biết chữ, chứ trước nghèo quá, không có điều kiện đến trường. Nhưng cũng có phạm nhân than với Yến: “Thà lên rừng kiếm củi vất vả, còn cầm bút thấy lóng ngóng, khó quá”.

Vững vàng như ngày hôm nay, chị Yến “khoe”, có sự hậu thuẫn lớn lao từ người chồng, anh cũng công tác tại Trại giam Vĩnh Quang. Chồng cô giáo tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I nên được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho phạm nhân canh tác rau, trồng rừng. Để cập nhật, anh còn học thêm nhiều nghề khác để truyền dạy cho phạm nhân. Năm 2011, cùng với niềm vui được thăng hàm lên cấp Trung úy, chị Yến đã xây dựng tổ ấm với đồng nghiệp. “Sau mỗi ngày làm việc, về căn nhà ở khu tập thể của trại, chúng tôi thường trao đổi kinh nghiệm để công việc được tốt hơn”, chị Yến nói. Niềm vui lớn của hai vợ chồng Yến là sắp đón thành viên mới trong gia đình nhỏ. Năm mới đến, chị Yến mong các phạm nhân hiểu cặn kẽ về pháp luật để tránh va vấp khi trở lại với cộng đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoa Đỗ (Pháp Luật Xã Hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN