Chân dung "má mì" đội lốt cửu vạn

Mỗi khi đêm xuống, Quế lại trằn trọc nhớ con. Từ ngày vào trại giam, Quế không nhận được bất cứ thông tin gì về đứa con trai bé bỏng.

Phận đời hẩm hiu

Không còn phải chịu nắng mưa, leo trèo với bao hàng nặng trên vai như ngày còn làm cửu vạn ở đường biên nhưng cái thân hình còm còi của Quế mãi vẫn không nở ra được cho dù hiện giờ mỗi ngày đều đặn 2 bữa ăn no.

So với các phạm nhân thành án ở trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn, Quế có phần được ưu ái hơn bởi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình.

Không người thăm nuôi, không tài sản, mọi thức ăn ngoài khẩu phần đều do các quản giáo cho thêm và một phần là của các bạn tù cùng buồng san sẻ.

Ấy vậy nhưng mỗi khi được 1 miếng ngon, Quế lại không ăn ngay, cứ dành dụm rồi phải vứt vì hỏng. Bạn cùng buồng tiếc, Quế cũng tiếc lắm nhưng những hành động kỳ lạ ấy bắt nguồn từ nỗi nhớ con.

Trần Thị Quế sinh ra trong 1 gia đình đông anh em ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cái nghèo khiến gia đình họ ly tán mỗi người một nơi để bươn trải kiếm sống.

Quế là con út, chưa kịp biết cách kiếm tiền thì bố mẹ lần lượt rủ nhau khuất núi.

Theo chân anh chị ra đường biết kiếm sống, ngày ngày Quế lén vượt biên cùng đoàn cửu vạn luồn rừng để vác hàng lậu. Tiền kiếm được thất thường, hôm nhiều hôm ít, song cũng có lần vác hàng cả tuần không đủ trả nợ số hàng bị bắt.

Cuộc sống thất thường bữa đói bữa no dạy cho Quế già dặn và khôn hơn nhưng những va đập của cuộc sống không dạy cho cô gái mới lớn này biết được hết ngóc ngách của tình trường.

Anh chị mỗi người một phận, Quế cũng tính chuyện yên bề gia thất, song với một kẻ chỉ biết cắm cúi vác hàng, mệt thì chui vào lán trọ ngủ vùi như Quế thì mối quan hệ cũng chỉ quanh quẩn cái xóm cửu vạn, dân tứ chiếng về tụ hội.

Không muốn lặp lại cảnh sống của anh chị, đói no chỉ trông vào bao hàng lậu vác thuê, Quế quyết định phải tìm 1 người kinh tế khá giả để gửi thân, những mong đổi đời.

Nhưng cuộc đời có ai biết được chữ ngờ, số phận buộc mình quẩn quanh trong một quỹ đạo thì có vùng vẫy cũng chỉ làm vòng tròn méo mó đi chứ chẳng thoát ra được.

Thế nên khi trong xóm trọ xuất hiện 1 thanh niên lạ, ăn nói nhã nhặn và chẳng bao giờ mó tay vào việc khuân vác thì Quế đã hạ quyết tâm phải lấy được người này.

Trong suy nghĩ thiển cận của cô gái chưa học hết tiểu học như Quế thì người không làm lấm mặt mà vẫn rủng rỉnh tiền tiêu ắt là kẻ giàu có, không thì cũng là người thành đạt.

Cô đâu biết rằng việc chủ động làm quen của mình lại là điều người đàn ông kia mong muốn, bởi anh ta ra biên giới để giao dịch buôn bán ma túy và rất cần có 1 “chốn” để dung thân. Quế có chồng từ đó.

Tính ngược thời gian từ đó trở về trước thì đấy là quãng đời sung sướng nhất của Quế. Cô không phải đi vác hàng nữa.

Thay vì đêm đêm vác bao hàng nặng trên vai chạy như thiêu thân cho kịp đủ hàng và trốn lực lượng hải quan, biên phòng thì Quế ngủ ngon lành trong chăn ấm, nệm êm với chồng.

Cô không biết chồng mình làm nghề gì mà chồng cô cũng không nói ngoài việc đưa cho Quế một nắm tiền để mua sắm, chi tiêu. Khi đứa con đầu lòng của 2 người bắt đầu lùm lùm trong bụng, Quế được chồng đưa về quê, giới thiệu với họ hàng. Đến lúc này cô mới biết quê chồng mình ở Lục Ngạn, Bắc Giang.

Được khoảng 2 năm sống trong cảnh không phải lo kiếm tiền thì bỗng 1 ngày chồng Quế bặt tin, cả họ nhà chồng không biết anh ta ở đâu. Một nách con nhỏ, số tiền dành dụm từ những lần chồng đưa chỉ vài triệu, đã thế cô lại không biết chồng quan hệ với ai, đi những đâu nên chẳng biết đường nào để tìm.

Quế ôm con về nhà chồng, chăm chỉ với việc ruộng việc vườn, nuôi vài con lợn, tính chuyện chờ chồng. Cô đâu biết rằng thời gian đó chồng cô đang bị giam lỏng ở huyện Sông Mã (Sơn La) vì trót tiêu âm vào số tiền bán ma túy.

Vì nghiện, vì nuôi vợ con những ngày ở cữ, chồng Quế tiêu bậm vào khoản tiền bán ma túy nên bị đồng bọn nhốt vào đánh cho một trận tơi tả. Và từ chỗ cùng làm cùng hưởng, giờ chồng cô chỉ được trả công giao dịch trong mỗi phi vụ mua bán.

Ngày chồng trở về nhà, Quế mừng rơi nước mắt. Thế nhưng từ hôm đó, gia đình bé nhỏ của cô không còn êm đềm như trước, bởi thay vì đưa tiền cho vợ trang trải cuộc sống như trước kia, giờ đến lượt cô, 1 kẻ không nghề phải đưa tiền cho chồng.

Thu nhập chỉ nhìn vào mấy sào vườn, con lợn nái nên xô xát bắt đầu diễn ra giữa cặp vợ chồng.

Đến lúc này Quế mới cay đắng nhận ra việc mình lấy nhầm phải kẻ nghiện ma túy. Tiền kiếm được từ những thương vụ buôn nước bọt chỉ giúp anh ta cầm cự trong 1 khoảng thời gian nhất định rồi lại quay ra cào cấu vợ.

Có tiền thì hút hít, hết thì tiêm chích, đến khi dùng sái của bạn nghiện thì chồng Quế dính HIV rồi chết trước khi phải hầu tòa vì đường dây buôn ma túy này bị phát hiện.

Quế vô can bởi cô không hay biết việc làm của chồng, cũng chẳng được hưởng lợi tí gì từ những đồng tiền ấy.

Chưa đầy 30 tuổi đã khoác cái “án chồng ết”, chồng chết, Quế không đủ can đảm ở lại nhà chồng, sống trọn chữ nghĩa để nuôi con khôn lớn. Cô gửi con cho anh chị chồng trông nom giùm rồi lại ngược ra biên giới, sống cuộc đời mà cô đã từng trải qua trước đó.

Lại những ngày vác hàng chạy rẽ đất đổi lấy ít tiền công, Quế lăn vào làm thuê bởi ngoài nuôi mình, cô còn có đứa con ở quê nhà ngóng đợi. Quế dự định sẽ làm cửu vạn một thời gian nữa, kiếm chút vốn thì về nhà đầu tư vào chăn nuôi cho mẹ con được gần nhau.

Đã từng trải qua tuổi thơ ấu nhọc nhằn, thiếu thốn, người mẹ trẻ này không mong muốn điều đó lặp lại với con trai mình. Làm ngày làm đêm, đang tuổi thanh niên mà cô gầy tới quắt queo, đen nhẻm.

Không còn sức để leo đồi, trèo núi, Quế ra cửa khẩu, kiếm tiền bằng việc xách hàng thuê cho khách du lịch.

Thường xuyên qua lại biên giới, nhiều lúc còn được khách du lịch thuê đi cùng qua Trung Quốc để xách hàng, Quế dần thuộc mọi đường ngang ngõ tắt vùng giáp biên.

Cô trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, chỉ cần biết nhu cầu của khách là dẫn ngay tới cửa hàng đang bán thứ đồ cần tìm. Sự thông thạo ấy đã đưa đẩy Quế quen biết với một người đàn ông Trung Quốc có tên A Vầu.

Thêm 1 lần rẽ nhầm lối

Thấy Quế gầy rạc vì kiếm tiền, vất vả mà công cán chẳng là bao, A Vầu bảo cô tìm hộ ông ta mấy cô gái sang bán hàng, hứa sẽ trả công cao.

Cả đêm ấy Quế không ngủ được, phần vì mệt mỏi, phần vì trong đầu cứ vấn vương lời đề nghị của A Vầu và món tiền 1 triệu ông ta đưa trước. Cô quyết định về quê chồng thăm con, nhân thể tìm người đưa qua biên giới.

Ban đầu thấy Quế nói có cửa hàng bán quần áo ở bên Trung Quốc, anh chị chồng cô không ai tin nhưng khi cô đưa liền mấy triệu nhờ nuôi hộ con cẩn thận thì sự nghi hoặc dần tan biến.

Quế bảo vì cửa hàng mới mở, một mình cô không thể đảm đương hết nên muốn tìm thuê 2 cô gái sang phụ việc với mình.

Một người vừa bán hàng vừa làm sổ sách còn người kia ngoài nấu nướng, giặt giũ sẽ cùng Quế đi lấy hàng về bán. Tiền và cái vẻ ngoài lam lũ của Quế khiến mọi người tin đó là sự thật.

Được họ hàng bên chồng nhiệt tình giúp đỡ, cuối cùng Quế cũng tìm được 2 cô gái trẻ quê ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Quế thỏa thuận trả lương 3 triệu đồng/tháng không kể ăn nghỉ và họ đồng ý.

Sáng 31/5/2010, 3 người đón xe khách lên thị trấn Đồng Đăng. Tại đây Quế điện thoại cho A Vầu sang đón.

Nhưng khi cả Quế và 2 cô gái trẻ vừa đặt chân tới đường mòn khu vực mốc 16 thuộc thôn Cốc Nam, Tân Mỹ, Văn Lãng thì bị lực lượng biên phòng bắt quả tang.

Bị kết án 5 năm về tội Buôn bán người, Quế được cải tạo tại trại tạm giam công an tỉnh. Cô chua xót nhận ra rằng chỉ vì lòng tham đã đánh mất tất cả.

Anh chị em vì nghèo khó và lang bạt khắp nơi nên không ai biết để vào thăm cô. Phía nhà chồng thì ai cũng căm giận cô vì đã khiến họ mang tai tiếng với xóm làng.

“Cũng tại em cả thôi. Thấy A Vầu bày mưu, nghĩ kiếm tiền dễ quá nên em liều, lừa anh em nhà chồng để họ tìm người hộ. Từ ngày vào đây đã 2 năm rồi mà không ai viết cho em lấy vài chữ cho dù tháng nào em cũng viết thư gửi về”, Quế tỏ ra ân hận.

Trong tâm khảm của người đàn bà lam lũ này, cô chỉ mong nhận được vài dòng tin dù là ngắn ngủi về con trai mình chứ không mong nhận được sự độ lượng, tha thứ.

Chồng cô chết vì HIV đã khiến người thân khổ sở vì tai tiếng, đến lượt cô lại gieo tiếng ác cho họ, thử hỏi làm sao mà không giận được.

Quế hiểu điều đó nên chẳng trách móc ai cả mà chỉ mong họ hãy rủ lòng thương, viết cho cô vài chữ để cô biết về giọt máu của mình.

“Em chỉ sợ một điều, sau này ra trại, các anh chị không cho em nhận lại con. Dẫu em không xứng đáng thì nó cũng là con em và em có quyền nuôi con mình”, Quế lắp bắp, giọng nói không được tự tin lắm.

Nỗi lòng người mẹ dẫu phạm tội nhưng vẫn khao khát về con, thèm được nghe con nói, được biết chút ít về con mình.

Nỗi nhớ con trở thành ám ảnh khiến Quế nhiều lúc mê mê tỉnh tỉnh, được cho miếng gì ngon cũng không dám ăn, bảo để dành phần con, tới khi miếng ăn bốc mùi thì bưng mặt khóc.

Bạn tù cùng buồng ai cũng thương, cũng động viên cô hãy cố gắng vượt qua và đều thầm mong một ngày nào đó Quế nhận được thư của người thân. Nếu có thư, nhất định lá thư đó sẽ có vài dòng nói về đứa con trai mà Quế đang khao khát mong tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Châu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN