Bi kịch bố thuê giang hồ xử con ruột

Vì mâu thuẫn trong kinh doanh, bố cho con "đi viện" để tiện đường làm ăn.

Những ngày gần đây đến xã Định Hòa huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ngồi quán cà phê, quán nhậu đều nghe người dân hào hứng bàn tán xôn xao chuyện một vụ án có một không hai ở vùng quê yên bình này: một người cha thuê giang hồ “xử” con ruột của mình đến mức mang thương tích, nằm bệnh viện. Nguyên nhân chỉ vì ông cha đòi bán một nhà máy nước đá nhưng người con không đồng ý.

Định Hòa là một xã vùng sâu của huyện Lai Vung, nằm cặp bên bờ sông Hậu quanh năm lộng gió. Người dân Định Hòa 80% sinh sống bằng nghề nông, nên địa phương này lâu nay nổi tiếng với nghề trồng hoa màu, đậu nành, mè (vừng), rau cải, diện tích trồng lúa không nhiều, mức sống của người dân không cao lắm so với các địa phương khác.

Từ cầu Cần Thơ phía bờ Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long, nếu đi theo quốc lộ 54 đang xuống cấp bể nát dọc theo bờ sông Hậu khoảng gần 30 cây số sẽ đến địa phận xã Định Hòa. Ông Hai Mách, một người dân sinh sống lâu năm ở huyện Lai Vung, kể rằng trước đây người dân Định Hòa sống hiền lành chất phác, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời chí thú làm ăn.

Bi kịch bố thuê giang hồ xử con ruột - 1

Chỉ vì nhà máy nước đá mà người cha thuê giang hồ chém con ruột.

Nhưng khoảng 3 năm gần đây một số trai tráng trong xã sau một thời gian đi làm ăn ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn trở về quê nhà sinh sống mang theo thói côn đồ, anh chị, trở thành những tên giang hồ, xã hội đen miệt vườn, khiến vùng quê này không còn yên ấm.

Ông Hai Mách và những người dân xã Định Hòa nói, chuyện cha thuê giang hồ “xử” chính con ruột của mình đến mức suýt mất mạng, phải nằm bệnh viện là chuyện hi hữu xưa này chưa từng có ở vùng quê nghèo này.

Chuyện bắt đầu từ cách nay khá lâu, khi ông Lê Thành Nguyên (sinh năm 1955) ngụ ấp Định Thành, xã Định Hòa, huyện Lai Vung xây dựng được một nhà máy sản xuất nước đá. Ban đầu nhà máy nước đá của ông Nguyên làm ăn rất phát đạt do không có đối thủ cạnh tranh. Ông Nguyên là người trực tiếp đứng ra điều hành, quản lý sản xuất và thu chi của nhà máy nước đá.

Sau một thời gian trực tiếp điều hành nhà máy nước đá, do tuổi cao nên ông Nguyên quyết định giao nhà máy cho con trai là Lê Thành Chưởng quản lý toàn bộ mọi hoạt động.

Lúc đầu Chưởng chăm chỉ làm ăn nên không có chuyện gì xảy ra, ông Nguyên cũng tận tình chỉ bảo mọi chiêu thức làm ăn cho đứa con trai với mong ước cơ ngơi sẽ ngày càng phát đạt hơn, vì ông luôn tâm niệm câu “con hơn cha là nhà có phúc”.

Nhưng đến đầu năm 2011, nhận thấy nhà máy nước đá làm ăn ngày càng sa sút nên ông Nguyên không yên tâm.

Ông Nguyên nhiều lần gặng hỏi con trai về nguyên nhân sản xuất, doanh thu của nhà máy nước đá ngày càng sụt giảm, nhưng cậu quý tử Lê Thành Chưởng cứ quanh co không trả lời rõ ràng, lúc thì cho là máy móc hư liên miên, lúc thì bảo do càng ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh nên doanh thu ngày càng giảm.

Cho rằng cậu con quý tử không minh bạch với mình trong chuyện điều hành sản xuất, thu chi của nhà máy nước đá, ông Nguyên nhiều lần kiểm tra kiểm tra sổ sách thu chi. Càng kiểm tra, ông Nguyên càng nghi ngờ Chưởng không trung thực trong việc ghi chép sổ sách, cố tình để nhiều khoản tiền bên ngoài không ghi vào sổ để bỏ túi riêng.

Từ những nghi ngờ này, ông Nguyên và Chưởng thường xuyên gây gổ, cự cãi nhau và mâu thuẫn giữa hai cha con càng ngày càng gay gắt.

Người dân ấp Định Thành xã Định Hòa kể, hầu như tuần nào họ cũng nghe hai cha con ông Nguyên lớn tiếng cãi cọ, gây gổ xung quanh chuyện làm ăn thua lỗ của nhà máy nước đá, thậm chí hai cha con nhiều lúc không nhìn mặt nhau, ra đường nói xấu lẫn nhau: cha thì cho rằng con trai phá của, giấu giếm tiền bạc để ăn xài riêng, không biết vun quén cho gia đình; con thì nói cha già cả lẩm cẩm, khó khăn đủ điều, không hiểu biết gì chuyện sản xuất, thị trường.

Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nhà máy nước đá của cha con ông Nguyên càng sản xuất càng thua lỗ, nợ vay ngân hàng ngày càng tăng đến mức chóng mặt.

Trước nguy cơ phá sản mà không thể trả nổi món nợ quá lớn của ngân hàng, ông Nguyên nảy sinh ý định bán nhà máy nước đá để trả nợ, còn dư chút đỉnh thì kiếm chuyện khác làm ăn. Tuy nhiên, khi ông Nguyên mang ý định bán nhà máy nước đá ra trao đổi với Chưởng thì hai cha con không tìm được tiếng nói chung.

Lần nào ông Nguyên đề cập đến vấn đề bán nhà máy trả nợ ngân hàng thì y như rằng Chưởng ra sức ngăn cản khiến hai cha con lại to tiếng với nhau.

Cho rằng cậu con quý tử “trứng mà đòi khôn hơn vịt”, trong lòng lại đeo đẳng nỗi tức giận lâu ngày trước hành vi ngỗ nghịch của đứa con trai, nên ông Nguyên suy tính tìm cách “bứng” cậu quý tử ra khỏi nhà máy nước đá để ông dễ bề rao bán.

Bi kịch bố thuê giang hồ xử con ruột - 2
Tang vật thu giữ tại cơ quan công an

Suy đi nghĩ lại nát nước mà không biết phải làm sao, một hôm trong đầu ông Nguyên lóe lên ý nghĩ tội lỗi là tìm cách cho cậu quý tử vào nằm bệnh viện trong một thời gian đủ để ông kêu người bán đứt nhà máy nước đá.

Nhưng cậu quý tử của ông là thanh niên trai tráng mạnh khỏe, chẳng bệnh tật gì hết, muốn cho đi nằm viện là chuyện không đơn giản.

Không biết “ma đưa lối quỷ đưa đường” thế nào hay là do ai “hiến kế” mà ông Nguyên đi đến một quyết định có một không hai: thuê đám giang hồ, xã hội đen miệt vườn đánh cho thằng con trai một trận nên thân để nó đi nằm bệnh viện.

Cho rằng đây là thượng sách, nhưng ông Nguyên cũng còn đủ tỉnh táo để tạo chứng cớ ngoại phạm cho mình, bằng cách điện thoại kêu người con rể tên là Nguyễn Văn Lũy đến nhà, sai Lũy tìm thuê người đánh Chưởng đi nằm viện để ông toàn quyền bán nhà máy nước đá.

Nghe ông già vợ ra lệnh, dù biết đó là hành vi sai trái nhưng Lũy chẳng thèm can ngăn, lại đồng tình với cha vợ vì Lũy vốn ghét cậu em vợ luôn xem mình chẳng ra gì.

Nhận lệnh của ông Nguyên, Lũy hăng hái đi dò hỏi và biết được Lê Hữu Nghiệm (sinh năm 1986), ngụ xã Định Hòa Lai Vung, là một “cao bồi vườn” có tiếng, sẵn sàng đánh người dù chỉ cần nghe một lời nói không lọt lỗ tai hoặc nhìn nạn nhân thấy ghét.

Tìm gặp được Nghiệm, Lũy cho biết ý định thuê người đánh con ruột của ông Nguyên. Nghe xong câu chuyện Nghiệm gật đầu đồng ý cái rụp và cùng Lũy đến gặp ông Nguyên để bàn tính kế hoạch “xử” Lê Thành Chưởng.

Sau khi bàn bạc với Lũy và ông Nguyên xong, Nghiệm điện thoại cho một đồng bọn tên là Võ Thiện Hải (sinh năm 1987) ngụ ấp Tân Bình, xã Phong Hòa (huyện Lai Vung), cho biết có người thuê đánh gây thương tích cho người khác, xong việc thì bao nhiêu tiền người thuê cũng chi.

Nghe chiến hữu thông báo có phi vụ ngon ăn, Hải hẹn gặp Nghiệm tại một quán giải khát thuộc địa phận xã Phong Hòa (Lai Vung) để trao đổi cụ thể kế hoạch đánh người. Khi Nghiệm đến nơi hẹn với Hải thì đã thấy có mặt các tên “cao bồi vườn” khác là Lê Văn Tiến, Nguyễn Minh Toàn, Trần Nguyễn Bình.

Sau đó cả đám giang hồ miệt vườn tổ chức tiệc nhậu để bàn bạc chi tiết kế hoạch “xử” Lê Thành Chưởng theo đơn đặt hàng. Sau khi nhậu xong, Nghiệm và Hải chỉ huy đám “giang hồ miệt vườn” bí mật đi nhận mặt Lê Thành Chưởng và tìm hiểu quy luật đi lại của nạn nhân để lên kế hoạch ra tay.

Trong lúc đang lên kế hoạch “xử” Chưởng thì bất ngờ tên Nghiệm nhận được điện thoại của ông Nguyên thông tin cho biết Chưởng đang ở nhà riêng và yêu cầu giải quyết chuyện xử cậu quý tử cho nhanh vì ông không thể chờ đợi thêm, nếu nhóm giang hồ này không chịu ra tay thì ông Nguyên sẽ tìm thuê nhóm khác để hành sự.

Nghe điện thoại xong, sợ “mất mối” làm ăn nên giữa trưa Nguyễn Minh Toàn hối thúc đồng bọn lập tức đến nhà thanh toán Chưởng. Toàn trực tiếp điều khiển xe mô tô chở Nghiệm, còn Bình chạy một xe khác chở theo Hải và Tiến đi đến nhà Chưởng.

Trước khi đi tên Nghiệm còn ghé nhà lấy một con dao tự chế mang theo người. Nhưng khi cả bọn đến nhà Chưởng xông vào tìm kiếm thì không thấy Chưởng có mặt ở nhà. Cả nhóm cao bồi vườn leo lên xe gắn máy lùng sục khắp các con đường giao thông nông thôn tìm Lê Thành Chưởng để hoàn tất hợp đồng.

Đến một con đường vắng, những tên cao bồi vườn quan sát phát hiện Chưởng đang chạy xe gắn máy phía trước nên cả nhóm rồ ga tăng tốc đuổi theo, trong lúc đuổi theo Chưởng thì Nghiệm đưa con dao tự chế cho Lê Văn Tiến cầm.

Trong khi đó Lê Thành Chưởng vô tình không biết mình đang bị truy sát nên vẫn ung dung cho xe chạy chầm chậm trên đường làng. Khi hai chiếc xe của bọn cao bồi vườn đuổi kịp xe của Chưởng, Nghiệm cùng Hải và Toàn điều khiển xe gắn máy chặn đầu, khóa đuôi xe của Chưởng rồi cả ba bất thình lình xông vào đánh Chưởng tới tấp.

Trong lúc Chưởng chống đỡ trận đòn thù, tên Lê Văn Tiến bất ngờ xông vào dùng dao chém liên tục vào người của Chưởng khiến nạn nhân gục ngã tại chỗ. Nghe tiếng la ó xô xát, người dân trong xóm xông ra tiếp cứu Lê Thành Chưởng nên bọn côn đồ lên xe phóng đi mất dạng.

Lê Thành Chưởng được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không mất mạng nhưng vẫn phải mang thương tật vĩnh viễn với tỷ lệ 17,2%.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Lai Vung lập tức vào cuộc điều tra vụ chém người dã man. Chỉ trong thời gian ngắn, các tên giang hồ miệt vườn Lê Hữu Nghiệm, Lê Văn Tiến, Võ Thiện Hải, Trần Nguyễn Bình, Nguyễn Minh Toàn phải tra tay vào còng số 8.

Trong quá trình điều tra, bọn giang hồ miệt vườn khai nhận chém Lê Thành Chưởng theo “đơn đặt hàng” của ông Nguyên, cha ruột của Chưởng và người môi giới chính là Nguyễn Văn Lũy, anh rể của nạn nhân. Hiện tại các cơ quan chức năng của huyện Lai Vung đã hoàn tất hồ sơ truy tố 7 bị can Lê Thành Nguyên, Nguyễn Văn Lũy và 5 tên giang hồ miệt vườn về tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật hình sự.

Vụ án kết thúc, con nằm viện, cha vào tù, còn người dân xã Định Hòa, huyện Lai Vung mãi mãi đàm tiếu, chê cười hành vi dứt tình cha con máu mủ thuê côn đồ chém con ruột của ông chủ nhá máy nước đá Lê Thành Nguyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thường Dân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN