Ám ảnh những lời nói sau cùng trước tòa...
Từng giữ những chức vụ quan trọng và từng “thét ra lửa”, nhưng ở cuối con đường công danh sự nghiệp, nhiều người lại lâm vào cảnh tù tội. Gắn bó với chốn “pháp đình”, không ít lời nói sau cùng của những bị cáo “tai to mặt lớn” đã để lại trong tôi những ám ảnh xen lẫn sự suy tư.
Như một nhát chém với vết sẹo suốt cuộc đời
Đến thời điểm này, vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã không còn được dư luận xã hội nhắc tới. Nhưng nhiều tình tiết về “nhân tình thế thái” có trong vụ án dường như sẽ chẳng bao giờ khép lại. Thậm chí, nó còn mãi là bài học đối với bất kỳ ai khi đang được sống trong những ngày tháng bình yên và hạnh phúc.
Còn nhớ, tại phiên tòa hồi cuối năm 2019, khi được phát biểu, vợ ông Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) - bà Kolmakova Ekaterina (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) khẩn khoản: “Chồng tôi đã nhận thức, thành thật ăn năn hối cải, về nhà động viên gia đình, vợ con phải khắc phục, không để Nhà nước bị thiệt hại”. Trước tòa, dù là người nước ngoài nói tiếng Việt còn chưa thật rành rẽ, nhưng bà Kolmakova Ekaterina vẫn cố hết sức để diễn tả những tâm tư, trách nhiệm và tình cảm của bản thân đối với HĐXX, với người chồng. “Để trả lại số tiền cho Nhà nước, chồng tôi đã phải vay mượn rất nhiều mới có đủ” - vợ ông Vũ chia sẻ. Theo người phụ nữ này, chồng bà là người duy nhất trong lịch sử các vụ án ở Việt Nam đã chủ động khắc phục thiệt hại với số tiền kỷ lục. Ông Phạm Nhật Vũ cũng là người dám nhận trách nhiệm, không trốn tránh, không bỏ trốn, cho dù hoàn toàn có điều kiện.
Mang tâm trạng của một người vợ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bà Kolmakova Ekaterina khẩn khoản: “Anh ấy tâm sự với tôi rằng, cần trả lại tiền để chứng minh mình không lấy tiền của nhân dân. Chúng tôi phải gom góp gần 1 năm để đủ tiền trả lại cho Mobifone và các khoản chi phí khác. Chúng tôi đã phải mang khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng. Tôi luôn có suy nghĩ về việc làm của chồng tôi rằng, liệu anh ấy có xứng đáng được nhận sự khoan hồng thật đặc biệt?”. Giãi bày về những khó khăn trong cuộc sống, vợ ông Vũ khi đó nói: “Tôi sống ở Việt Nam nhiều năm và coi đất nước này là quê hương thứ hai nhưng về văn hóa và nhiều phong tục chưa theo kịp được”. Nước mắt trực trào ra, bà Kolmakova Ekaterina nghẹn giọng: “Anh Vũ là sợi dây duy nhất gắn bó mẹ con tôi với cuộc sống, xã hội nơi đây, vì thế rất mong tòa án xem xét…”.
Cũng tại phiên xử sơ thẩm vụ án Mobifone, trước khi tòa nghị án để đưa ra phán quyết, những lời nói sau cùng của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cũng khiến không ít người suy tư, ngẫm ngợi về những được, mất ở đời. “Sau nhiều năm công tác, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có cái ngày, có cái kết cay đắng như hôm nay” - ông Tuấn nói. Nhìn nhận về tội lỗi, ông Tuấn khi đó cho rằng, sai phạm của ông và những người trong vụ án là rất rõ. Quá trình điều tra và đặc biệt là quá trình xét xử, cơ quan tố tụng đã làm rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của từng người. “Tôi thấy rằng, trách nhiệm, sai phạm của mình quá lớn. Sai phạm của tôi đã được nêu trong cáo trạng, đến phiên tòa lại càng làm rõ hơn và nó như nhát dao, nhát chém để lại vết sẹo trong tâm hồn tôi cho đến hết cuộc đời này” - cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói trong sự day dứt và hối hận muộn màng.
Phóng viên theo dõi “pháp đình” xếp hàng làm thủ tục dự phiên tòa
Mong sớm được quay lại xã hội để cống hiến
Có thể thấy những năm gần đây, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta thật đúng với những gì mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo. Và bao trùm lên tất thảy chính là chủ trương “không có vùng cấm”. Thế nên, dù bất kỳ là ai với những cương vị như thế nào, một khi đã bị đưa ra ánh sáng pháp luật thì phần lớn trong số họ đều bày tỏ sự “tâm phục, khẩu phục” với những chuyển biến cả về nhận thức lẫn hành động. Dẫu rằng điều đó có phần muộn mằn về mặt cá nhân nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa đối với công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng đang được thực hiện quyết liệt như hiện nay.
Hơn 10 năm ”lăn lộn” chốn “pháp đình”, cá nhân tôi vẫn không khỏi băn khoăn, ngẫm nghĩ về một con người vốn được cho là khá tài giỏi trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Chỉ tiếc là cái tài giỏi ấy của ông lại không phụng sự cho một nền tài chính trong sạch, lành mạnh của đất nước. Người đó chính là Cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm, hiện đang phải thụ án tù chung thân về nhiều tội danh gắn với nhiều vụ án khác nhau.
Nhớ lại khuya ngày 3-5-2018, tại phiên xử phúc thẩm vụ án Oceanbank, nói lời sau cùng, ông Hà Văn Thắm bộc bạch: “Bị cáo cảm thấy rất mừng và cảm ơn Viện Kiểm sát đã ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo; ghi nhận việc bị cáo không biết Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền”. Trong tâm trạng thấp thỏm, bị án Hà Văn Thắm khi ấy bày tỏ: “Trong trường hợp nếu đủ căn cứ quy kết về tội các tội danh chiếm đoạt tài sản thì bị cáo mong HĐXX căn cứ vào hoàn cảnh và các tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo được xuống án tù có thời hạn”. Tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, cựu Chủ tịch Oceanbank trần tình, trong thời gian bị tạm giam, ông được ở cùng nhiều bị can khác. Cựu chủ tịch Oceanbank đã luôn khuyên nhủ những người này hãy thành khẩn khai báo để được giảm nhẹ tội. Và trước khi dừng lời, ông Hà Văn Thắm không quên cầu khẩn: “HĐXX hãy cho bị cáo cơ hội sớm quay lại với xã hội để cống hiến sức mình cho đất nước. Bởi bị cáo không phải là thành phần nguy hiểm cho xã hội”.
Phóng viên An ninh Thủ đô trong một chuyến công tác
Một nhân vật khác, ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN) cũng là người để lại rất nhiều suy ngẫm. Trong lời nói sau cùng tại phiên tòa sơ thẩm tháng 3-2018 (vụ án cố ý làm trái gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng), ông Thăng tuy không thừa nhận bản thân phạm tội như truy tố nhưng cũng đã phần nào thể hiện sự day dứt, ân hận. “Trước hết, bị cáo xin hết sức cảm ơn HĐXX đã cho bị cáo cơ hội được nói lời sau cùng. Bị cáo cảm ơn Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra đã tận tâm chia sẻ những biến cố của cuộc đời bị cáo” - ông Thăng bày tỏ. Khi ấy, ông Thăng phân trần, gia đình ông đã rơi vào tột cùng đau thương, mất mát. Ông trở thành người con bất hiếu vì khi bố mất không được lo hậu sự. Và đó chính là điều day dứt nhất trong suốt quãng đời còn lại của ông. Trong gần nửa giờ trần tình tại phiên tòa, ông Đinh La Thăng đã nói rất nhiều về sự phấn đấu, nỗ lực và cả những thiệt thòi của bản thân trong thời trai trẻ. Thế nhưng vào cuối con đường công danh sự nghiệp, ông lại phải sống trong tâm trạng day dứt, tiếc nuối khôn cùng...
Trong dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cánh mạng Việt Nam này, chúng tôi - những người làm báo An ninh Thủ đô lại có dịp để nhớ về những dấu ấn, kỷ niệm và cả những trăn trở, nghĩ suy của nghề cầm bút. Nhìn đời và nhìn người để thấy rằng, không gì quan trọng hơn bằng việc tự thân phải biết nêu cao phẩm chất của một Nhà báo khoác trên mình sắc phục Công an nhân dân, phấn đấu dung ngòi bút để đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái; cổ vũ, động viên tinh thần cho các lực lượng trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm, và dùng ngòi bút của mình khích lệ, động viên những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, đó chính là sứ mệnh của những người làm báo An ninh Thủ đô chúng tôi.
Nguồn: [Link nguồn]
Luôn tiện thăm vợ sắp cưới, Phạm “ship” luôn ma túy. Ngày hầu tòa, người vợ sắp cưới bế con nhỏ đến, Phạm nghe...