3 người chết ở đầm tôm: Lời của bà chủ

Bà Phượng chối phăng những chuyện mà anh em Hiếu tố cáo. Giải thích về vũ khí của chồng, bà Phượng nói, súng đi xin của người khác, mã tấu lượm của những người đánh lộn.

Treo bảng bán vuông tôm

Ngày 28-6, từ TP. Cà Mau, chúng tôi đến xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi để gặp bà Phượng. Hôm ông Liền bị bắt giam, bà Phượng về vuông tôm. Gần nửa giờ ngồi đò dọc, chúng tôi đến được vuông tôm gây xôn xao dư luận cả tuần qua. Căn nhà cửa mở. Một thanh niên cởi trần trùng trục nhìn tôi với cặp mắt khó chịu: “Tìm ai? Bộ tính chụp hình à. Chủ nhà không có ở đây”. Trước thái độ ấy của người thanh niên, tôi đành ra dấu cho người chạy đò dọc quay lại. Phía dưới gốc đước treo bảng bán vuông.

3 người chết ở đầm tôm: Lời của bà chủ - 1

Bà Trần Thị Phượng

Hơn mười năm xuống ấp Lưu Hoa Thanh lập nghiệp, vợ chồng ông Liền luôn là bí ẩn đối với người dân địa phương. Hôm khám xét nhà ông Liền, ngoài số vũ khí hù dọa người làm công, trinh sát thu giữ rất nhiều dây điện được ông chủ vuông làm bẫy. Xuất thân từ làng Tân Thành, TP. Cà Mau, năm 1997, ông Liền gá nghĩa với bà Phượng. Để làm kế sinh nhai, bà Phượng thuê 50 hécta đất nuôi tôm với thời hạn 20 năm giá 300 triệu đồng. Do tuổi lớn, chậm con, ông Liền xin một bé gái đặt tên là Cao Như Ý (SN 2005) về nuôi. Vài năm sau, bà Phượng sinh được bé trai bụ bẫm. Cuộc sống gia đình bà Phượng khép kín. Một người dân địa phương cho biết, công việc đi chợ, nấu nướng, bà Phượng giao hết cho ông Liền. Người dân rất ít gặp bà Phượng bởi bà không tiếp xúc với bên ngoài.

Bà chủ vuông tôm lên tiếng

Được sự giới thiệu của người bạn, chúng tôi đã có số điện thoại di động của bà Phượng. Tối 28-6-2012, trong căn nhà của người quen, bà Phượng kể: “Tôi quen bà Trương Thị Hằng (Tám Hằng) ở thị trấn Hộ Phòng (Giá Rai, Bạc Liêu) đã lâu. Vợ chồng tôi kết nghĩa làm anh, chị nuôi với Tám Hằng”. Nhà vợ chồng bà Phượng ở xã Tân Phong, Giá Rai (Bạc Liêu), đến nhà bà Hằng ở thị trấn Hộ Phòng khá gần, theo Quốc lộ 1A thuộc địa bàn Giá Rai, chỉ cách nhau chừng vài cây số. Bà Phượng cho biết, từ khi thuê vuông tôm, gia đình bà rất cần lao động phụ giúp trông coi, bảo vệ, khai thác tôm cua. “Khi đến nhà bà Tám Hằng, mấy đứa cháu gọi bà Tám Hằng bằng dì, còn nhỏ, nghèo khổ, không việc làm. Bà Tám Hằng xin vợ chồng tôi cho các cháu ở mướn, kiếm sống vì nghèo quá” - bà Phượng nói.

Nhận xét về những người làm công, bà nhớ lại: “Lúc đầu, Phạm Minh Hải ở giữ trại tôm giống. Được vài tháng, vợ chồng tôi cho nghỉ vì không trung thực trong việc quản lý tiền bạc. Sau đó, Phạm Minh Dương, Phạm Minh Phụng, Phạm Minh Hiếu lần lượt đến ở, bao lần trốn đi, rồi lại xin ở tiếp vì ham chơi, lười biếng”. Theo lời bà Phượng, trong số người làm công chỉ có Phạm Minh Dương đến ở lúc 17 - 18 tuổi, các em cùng mẹ khác cha của Dương đều nhỏ, làm việc nhẹ trong nhà, lớn lên mới ra vuông tôm. Phạm Minh Hiếu ở khoảng bảy năm. Phạm Minh Dương ham chơi, đánh bài, la cà với những người xung quanh. Mấy ngày nay, bà Phượng tỏ ra mệt mỏi với những thông tin trên báo suốt thời gian gần đây. Gặp được nhà báo, bà Trần Thị Phượng nói rất say sưa: “Anh em Dương, Phụng, Hiếu ở với vợ chồng tôi, rồi cha ruột, mẹ kế, em út, người thân thỉnh thoảng sang ở làm công, có khi cả tháng trời. Nếu vợ chồng tôi ác, sao các cháu ở suốt bảy, tám năm trời mà không hé môi với cha mẹ, với người thân, hoặc cha ruột là Phạm Văn Oanh không phát hiện? Khi xảy ra chuyện không may, mọi dư luận đổ vào vợ chồng tôi”.

3 người chết ở đầm tôm: Lời của bà chủ - 2

Ngày 28-6, bà Phượng treo bảng bán vuông tôm

Bà Phượng cho rằng Phạm Minh Phụng, Phạm Minh Hiếu khi ở mướn còn rất nhỏ, hay ngủ mê, làm biếng. Năm 2006, Phạm Minh Phụng ăn con cá chết sình, rồi ăn con vịt xiêm chết với cháo nên trúng thực chết. “Lúc đó, vợ chồng tôi đang ngủ, nghe tiếng đạp hình hịch mới chạy xuống thì Phạm Minh Dương đạp lên ngực em mình là Phụng vì Phụng kêu ngăn ngực, đạp cho cơm cháo xuống. Vợ chồng tôi kêu người em làm y sĩ, y tá đến cho thuốc uống nhưng Phụng ngủ tới khuya rồi chết ở cạnh chuồng nuôi dê. Tôi cho gia đình Phụng hay, kêu công an đến mổ tử thi nhưng dì Tám Hằng và mẹ của Phụng là bà Trương Thu Hoài không cho. Bà Tám Hằng còn nói: “Chết một đứa rồi, không để hai đứa chết. Mổ tử thi thì công an sẽ bắt Dương vì vết chân còn trên ngực Phụng. Vả lại, anh em Dương, Phụng hay đánh lộn với nhau lắm, ra hậu vuông đánh nhau gãy cây dầm luôn” - bà Phượng tố anh em Hiếu.

Phụng chết, vợ chồng ông Cao Văn Liền tổ chức đám tang tại chòi vuông tôm, lo toàn bộ chi phí mai táng, mua đất, xây mồ mả cho Phụng ở ấp Lam Điền (xã Long Điền Tây, Đông Hải, Bạc Liêu). Bà Phượng nói: “Phạm Minh Phụng chết đã sáu năm rồi, có kiện thưa gì đâu. Nay vụ Hiếu chết thì lại đổ vào vợ chồng tôi”. Bà Phượng nói nhiều về vụ Phụng chết và rưng rưng nước mắt.

Hiếu đột ngột mất tích, vợ chồng bà Phượng nghi ngờ bà Tám Hằng chứa chấp, sinh mâu thuẫn. Trước đó, Phạm Minh Dương bỏ đi hơn một năm. Theo lời bà Phượng, trước đó, Hiếu để mất bầy gà. Bà Phượng gặng hỏi, Hiếu thề rắn hổ đước cắn. Bà giận tát Hiếu hai bạt tai bởi câu thề độc. Hôm sau, ông Liền tìm hoài không thấy con gà nào nên chửi Hiếu, Hiếu bơi xuồng đến miệng cống bỏ đi, vợ chồng bà tìm hoài không thấy. Bà Trần Thị Phượng kể tiếp: “Khi phát hiện xác chết ngoài rừng, Phạm Minh Dương vừa quay trở về, bơi xuồng với ông Chín Liền ra xem vì công an báo tin. Anh Chín Liền quay vô nói với tôi: Thằng Hiếu chớ còn ai nữa!”.

Công an thu giữ cây súng tự chế, cây súng hơi, hai mã tấu và bắt tạm giam ông Cao Văn Liền. Bà Phượng nói: “Súng xin người khác, mã tấu lượm của mấy người đánh lộn ở quán nhậu. Thật ra, người ta đồn vợ chồng tôi trúng tôm dữ lắm nên chồng tôi thủ thân, hù dọa những thành phần bất hảo”. Trước lúc tôi từ giã, bà Phượng nói vọng theo: “Các cháu Dương, Phụng, Hiếu ở cho vợ chồng tôi nhưng có nhiều người lấy tiền công. Tôi đưa cho ông Oanh thì bà Hằng, bà Hoài chửi tôi. Tôi đành trả tiền cho bà Hằng thì bà Hoài nói con của ai người đó nhận, rồi ông Oanh than khổ, xin thêm. Hiếu chết, ông Oanh còn mượn vợ chồng tôi 10 triệu để cất nhà, chưa thanh toán”.

Sự thật có đúng như lời của bà Phượng, hiện trường xác chết “nói gì”, PV đã gặp gỡ Phạm Minh Dương trên người đầy những vết thẹo qua những ngày bị đày đọa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo THẢO - HƯNG ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN