23 năm bị oan: Bồi thường bao nhiêu là đủ?

Kể từ khi bị khởi tố rồi được hưởng tại ngoại, tiền tài, sức khỏe, công danh sự nghiệp của ông bị 'chôn vùi' tới 23 năm. Khi cầm trên tay quyết định giải oan, ông thấy mình như 'được sinh ra thêm lần nữa'.

"Tôi được sinh ra lần nữa"

Như đã đưa tin, ngày 28/4/1988, ông Nguyễn Thành Trung bị cơ quan CSĐT ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng. Đến ngày 25/7/1988, ông được hưởng tại ngoại để phục vụ điều tra. Suốt thời gian này, ông Trung đã làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng sớm làm rõ việc Viện kiểm sát truy tố ông. Vậy mà, mãi đến 23 năm sau, ngày 19/4/2011, Viện KSND tỉnh Hậu Giang mới chính thức có quyết định giải oan cho ông.

23 năm bị oan: Bồi thường bao nhiêu là đủ? - 1

Những quyết định vội vàng, lý luận thiếu cơ sở chứng minh hành vi phạm tội. Từ đó, đã đẩy ông Nguyễn Thành Trung suốt 23 năm phải chịu oan ức.

Khi cầm tờ quyết định trên tay, ông không dám tin vào mắt mình.

Ông nói trong lưng tròng nước mắt: “Cảm giác của tôi như người sinh ra lần thứ 2 hay được đầu thai làm kiếp người. Suốt một tuần liền tôi không ngủ được. Cứ nghĩ là trong giấc mơ. Tôi vẫn tin vào ánh sáng của pháp luật, nhưng để tôi phải chờ đợi quá lâu…”.

Ông Trung còn bảo, ở nhà mấy hôm đó như có đám tiệc. Ai ai cũng đến chúc mừng, đồng đội ở xa nghe tin cũng đến chia sẻ, bà con lối xóm đều tay bắt, mặt mừng.

Yêu cầu bồi thường 1,6 tỷ đồng

Ông Nguyễn Thành Trung đã làm đơn yêu cầu Tòa án phán xét bồi thường, những khoản tổn thất về vật chất, lẫn tinh thần cho mình.

Cụ thể, những khoản yêu cầu bồi thường này để bù đắp phần nào quãng thời gian 8.558 ngày ông bị tạm giam và được cho tại ngoại.

Ông đã yêu cầu Viện Kiểm sát TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang bồi thường thiệt hại trên 1,6 tỷ đồng.

Đưa ra mức đề nghị bồi thường như vậy, nhưng ông chia sẻ: “Bản án kéo dài quá lâu là một thiệt thòi cho tôi và gia đình. Bây giờ tiền bạc không thể nào mua hay đánh đổi được số thời gian mà tôi phải chịu đựng”.

Sau nhiều lần thương lượng không thành, ông kiện ra tòa.

Cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm chỉ chấp thuận một phần, buộc Viện kiểm sát TP. Vị Thanh công khai đền bù 410 triệu đồng và công khai xin lỗi ông nơi cư trú.

Nhiều bất hợp lý?

Liên quan đến yêu cầu bồi thường, có nhiều điểm bất hợp lý.

Cụ thể, ông Trung yêu cầu tòa án tính số ngày bị bắt tạm giữ từ 28/4/1988 đến 19/4/2012 đã bị tòa bác bỏ. Tòa chỉ chấp thuận tính đến ngày 19/4/2011 (ngày có quyết định giải oan).

23 năm bị oan: Bồi thường bao nhiêu là đủ? - 2

Niềm vui của ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ như được sinh ra thêm một lần nữa trong đời.

Hơn nữa, bản án phúc thẩm có lập luận: “Sau khi được cho tại ngoại, mặc dù chưa có cơ quan thẩm quyền xác định ông bị oan, nhưng thực tế ông vẫn đi lao động bằng nghề khác và có thu nhập như bao người lao động bình thường?”.

Trước lập luận này, ông Trung nói: “Tôi được tại ngoại nhưng vẫn bị khởi tố. Còn làm được gì? Ai thuê tôi làm? Bởi khi tôi bị bắt đang còn là công chức Nhà nước. Bản thân tôi bị bệnh tật liên miên, tinh thần suy sụp vì lúc nào cũng ám ảnh vụ việc. Bây giờ giải được oan, còn bắt tôi chịu đựng thế thì...oan quá”.

Tiếp đến, trước yêu cầu bồi thường gần 1,4 tỷ đồng, khoản thu nhập thực tế trong thời gian 23 năm ông bị khởi tố, VKS đã bác bỏ và lập luận rằng: “Ông Trung thời điểm bị thiệt hại (bắt tạm giam) đang là công chức, giữ chức vụ Phó phòng Nông nghiệp huyện. Đáng lẽ phải căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp chức vụ thời điểm này để tính thu nhập bị mất. Tuy nhiên, do cơ quan nơi ông công tác trước đây không lưu giữ các văn bản này để cung cấp cho Tòa án, nên tòa không có căn cứ để tính (?!)”.

Về phần đòi bồi thường do tổn hại sức khỏe của ông Trung, Tòa án cũng bác bỏ.

Tiếc thay, Viện kiểm sát TP. Vị Thanh đang đùn đẩy, chậm trễ hay có thể nói vô cảm trong việc thực thi bản án đã có hiệu lực nhiều tháng qua.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung – người phải chịu đựng oan sai suốt 23 năm qua đã yếu dần mà chưa biết bao giờ việc đòi bồi thường về danh dự và vật chất mới được thực thi! 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Huy (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN