Ấm lòng với Tết quê

Năm nào có ngày 30 thì chiều 29 cả nhà lại rục rịch gói bánh để tối còn kịp nấu.

Tết đến, mang theo những ký ức ngọt ngào về miền quê. Giữa mơ hồ những nỗi nhớ, tôi nhận ra hình ảnh phiên chợ Tết đông đúc, cái dáng quen thuộc của bố đang ngồi gói bánh, đâu đó ánh lửa bập bùng cháy giữa đêm đông, thấy thoang thoảng mùi thơm của nồi nước tắm chiều 30…

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết. Giờ này, không khí ngoài đường đã bắt đùa chộn rộn, náo nhiệt. Nhiều người đang hối hả chuẩn bị hành lý lên xe về quê ăn Tết. Số khác, khắc khoải với những nỗi nhớ chẳng thể gọi thành tên. Đâu đó, những bài hát mừng xuân vang vọng khắp các ngả đường làm lòng tôi bâng khuâng, da diết.

Mấy năm rời xa quê hương, dù bận rộn thế nào tôi cũng ráng dành dụm, thu xếp để cuối năm về quê đón Tết cùng ông bà, bố mẹ. Dù biết Tết ở quê mình đôi khi rét đến run người nhưng lòng vẫn cảm tháy ấm áp, dễ chịu. Tôi nhớ mãi những ngày giáp Tết ở quê, không khí thật náo nhiệt, vồn vã. Bắt đầu từ buổi sáng khi các ngả đường còn lờ mờ dưới làn sương sớm, những người bán hàng hồ hởi mang theo quang gánh, xe đạp, xe máy chở đầy rau, trái cây ra chợ bán. Khác với thường lệ, mấy ngày này, người mua đông mà người bán cũng nhiều. Ở mé dọc cổng vào chợ, men theo con đường lớn phía trước, người ta bày cả những tấm nilon, bao bố, đặt lên đó nào là bông cải, súp lơ, cà rốt, chuối… Đi sâu vào bên trong, theo từng lối nhỏ sẽ là hàng hoa, hàng câu đối và dăm ba cái chòi bày sẵn thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá… Tiếng người cười rôm rả, tiếng ai đó chào mời khách lẫn trong tiếng nhạc từ dàn máy chơi lô-tô nghe ồn ào, náo nhiệt.

Ấm lòng với Tết quê - 1

Những ngày giáp Tết ở quê, không khí thật náo nhiệt, vồn vã.

Trong khi người lớn đảo qua đảo lại mấy chỗ bán thực phẩm để mua đồ về nấu ăn thì lũ trẻ con chúng tôi thích xúm xít bên gian hàng chơi lô tô bốc thăm trúng thưởng. Một anh trạc ngoài 30 mang theo những con số được ghi sẵn trên tờ cạc tông, chìa cho từng đứa. Sau mỗi vòng quay đều đặn, chiếc kim chỉ vào một con số bất kỳ, ai nắm trong tay con số đó sẽ là người thắng cuộc. Qùa đôi khi là bịch bột ngọt, chai dầu ăn, gói bánh, chiếc xe bằng nhựa hạy vài ba lon nước ngọt nhưng cũng đủ làm lũ trẻ vui sướng.

Thường thì vào ngày 27, 28 Tết, là lúc phiên chợ quê vào độ nhộn nhịp, tấp nập nhất. Vào những ngày này, mẹ thường gọi chị em tôi dậy sớm hơn thường lệ, chuẩn bị quần áo ấm rồi cùng mẹ ra chợ. Mẹ bảo, Tết ở quê mà không được ra ngắm chợ thì buồn lắm. Dù rằng, những ngày này người đi chợ nườm nượp, đông như đi trẩy hội, nếu chen lấn không được đôi khi còn té hay bị giẫm lên cả chân. Ngày còn học cấp 1, cấp 2, tôi thích nhất là được đi chợ Tết với mẹ. Đơn giản vì dịp đó, mẹ dẫn tôi tới mấy sạp bán quần áo và lựa cho tôi một bộ đồ thật đẹp. Có khi là chiếc áo sơ mi màu trắng kèm cái quần màu xanh da trời cũng có khi là một bộ đồ hoa hòe, hoa sói thật “lòe loẹt”. Không riêng gì tôi, mà hình như trẻ con thời ấy đều thích được như thế.

Rồi lên cấp 3, tôi không còn lẽo đẽo theo mẹ nữa, tôi đi chợ Tết cùng vài người bạn. Tôi cũng mất đi cái thú chạy vòng quanh cái bàn chơi lô tô để chờ nhận được quà. Tôi “chuyển hướng” lê la qua mấy cửa hàng bán hoa, mua một vài loại hoa ưa thích, mang về tự tay cắm để chưng trong dịp Tết. Lớn lên tí nữa, tôi đi học đại học rồi đi làm xa nhà, những dịp Tết trở về trong vội vã, có khi vào nhà đúng vào chiều 30. Những lúc như thế chỉ kịp trút bỏ bộ đồ, vào phụ mẹ làm mâm cỗ tất niên xong cũng là lúc giao thừa tới. Mâm cỗ cuối năm thật thịnh soạn và đầy đủ, có thịt rim, gà luộc lá chanh, bánh chưng, bánh tét, dưa muối…

Ngày trước, mỗi lần đến Tết, ít khi mẹ mua thịt heo làm sẵn ở ngoài chợ, phần lớn là “đụng” thịt làm chung với cô, dì, chú bác trong xóm. Có khi bố mẹ bắt heo nhà ra làm cũng có khi vài gia đình góp tiền mua một con thật lớn, về làm thịt rồi chia cho mỗi nhà một ít. Những ngày này, nhà ai mổ heo thì rộn ràng, đông vui phải biết. Những người đàn ông trụ cột như bố thì tất bật với việc mổ heo. Mẹ thì sắp đặt mớ nếp, đậu, dưa giá sao cho vừa đủ. Còn chị em tôi thì phụ việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa.

Có thịt heo rồi bố lại xắn tay vào đùm bánh. Ở quê tôi, Tết phải có cả bánh chưng lẫn bánh tét. Bánh chưng được xếp thành từng cặp, đặt lên bàn thờ để cúng ông bà, tổ tiên còn bánh tét thì dọn mời khi có khách tới chơi nhà. Năm nào bố cũng gói cả chục cặp bánh chưng kèm với vài ba cặp bánh tét. Gần một nửa trong số đó, bố mang biếu cậu cả để cúng ông bà bên ngoại.

Ấm lòng với Tết quê - 2

Bố để nếp đều lên mặt lá dong, cho một ít đậu xanh, thịt heo xắt lát, hành củ vào, phủ kín bằng một lớp nếp nữa trước khi cuộn lá lại.

Khác với Sài Gòn, bánh tét quê tôi không có thêm nhân ngọt như nhân chuối, nhân dừa, nhân lạp xưởng, mà bánh chỉ có nhân mặn, được làm từ đậu xanh, hành tím, thịt pha mỡ, khi ăn vị mằn mặn, beo béo, đậm đà. Mỗi lần bố bày biện nếp, đậu để gói bánh là chị em tôi xúm xít ngồi bên “học mót”. Bàn tay bố trở nên đen nhẽm, thô ráp, chai sạn khi vục vào từng chén nếp trắng ngần. Bố để nếp đều lên mặt lá dong, cho một ít đậu xanh, thịt heo xắt lát, hành củ vào, phủ kín bằng một lớp nếp nữa trước khi cuộn lá lại. Ở quê tôi, dù là bánh chưng hay bánh tét, người ta cũng gói bằng lá dong. Bởi lá dong khi làm bánh thường để lại màu xanh rất đẹp mắt và mùi thơm nhẹ dễ chịu. Lá dong vào dịp Tết không thiếu, nhà nào cũng trồng sẵn vài khóm nho nhỏ bên giếng nước. Nhờ đất ẩm ướt nên lá dong càng sậm màu. Những phiến lá đôi khi còn lớn hơn hai bàn tay người lớn ghép lại.

Năm nào tháng chạp có ngày 30 thì chiều 29 cả nhà lại rục rịch gói bánh để tối còn kịp nấu. Giữa cái rét gần 10 độ C, vậy mà bố mẹ, con cái vẫn vui vẻ quây quần bên bếp củi rực lửa, canh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Nhờ có nồi bánh mà những ngày Tết dù lạnh run người nhưng ai cũng thấy háo hức, chờ đợi. Khi nồi bánh chưng, bánh tét đã chín, bố vớt ra để thật nguội. Chị em tôi sẽ lấy mỗi người một cái mâm, cho bánh lên và đè nhẹ tay ở các góc cho bánh ra nước. Công đoạn này người ta thường gọi là “ép” bánh. Dù đã để ngoài trời gần cả tiếng đồng hồ nhưng ép không khéo, hơi nóng vẫn dễ làm đôi tay đỏ bừng. Nhờ hơi nóng ấy mà tôi ngửi được mùi thơm của lúa nếp, của đậu xanh hòa trong từng miếng thịt pha tươm mỡ, béo ngậy...

Cuối ngày 30, khi mọi thứ đã được chuẩn bị đâu vào đấy, cả nhà sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng nồi nước mùi mẹ vừa mới nấu xong còn thoang thoảng mùi thơm. Mãi sau này tôi mới hiểu, nồi nước mùi ấy không đơn giản chỉ là nồi nước tắm cho ấm mà nó còn hàm chứa cả ý nghĩa tâm linh, niềm mong ước. Mẹ nói, những ai mà tắm nước mùi vào cuối năm sẽ gột bỏ hết được những xui xẻo, muộn phiền trong năm cũ để bắt đầu những niềm vui, hạnh phúc trong năm mới. Đó là thói quen và cũng là tập tục văn hóa từ bao đời nay của người dân quê tôi. Trong cái rét buốt người, có mùi thơm nhè nhẹ, thoang thoảng ấy, tôi lại thấy tâm hồn mình trở nên dễ chịu và bình yên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Giang (Món ngon Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN