Vì sao xe buýt nhanh Hà Nội thành “xe buýt chậm”?

Sự kiện: Tin ngắn

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội mô hình xe buýt nhanh của thành phố chỉ có thể gọi là “xe buýt ưu tiên”.

Vì sao xe buýt nhanh Hà Nội thành “xe buýt chậm”? - 1

Sau hơn 1 năm chậm tiến độ, nhiều nhà chờ xe buýt nhanh thí điểm đầu tiên Kim Mã-Yên Nghĩa đã xuống cấp, hư hỏng (ảnh: Hồng Phú) 

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu khai thác vào quý II/2015. Xe buýt nhanh (BRT) được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô Hà Nội, tuy nhiên tuyến xe buýt này đã chậm tiến độ hơn 1 năm nay.

Chiều 29.11, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trả lời các câu liên quan đến việc chậm tiến độ tuyến xe buýt nhanh BRT.

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, để chuẩn bị đưa tuyến xe buýt nhanh BRT đi vào hoạt động, Tổng Công ty đã thành lập Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác theo yêu cầu của UBND TP.

Hiện nay, Tổng Công ty đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh BRT.

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho hay, Sở đang xin ý kiến thành phố để ngày 15.12 sẽ vận hành thử tuyến buýt nhanh này.

“Mặc dù tên gọi là tuyến buýt nhanh, nhưng mô hình của Hà Nội đang làm chưa thể gọi theo tên này mà chỉ có thể gọi là xe buýt ưu tiên vì chưa có làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức vận hành tuyến xe này với tần suất 5 phút/tuyến, từ Kim Mã đến Yên Nghĩa 40-45 phút (khoảng 14 km).

Để đạt được tốc độ và tần suất trên, Sở GTVT Hà Nội đã đưa ra 3 giải pháp ưu tiên cho xe bus này hoạt động gồm: Có đèn tín hiệu giao thông ưu tiên khi qua nút giao; ở một số tuyến có đường ra vào, sẽ bịt lại để ưu tiên hoàn toàn cho xe buýt nhanh; hạn chế bớt xe ô tô và đặc biệt là taxi, ô tô không cần thiết đi vào tuyến này.

“Chúng ta có mục tiêu để xe buýt đi nhanh, về nguyên tắc, các phương tiện có xe buýt nhanh vào thì phải đi ra chỗ khác. Người tham gia giao thông phải có ý nhường cho xe buýt, đây là cuộc chiến gay go phức tạp, nhưng chúng ta sẽ phải làm.

Chúng tôi đề xuất năm tới phải làm đường ưu tiên cho tất cả các loại xe buýt, khi đó sẽ đi nhanh hơn xe máy. Ưu tiên xe buýt là quan điểm duy nhất, huy động tối đa lực lượng để giải quyết, điều hành giao thông. Nếu trục này đi xe buýt nhanh thì người ta sẽ chuyển làn đi đường khác và sẽ ùn tắc nhưng vẫn phải làm”, ông Quang nói.

Tuyến buýt nhanh Kim Mã- Yên Nghĩa là tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội, xe chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã có độ dài 14 km, dự kiến xe sẽ chạy hết 30 phút/1 lượt, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN