“Siết” người ngoại tỉnh thi công chức: “Lạm phát” tiến sĩ?

“Nếu Hà Nội lấy điều kiện bằng cấp để thi tuyển công chức sẽ gây hiệu ứng ngược, người người làm tiến sĩ, nhà nhà làm tiến sĩ”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang bày tỏ.

Hà Nội vừa đưa quy định thi tuyển công chức đối với người “không có hộ khẩu Hà Nội” gây chú ý dư luận. Người ngoại tỉnh muốn thi công chức phải có ít nhất một trong các điều kiện như: Tiến sĩ tuổi đời dưới 35; thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài...

“Siết” người ngoại tỉnh thi công chức: “Lạm phát” tiến sĩ? - 1

Hà Nội vừa đưa quy định thi tuyển công chức đối với người “không có hộ khẩu Hà Nội” gây chú ý dư luận (Ảnh minh họa: Tiền Phong)

 

Tiến sĩ chỉ cần cho giảng dạy

Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tiêu chí thi tuyển công chức của Hà Nội không phải dở nhưng chưa khoa học.

Ông lý giải, Hà Nội là thành phố đầu não, trung tâm hành chính của đất nước do đó, công chức của Thủ đô phải tinh chọn sao cho đúng về nguyên tắc.

Tuy nhiên, nếu dựa vào tiêu chí hình thức để chọn người thì hơi nguy hiểm bởi người cầm bằng đại học xuất sắc chỉ là "chứng minh thư" vào cửa, còn năng lực mới quan trọng.

“Không phải ai cầm bằng giỏi, xuất sắc mà đã giỏi, hay thích ứng”, GS.TSKH. Vũ Minh Giang nói.

Theo ông, hiện nay có nhiều tiến sĩ trôi nổi, đua chen làm bằng cấp, trong khi xã hội chưa chắc đã cần.

“Siết” người ngoại tỉnh thi công chức: “Lạm phát” tiến sĩ? - 2

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội

 

“Nếu Hà Nội chọn đầu vào có bằng cấp thì đó là cách sàng tuyển. Tuy vậy, chỉ lấy tiêu chí này sẽ gây “hiệu ứng ngược”. Lúc này, xã hội sẽ có người người làm tiến sĩ, nhà nhà làm tiến sĩ, và dẫn đến lạm phát tiến sĩ”, GS.TSKH Vũ Minh Giang lo ngại.

GS Vũ Minh Giang chia sẻ, theo kinh nghiệm của ông, không phải công việc nào cũng cần đến trình độ tiến sĩ khoa học, nhất là có thời kỳ chúng ta đề bạt dựa vào bằng cấp - một tiêu chí hình thức, không có, không đề bạt.

“Tiến sĩ là cần cho chỗ giảng dạy, nghiên cứu chứ không phải cơ quan hành chính ở Hà Nội”, ông Giang nói.

Ông Giang cho rằng, công tác tổ chức của cơ quan hành chính vốn phức tạp và khó khăn hơn đào tạo, nhưng vẫn dựa quá nhiều vào tiêu chí hình thức thì chưa chắc đã phát triển.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Huy Dũng – Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long cũng cho rằng, nếu Hà Nội chỉ dựa vào bằng cấp và trường công để thi tuyển công chức là nơi chưa biết tuyển dụng.

“Chỉ dựa vào bằng cấp và tên tuổi mà không biết thực hư thế nào là tuyển lựa tệ, không mở cơ hội cho người lao động thể hiện tài năng”, GS.TS Phạm Huy Dũng nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thăng Long cũng cho biết, điều kiện thi tuyển công chức ở Hà Nội khác nào tiếp tay cho bằng giả, mở cửa cho những người có bằng rởm, học giả.

“Quy định này quá nặng về bằng cấp, trong khi bằng cấp của ta không nói được gì. Cứ dựa vào quy định chuẩn bằng cấp đối với đội ngũ cán bộ nên nhiều người được học tập nhưng mở ra tiêu cực. Cứ theo đà này, thạc sĩ, tiến sĩ tại Việt Nam rất đại trà, dễ dãi”, GS.TS. Phạm Huy Dũng bày tỏ.

Người ngoại tỉnh bị tước cơ hội

Theo PGS.TS. Vũ Như Cương, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô, quy định thi tuyển công chức của Hà Nội là quyền của địa phương, được pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, để tuyển người giỏi như điều kiện Hà Nội đưa ra chưa khoa học, chưa đủ và vẫn mang nặng tính hành chính.

“Siết” người ngoại tỉnh thi công chức: “Lạm phát” tiến sĩ? - 3

Chen chúc nộp hồ sơ thi tại Cục Thuế (Ảnh: Khám phá)

 

“Địa phương nào muốn xây dựng phải có chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, thu hút nhân tài chỉ quy định người ở địa phương thì rất hạn chế, trong khi nhân tài là trên toàn quốc”, PGS.TS. Vũ Như Cương bày tỏ.

Trong khi đó, GS.TSKH. Vũ Minh Giang cho rằng, Hà Nội lý giải siết người ngoại tỉnh thi tuyển công chức để siết nhập cư chưa chắc đã đạt đươc mục tiêu.

“Siết người ngoại tỉnh thi công chức chưa chắc đạt được mục tiêu vì tiến sĩ cũng nhiều, lạm phát tiến sĩ thì Thủ đô vẫn đông đấy”, GS. Giang chia sẻ.

GS.TS Phạm Huy Dũng cũng cho rằng, Hà Nội đưa ra điều kiện thi tuyển công chức để siết chặt người nhập cư, ngoại tỉnh là không công bằng. Bởi ngoại tỉnh cũng có rất nhiều giỏi. Nếu quy định như vậy là không mở cơ hội cho ngoại tỉnh phát triển, đóng cửa cơ hội của người ngoại tỉnh.

“Quy định này khác nào chỉ cần bằng cấp, người Hà Nội sẽ được thi công chức tại Thủ đô”, GS.TS Phạm Huy Dũng kết luận.

Lãnh đạo các trường đại học cũng cho rằng, để tuyển một người có đủ năng lực thì họ rất coi trọng thành tích đã đạt. Ngoài ra, còn dựa vào năng lực thực tiễn. Tiêu chí để đánh giá một nhân lực tốt là lựa chọn theo chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN