Ra công điện khẩn ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Sự kiện: Thời sự

Mưa lớn xảy ra trên diện rộng có thể gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, Thanh Hóa – Nghệ An.

Ra công điện khẩn ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất - 1

Đường lên Lào Cai bị phủ kín đất đá sau mưa lũ lịch sử ngày 5/8.

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và só 2, một số nơi ở nước ta như Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Lai Châu… đã xảy ra mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương.

Theo tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ chiều tối nay (10/8), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có có mưa lớn trên diện rộng kèm theo gió giật mạnh với tổng lượng mưa cả đợt (10-14/8) phổ biến 100-200mm, cớ nơi trên 200mm.

Trong khi trước đó, nhiều vùng đất đã bão hòa nước sau cơn bão số 1 và số 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang…

Để chủ động đối phó với mưa lũ, sạt lở đất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai Quốc Gia - Nguyễn Xuân Cường đã ra công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban ngành chủ động ứng phó các tình huống bất thường có thể xảy ra.

Theo đó, các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cần chủ động thông tin kịp thời, cảnh báo đến các thôn, bản ở vùng sâu vùng xa chủ động đối phó với lũ quét, sạt lở đất.

Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức kiểm tra các phương tiện trên sông, bố trí người canh gác, hướng dân người dân qua lại an toàn.

Chủ động bố trí phương tiện cứu hộ cứu nạn, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm 4 tại chỗ ở các khu vực xung yếu, dễ bị chia cắt. Kiểm tra các hồ, đập, vận hành cửa van, nhất là các hồ đã chứa đầy nước để đảm bảo an toàn cho công trình và khu vực hạ du đập.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tăng cường công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để cung cấp thông tin đến các cơ quan liên quan phục vụ công tác chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Bộ Công thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn cắt lũ trên lưu vực sông Hồng, đảm bảo an toàn cho các khu vực hầm mỏ, bãi thải khoáng sản.

Các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét đến chính quyền và người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN