Phát hiện nguyên tố hóa học "siêu nặng" mới

Các nhà khoa học Thụy Điển vừa tạo ra một nguyên tố hóa học mới siêu nặng với 115 proton nhưng vẫn chưa đặt được tên cho nguyên tố này.

Các nhà khoa học Thụy Điển tuyên bố họ vừa xác nhận được sự tồn tại của một nguyên tố hóa học siêu nặng mới từng được các nhà khoa học Nga đề xuất vào năm 2004. Tuy nhiên nguyên tố có 115 proton này vẫn chưa được đặt tên.

Trong thông cáo báo chí của mình, Đại học Lund ở Thụy Điển cho biết một nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà vật lý ở trường đại học này dẫn đầu đã tạo ra nguyên tố này bằng cách bắn một chùm canxi có 20 proton vào một tấm phim ameridi mỏng có 95 proton.

Phát hiện nguyên tố hóa học "siêu nặng" mới - 1

Nguyên tố mới được các nhà khoa học Thụy Điển tạo ra

Chưa đầy một giây sau, nguyên tố mới có 115 proton ra đời. Nguyên tố mới hình thành này nhanh chóng biến mất trong một ánh chớp bức xạ mà các nhà khoa học có thể đo đếm được.

Ánh chớp hay “dấu ấn” này xác nhận sự tồn tại của một nguyên tố có 115 proton ở nhân, điều này sẽ đặt nguyên tố này vào ô số 115 trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Về lý thuyết, nguyên tử có càng nhiều proton thì nó càng nặng. Với 115 proton, nguyên tử mới này xứng đáng với danh hiệu “nguyên tử siêu nặng”. Kim loại nặng nhất là chì chỉ có 82 proton, còn vàng có 79 proton.

Hiện nguyên tố tồn tại trong tự nhiên nặng nhất trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là Urani với 92 proton.

Phát hiện nguyên tố hóa học "siêu nặng" mới - 2

Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học sẽ có thêm nguyên tố mới?

Đại học Lund cho biết: “Một ủy ban gồm các các nhà vật lý và hóa học ứng dụng sẽ xem xét phát hiện mới này để quyết định xem liệu có cần phải tiến hành thêm các thí nghiệm trước khi thừa nhận sự ra đời của nguyên tố mới này hay không.”

Các nhà khoa học hy vọng rằng với việc tạo ra các nguyên tố ngày càng nặng hơn, họ sẽ tìm ra “đảo nguyên tố bền” – một khu vực vẫn chưa được khám phá trên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học nơi có thể tồn tại các nguyên tố siêu nặng bền vững với những tính năng tác dụng mà chúng ta chưa thể tưởng tượng ra.

Cho đến nay, nguyên tố này vẫn được tạm đặt tên là “ununpentium”, thuật ngữ được sử dụng để chỉ vị trí thứ 115 của nguyên tố này trong bảng tuần hoàn hóa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Scientific Computing) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN