“Người đồng tính chỉ còn trông chờ vào Quốc hội”

Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng, người đồng tính luôn than phiền gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu, chỉ còn trông chờ vào Quốc hội.

“Gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu”

Buổi thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình ngày 26/11, ĐB Thích Thanh Quyết  đề nghị công nhận hôn nhân đồng giới.

Theo Đại biểu, việc quy định không cấm mà cũng không cộng nhân hôn nhận đồng giới là vấn đề rất lửng lơ.

“Tôi thấy họ là những người vô tội, vì cơ địa trời đất sinh ra họ là như thế chứ họ không muốn thế. Họ luôn than phiền gia đình không hiểu, xã hội chưa hiểu, chỉ còn trông chờ vào Quốc hội”.

Đại biểu này đề nghị Quốc hội nên công nhận vì nó phù hợp với hiện tại và thể hiện tính nhân văn quảng đại. Góp phần giảm sự kỳ thị đối với nhóm người này, đồng thời có cơ sở pháp lý để quản lý và giải quyết các hậu quả.

“Người đồng tính chỉ còn trông chờ vào Quốc hội” - 1

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP Hồ Chí Minh). Nguồn ảnh: VPQH

Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phải có lòng tôn trọng, quan tâm lẫn nhau giữa những con người khác giới tính, cùng giới tính, người vô tính, người chuyển giới...

Đại biểu này nói: “Tôn trọng nhau mới có niềm tin lẫn nhau, góp phần chủ động bồi dưỡng nhân cách tâm hồn cho mỗi con người và toàn xã hội”.

“Người đồng tính đều là con người. Tuy xu hướng tính dục có khác nhau, nhưng có một điều ai cũng giống nhau là cần được yêu thương, chăm sóc, được tin tưởng, tôn trọng có tình yêu thương”.

Theo Đại biểu, sự đồng cảm, đồng thuận giữa con người với nhau sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết, tiến tới sự bình đẳng thực chất, khơi gợi các giá trị đạo đức nhân văn trong mỗi con người...

Cần có lộ trình phù hợp

Tại buổi thảo luận, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, vấn đề đồng giới tính sống với nhau, coi nhau như vợ chồng đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Cộng đồng người đồng giới tính dưới nhiều hình thức khác nhau cũng đã thể hiện sự mong muốn được nhà nước công nhận và công nhận quyền được sống theo dạng giới và khuynh hướng tính dục của mình.

Theo Đại biểu, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Việc thừa nhận hôn nhân đồng giới cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình và những bước đi phù hợp.

“Người đồng tính chỉ còn trông chờ vào Quốc hội” - 2

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nguồn ảnh: VPQH

“Cho nên trong điều kiện nước ta, nhà nước quy định không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính nhưng cũng không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới và khuynh hướng tính dục của họ. Quy định như vậy theo tôi là phù hợp”, ĐB Tuyết nói.

Đại biểu này giải thích thêm, kinh nghiệm trên thế giới, hiện nay có 16 quốc gia công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Đa số các quốc gia không cấm việc kết hôn những người cùng giới tính nhưng cũng không thừa nhận hôn nhân của họ.

“Đối với những nước thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính thì họ cũng có những lộ trình và có những bước đi thích hợp”, ĐB nói.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đồng ý bỏ quy định: Cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời khẳng định: Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Nhưng có quy định giải quyết hậu quả của cuộc sống chung của người cùng giới tính.

Bà cho rằng, đây là lộ trình phù hợp trước khi thừa nhận người đồng tính có quyền kết hôn ở Việt Nam.

Theo bà, hầu hết các quốc gia thừa nhận hôn nhân đồng giới đều có quy định quá độ trong luật. Từ việc thừa nhận quyền của người đồng giới và việc chung sống như vợ chồng của người đồng giới rồi mới có quy định về thừa nhận hôn nhân đồng giới. Ví dụ như Đan Mạch có lộ trình 22 năm.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đây là một trong những vấn đề mới.

Bà nói: “Nếu bỏ việc cấm thì quy định như thế nào vừa bảo đảm tính nhân văn, quyền con người nhưng phải đảm bảo với thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt ta”.

“Như vậy là các vị đại biểu Quốc hội đều góp ý kiến là nên cân nhắc thận trọng, nên ghi trong dự thảo hay là vẫn giữ nguyên như luật hiện hành. Nội dung này sẽ tiếp tục nghiên cứu, kể cả nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phong tục tập quán”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN