Chuyên gia giải mã “quái ngư” ở Hồ Tây

Mới đây, một cần thủ bất ngờ câu được “quái ngư” ở Hồ Tây (Hà Nội), nặng 3kg. Cá lạ màu trắng, đầu giống cá heo.

Ngày 26.9, anh Trần Lĩnh Huế (28 tuổi), ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, đi tập thể dục ở ven Hồ Tây thì thấy thợ câu câu được một con cá toàn thân màu trắng, mõm dày. Thấy cá lạ, anh Huế đã bỏ ra 500.000 đồng mua con cá. Ngay sau đó, nhiều người dân tò mò, đồn đoán về con cá lạ.

Trao đổi với phóng viên ngày 29.9, Giáo sư Mai Đình Yên - nguyên Chủ nhiệm khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia chuyên nghiên cứu về cá - cho hay, cá lạ màu trắng, mõm dày người dân câu được ở Hồ Tây có tên khoa học Osphronemus goramy. Tên tiếng Việt là cá tai tượng.

Chuyên gia giải mã “quái ngư” ở Hồ Tây - 1

Giáo sư Mai Đình Yên, chuyên gia nghiên cứu về cá cho hay, “quái ngư” thợ câu câu được ở Hồ Tây chính là cá tai tượng

Cá tai tượng sống ở vùng nước lặng, nhiều cây thuỷ sinh. Tại Việt Nam cá tai tượng thường sống ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; sông Đồng Nai. Cá tai tượng sống ở mọi tầng nước, có khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Cá tai tượng ăn các loài thực vật, động vật nhỏ, bùn bã hữu cơ. Cá có trọng lượng từ 2-5kg. Hằng năm, cá làm tổ và đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 5.

“Ở khu vực Nam Bộ, người dân thường mua cá tai tượng về chế biến thành món chiên, rán, kho... Cá tai tượng được bán khá nhiều trên thị trường, với giá vài chục nghìn đồng/1kg. Cá tai tượng không hiếm”, Giáo sư Yên chia sẻ.

Chuyên gia giải mã “quái ngư” ở Hồ Tây - 2

Cá tai tượng toàn thân màu trắng, mõm dày giống cá heo

Giáo sư Yên cho hay, cá tai tượng nhìn lạ mắt, đẹp, do vậy, hiện nay nhiều người dân đã mua cá tai tượng về thả vào bể làm cảnh. Trải qua quá trình lai tạo, nhân giống, cá tai tượng có nhiều màu sắc khác khau.

Theo Giáo sư Yên, cá tai tượng thợ câu câu được ở Hồ Tây cũng có thể là một sản phẩm của quá trình lai tạo, nhân giống. Vì vậy, con cá mới có màu trắng, mõm giống cá heo.

“Tôi thấy ở gần Hồ Tây có một làng chuyên nuôi các loại cá cảnh, cung cấp, bán ra thị trường. Do vậy, rất có thể, người dân đã tự thả giống cá này ra Hồ Tây hoặc người chơi loại cá tai tượng không thích nên mang ra hồ thả”, Giáo sư Yên lý giải vì sao cá tai tượng lại có ở Hồ Tây.

Sau khi mua về thả vào bể, cá tai tượng liên tục cắn những con cá khác ở trong bể. Vì sợ những con cá khác bị thương nên ngày 28.9, anh Huế đã mang cá tai tượng thả lại Hồ Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN