Chu Vĩnh Khang làm gì trước khi bị bắt?

Ngay từ năm ngoái, nhiều tín hiệu cho thấy Chu Vĩnh Khang đã rơi vào tầm ngắm.

Ngày 30/3, Reuters dẫn lời 2 nguồn tin giấu tên cho biết nhà chức trách Trung Quốc đã tịch thu toàn bộ tài sản trị giá tới 90 tỉ tệ (14,5 tỉ USD) của gia tộc Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, đồng thời bắt giữ, thẩm vấn hơn 300 họ hàng, đồng minh, tay chân và nhân viên của cựu “trùm an ninh” khét tiếng này.

Giá trị của số tài sản bị tịch thu và quy mô số nghi phạm xung quanh Chu Vĩnh Khang bị bắt giữ, thẩm vấn trong cuộc điều tra này dường như chứng tỏ rằng chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu động tới cấp cao nhất.

Chu Vĩnh Khang làm gì trước khi bị bắt? - 1

Chu Vĩnh Khang lúc còn đương chức

Các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ về những ngày tháng tự do cuối cùng của vị cựu trùm an ninh này trước khi ông bị các điều tra viên đưa ra khỏi nhà từ hồi tháng 12 năm ngoái.

Theo tạp chí Yazhou Zhoukan của Hong Kong, Chu Vĩnh Khang đã bị giam lỏng tại nhà từ hồi năm ngoái và đã bị tước bỏ mọi đặc quyền đặc lợi.

Tạp chí này cho biết ông Chu đã bị rơi vào tầm ngắm của các điều tra viên ngay từ trước khi xuất hiện trước công chúng lần cuối cùng vào ngày 1/10 tại một buổi họp mặt cựu sinh viên do Đại học Dầu khí Bắc Kinh tổ chức.

Theo tạp chí Yazhou Zhoukan, những lo lắng thực sự của Chu Vĩnh Khang bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, khi ông nhận được thông tin thư mời tới dự hội nghị lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Đới Hà bị hủy bỏ. Cũng giống như nhiều thành viên Bộ Chính trị đã nghỉ hưu khác, Chu Vĩnh Khang cũng có một căn hộ nghỉ dưỡng ở thành phố ven biển này. Ngôi nhà nghỉ dưỡng của ông ở Bắc Đới Hà được cho là nằm rất gần nhà của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Tạp chí Yazhou Zhoukan cho biết sau khi biết tin này, Chu Vĩnh Khang đã bắt đầu hoảng sợ và tìm cách liên lạc với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân nhưng không thành công vì ông Giang cố tình không nghe điện thoại của Chu.

Đến tháng 9 năm ngoái, Chu Vĩnh Khang đã nhận được một cuộc gọi từ ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng đồng thời là người bạn học Wu Yi để hỏi về việc ông có dự buổi họp mặt tại trường hay không. Cảm nhận được rằng mình đang bị điều tra, Chu Vĩnh Khang đã đích thân gọi điện cho Chủ tịch Tập Cận Bình và nhận được câu trả lời lạnh nhạt: “Ông cứ tự quyết định đi.”

Cuộc gọi này đã khiến Chu nghĩ rằng có thể mình không gặp quá nhiều rắc rối như vẫn tưởng, và ông đã quyết định đến tham dự sự kiện này. Tuy nhiên kể từ đó Chu Vĩnh Khang không còn thấy xuất hiện trước công chúng nữa.

Yazhou Zhoukan cũng xác nhận thông tin rằng Li Zhanshu, Chánh Văn phòng Trung ương đảng đã tới nhà Chu Vĩnh Khang vào hôm 1/12 năm ngoái. Một số thông tin cho biết trong chuyến thăm này, ông Li đã thông báo với Chu Vĩnh Khang rằng ông ta sẽ bị giám sát 24/24, tuy nhiên tờ Yazhou Zhoukan lại nói rằng Chu đã bị Li và các điều tra viên áp giải ra khỏi nhà.

Đến lúc này, cơ quan điều tra chống tham nhũng Trung Quốc đã sẵn sàng tuyên bố các tội trạng tham nhũng của Chu Vĩnh Khang, tuy nhiên Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định hoãn thời gian công bố sau khi được tin người chú Jang Song-taek của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bị xử tử.

Chu Vĩnh Khang làm gì trước khi bị bắt? - 2

Chu Vĩnh Khang là một người ủng hộ nhiệt thành Bạc Hy Lai

Lý do của việc hoãn công bố thông tin bắt giữ Chu Vĩnh Khang là vì Tập Cận Bình lo ngại rằng việc hạ bệ Chu Vĩnh Khang vào thời điểm nhạy cảm đó sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến động cơ chính trị đằng sau vụ bắt giữ.

Tuy nhiên, số phận của Chu cũng đã được định đoạt ngay sau đó, và câu hỏi duy nhất bây giờ là khi nào cáo trạng chính thức sẽ được đưa ra. Nhiều tay chân tòng phạm của Chu đã bị cơ quan điều tra bắt giữ trong năm vừa qua, trong đó có Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, Phó Thị trưởng Hải Nam Lương Học An cùng nhiều quan chức cấp cao khác.

Các con trai và con dâu của Chu Vĩnh Khang cũng bị điều tra về tội tham nhũng, và báo chí Trung Quốc cũng đã rầm rộ đưa tin về việc khối tài sản khổng lồ của gia tộc họ Chu bị tịch thu.

Ông Vương Kỳ Sơn, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được cho là đã tuyên bố với bạn bè rằng chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký lệnh điều tra toàn bộ tay chân thân tín của Chu Vĩnh Khang.

Dấu hiệu rõ ràng nhất về sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang xảy ra vào đầu tháng Ba, khi người phát ngôn Chính hiệp Trung Quốc từ chối xác nhận việc ông Chu bị điều tra nhưng lại đưa ra một lời ám chỉ: “Việc chúng tôi điều tra và trừng phạt nghiêm khắc các đảng viên và cán bộ, kể cả các quan chức cấp cao, chứng tỏ chúng tôi không nói suông. Tôi chỉ có thể nói được như thế thôi. Các bạn biết ý tôi là gì rồi.”

Trong này hôm sau, khi được đề nghị giải thích rõ hơn, người này chỉ nói một cách đơn giản: “Nếu các bạn không hiểu được ý của tôi thì tôi cũng không thể giúp được gì.”

Một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết ông Chu đã từ chối hợp tác với các điều tra viên và khăng khăng cho rằng ông ta là nạn nhân của một vụ đấu đá quyền lực. Nguồn tin này cho biết: “Chu Vĩnh Khang rất cứng rắn và cho rằng đây là một vụ đấu đá chính trị.”

Từ năm 2007 đến 2012, Chu Vĩnh Khang là ủy viên thường trực Bộ Chính trị, một địa vị vốn được ngầm hiểu là sự cho phép ông ta được hưởng quyền miễn trừ truy tố. Chu cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Chính trị và Lập pháp Trung ương, cơ quan phụ trách toàn bộ lực lượng an ninh và hành pháp của Trung Quốc.

Trước khi trở thành ủy viên thường trực Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang là một quan chức trong ngành dầu khí. Sau khi Chu vào được Bộ Chính trị và được giao phụ trách lĩnh vực an ninh nội địa, có những lúc ngân sách dành cho công tác an ninh của Trung Quốc còn vượt xa cả ngân sách quốc phòng.

Hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc đã đóng băng các tài khoản trị giá 37 tỉ tệ của Chu Vĩnh Khang, tịch thu các cổ phiếu, chứng khoán trong và ngoài nước với tổng giá trị lên tới 51 tỉ tệ sau khi khám nhà ông này ở Bắc Kinh, Thượng Hải và 5 tỉnh thành khác.

Cơ quan điều tra cũng đã tịch thu khoảng 300 căn hộ và biệt thự trị giá khoảng 1,7 tỉ tệ, nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại và cổ đại có giá trị khoảng 1 tỉ tệ và hơn 60 xe ô tô. Các món đồ quý giá khác cũng bị tịch thu bao gồm rượu quý, vàng, bạc và tiền mặt.

Các nguồn tin này cho hay các tài sản bị tịch thu này được họ hàng, tay chân thân tín của Chu đứng tên sở hữu, còn bản thân Chu Vĩnh Khang không trực tiếp đăng ký sở hữu chúng.

Tuy nhiên đến nay chính phủ Trung Quốc vẫn chưa ra bất cứ thông báo chính thức nào về số phận của Chu Vĩnh Khang hay cáo trạng đối với ông này, và báo chí hiện vẫn chưa thể liên lạc được với ông Chu hay người nhà ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters, China Times) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN