Ám ảnh "Làng ung thư": Trả giá vì ô nhiễm

Nhà máy, xí nghiệp về làng đã góp phần giúp đời sống nhân dân được cải thiện nhưng theo đó, số người bệnh và người chết vì ung thư cũng ngày một tăng lên.

Xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư - Ninh Bình là làng nghề đá mỹ nghệ 400 năm tuổi. Trong xã hiện có khoảng 60 doanh nghiệp lớn, nhỏ và gần 600 hộ dân làm nghề khai thác và chế tác đá mỹ nghệ, thu hút khoảng 2.000 lao động. Tại đây, tiếng khoan, cắt, mài đá đinh tai, nhức óc suốt ngày.

“Cấp trên” nói không sao, dân vẫn chết

Người Ninh Vân dầm mình trong khói, bụi. Bao năm nay, cùng với các nhà máy xi măng, phân bón đóng trên địa bàn, chính người Ninh Vân cũng “góp sức” đầu độc môi trường sống của mình.

Phải thừa nhận cuộc sống người dân ở đây được cải thiện nhiều nhờ nghề đá mỹ nghệ cũng như từ các nhà máy mang lại. Thế nhưng, họ đang trả giá đắt vì những hoạt động kinh tế này. Ông Nguyễn Yên Bình, trưởng trạm y tế xã, cho biết: “Dân Ninh Vân giàu nhưng không sướng. Được về kinh tế nhưng phải chìm trong ô nhiễm”.

Ám ảnh "Làng ung thư": Trả giá vì ô nhiễm - 1

Một nhà máy xi măng ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư - Ninh Bình xả khói, bụi mịt mù

Từ năm 2004 đến 2012, Ninh Vân có 109 người chết vì ung thư. Năm 2008, tỉ lệ tử vong do ung thư chiếm đến 32,7% tổng số người chết trong xã. Tuy có giảm nhưng năm 2010, tỉ lệ này vẫn còn 31,3%. Bình quân trong 9 năm gần đây, tỉ lệ chết do ung thư ở đây lên đến 25,5%. Theo ông trưởng trạm y tế xã, một trong những nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, trong đó có nguồn nước. Các nhà máy gây ra khói bụi, xả nước thải ra sông cộng với bụi đá của làng nghề dẫn đến môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Ninh Vân đã được người dân kiến nghị lên các kỳ họp HĐND của địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tuy nhiên, các đoàn chức năng về kiểm tra đều đưa ra kết luận: Không khí ở Ninh Vân vẫn trong ngưỡng cho phép. “Cán bộ cấp trên nói vậy thì biết vậy, còn sau đó thì không hiểu thực hư thế nào nhưng quả thực, với hơn 100 người chết vì ung thư là không bình thường đâu” - ông Bình băn khoăn.

Anh Đinh Văn Mạnh, ở thôn Phú Lăng, bảo: “Làm nghề đá mỹ nghệ độc hại và dễ bị bệnh về hô hấp lắm nhưng không làm thì không có tiền. Bọn tôi làm thuê cho các ông chủ trong làng mỗi ngày được 250.000 - 300.000 đồng. Ngày thì bụi đá của làng nghề thải ra, đêm thì các nhà máy xi măng xả nước thải, bụi mù trời. Kinh lắm!”. Sau 6 năm đeo đuổi, Mạnh đang muốn bỏ nghề nhưng chẳng biết làm gì để nuôi vợ con.

Mù mờ nguyên nhân

Không khác làng đá Ninh Vân, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn - Hải Dương cũng chìm trong khói bụi bởi các nhà máy xi măng, các công trường khai thác đá phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.

Những năm gần đây, người dân ở thị trấn Minh Tân bị ung thư ngày một tăng. Tuy nhiên, từ người dân đến cán bộ xã không ai biết được vì sao lại có nhiều người ở đây chết vì ung thư. Từ năm 2004 đến nay, Minh Tân đã có 101 người chết vì căn bệnh hiểm nghèo này. Trong đó cao nhất là thôn Hạ Chiểu với 38 người, tiếp theo là thôn Tử Lạc với 33 người, thấp nhất là thôn Bích Nhôi cũng có đến 25 người. “Hằng năm, 21% số người chết do ung thư chỉ là tỉ lệ tương đối, không đầy đủ” - ông Trần Văn Thiệu, Trưởng Trạm Y tế thị trấn Minh Tân, khẳng định.

Ám ảnh "Làng ung thư": Trả giá vì ô nhiễm - 2

Thợ đá mỹ nghệ phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại

Từ thực trạng này, ông Thiệu cho biết: “Số người địa phương chết vì ung thư luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các nguyên nhân tử vong, cao hơn cả chết vì tai nạn giao thông”. Về nguyên nhân gây ung thư, ông Thiệu nói: “Đang chờ các nhà khoa học ở Trung ương về nghiên cứu để đưa ra câu trả lời giúp dân. Còn tôi khẳng định nguyên nhân do ô nhiễm nguồn nước, chất thải công nghiệp”.

Không có dấu hiệu dừng lại

Khi “làng ung thư” Thạch Sơn (tỉnh Phú Thọ) được báo chí phát hiện vào năm 2005, một số người có trách nhiệm ở đây cũng từng tuyên bố là số người chết vì ung thư ở địa phương này là bình thường như những nơi khác. Thế nhưng, sau đó, tỉ lệ người chết vì ung thư ở Thạch Sơn nghiêm trọng đến mức Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc cứu dân.

Hàng trăm người chết vì ung thư ở Hòa Hậu, Ninh Vân và Minh Tân trong những năm qua có thể nói là không bình thường. Hằng năm, số người chết vì ung thư chưa có dấu hiệu dừng lại và điều quan trọng là người dân vẫn không biết tại sao người thân của họ chết vì ung thư nhiều đến thế.

Số liệu từ Hiệp hội Ung thư Việt Nam cho thấy mỗi năm cả nước phát hiện 150.000 người mắc bệnh và hơn 75.000 người chết vì ung thư. Hầu hết người bệnh đều không được phát hiện sớm để điều trị. Khảo sát trên 400 bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K (Hà Nội) cho thấy có đến 79% được chẩn đoán và điều trị lần đầu khi đã ở giai đoạn 3 và 4. Nguyên nhân là do chủ quan và thiếu hiểu biết về ung thư.

Theo điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường), hiện cả nước có 37 “làng ung thư”. Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước bị ô nhiễm có thể do chất độc chiến tranh, chất thải công nghiệp hoặc các công trình cung cấp nước sạch bị nhiễm bẩn.

Kết quả phân tích mẫu nước đang sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt tại các “làng ung thư” cho thấy hầu hết đều nhiễm vi sinh, một số mẫu có hàm lượng phenol, arsen hoặc mangan vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Số bệnh nhân ung thư tăng

Theo số liệu từ Bệnh viện K (Hà Nội), trong 5 năm (2007-2011) có 80.254 bệnh nhân ung thư đến điều trị tại bệnh viện. Trong đó, nam giới chiếm 40,1%, nữ giới 59,9%. Số lượng bệnh nhân đến điều trị ngày một tăng, nhiều nhất là ung thư vú, phổi. Các địa phương có bệnh nhân điều trị ung thư cao là Hà Nội với 16.884 người, Thanh Hóa 5.569, Nam Định 5.334, Nghệ An 5.051, Thái Bình 4.461, Hải Dương 3.841, Hải Phòng 3.567, Phú Thọ 2.808, Ninh Bình 2.161.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN