Sức mạnh “quái thú bầu trời” MiG-31 Nga điều đến Syria

Tiêm kích đánh chặn hạng nặng MiG-31 lần đầu tiên được điều đến trực chiến ở Syria là một trong những mẫu tiêm kích mạnh nhất và mang tính biểu tượng của Không quân Nga.

Sức mạnh “quái thú bầu trời” MiG-31 Nga điều đến Syria - 1

MiG-31 phóng tên lửa tầm xa R-33.

Theo National Interest, trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh, MiG-31 (NATO gọi là Foxhound) vẫn là một bí ẩn đối với phương Tây. Hình ảnh tiêm kích hạng nặng xuất hiện rải rác thông qua các bức ảnh chụp từ trên cao và kèm theo đó là những lời đồn về sức mạnh đáng sợ của loại máy bay này.

Không giống như phiên bản MiG-29 hay Su-27, tiêm kích MiG-31 chưa từng bước ra ngoài bóng tối cho đến khi mới được điều đến Syria.

Lý do MiG-31 được chế tạo phục vụ mục đích đánh chặn, phòng thủ tầm gần. Máy bay này chưa từng xuất khẩu hay được kiểm tra sức mạnh thông qua thực chiến. Nga âm thầm chế tạo hàng trăm chiếc MiG-31, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không đa lớp và sẽ còn tiếp tục theo đuổi triết lý quân sự này trong nhiều năm tới.

“Quái thú bầu trời”

MiG-31 xuất hiện nhằm thay thế cho phiên bản MiG-25 Foxbat khá thất vọng. MiG-25 từng khiến phương Tây khiếp sợ cho đến khi phi công Nga Victor Belenko đào ngũ, bay đến Nhật Bản năm 1976. Nhờ đó, quan chức phương Tây phát hiện ra MiG-25 chỉ là “hổ giấy”. Phi cơ này đạt tốc độ nhanh nhất thời điểm đó nhưng lại quá nặng nề, xoay trở kém và tuổi thọ động cơ thấp.

Quan chức Liên Xô đặt ra yêu cầu thay thế MiG-25 bằng phiên bản tiêm kích với radar hiện đại hơn, tên lửa đối không tầm xa chính xác hơn và động cơ mạnh mẽ hơn.

Phiên bản MiG-31 được trang bị thêm ghế ngồi phía sau cho sĩ quan điều khiển vũ khí (WSO) với radar mảng pha quét chùm điện tử thụ động Zaslon S-800. Radar tối tân này có tầm theo dõi tối đa 200 km với tiêm kích, hoặc 400 km với máy bay ném bom.

Sức mạnh “quái thú bầu trời” MiG-31 Nga điều đến Syria - 2

Tiêm kích hạng nặng MiG-31.

Zaslon có khả năng tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng và bám bắt mục tiêu trên không, cả ở phía trước và phía sau máy bay.

Sức mạnh của MiG-31 nhờ vào tên lửa tầm xa R-33 (NATO gọi là AA-9), tầm bắn 120 km. Kết hợp với radar Zaslon, tiêm kích hạng nặng có khả năng ngắm bắn 10 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường cho 4 tên lửa tới 4 mục tiêu khác nhau. 4-6 tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn đối không cũng có thể được gắn ở dưới cánh. Máy bay còn được trang bị pháo 23 mm, cơ số đạn 260 viên.

Tốc độ của MiG-31 chậm hơn phiên bản cũ, đạt Mach 2,83 (khoảng 3.500 km/giờ) nhưng vẫn duy trì khả năng hoạt động ở tầm cao tương đương. Chính khả năng vận hành ở tốc độ cao với vũ khí hiện đại khiến cho phương Tây gọi loại máy bay này là “quái thú bầu trời”

Tiêm kích hạng nặng MiG-31 không mạnh trong khả năng giao chiến trực diện với đối phương. Loại máy bay này đơn giản chỉ tăng tốc ở mức tối đa, phóng tên lửa tầm xa nhằm vào đối phương và rời khỏi khu vực ngay sau đó.

MiG-31 chính thức hoạt động trong biên chế không quân Liên Xô năm 1981. Tình báo phương Tây khi đó luôn cảnh giác với loại tiêm kích đánh chặn này. Máy bay chưa từng được xuất khẩu ra nước ngoài. Sau khi Liên Xô sụp đổ, khoảng 33 chiếc được chuyển giao cho lực lượng không quân Kazakhstan, còn lại thuộc về Nga.

Gần đây, Nga đã điều đến Syria các tiêm kích hạng nặng MiG-31. Giới phân tích đồn đoán, Nga muốn răn đe Mỹ bởi “quái thú bầu trời” là máy bay chuyên biệt, có khả năng phòng không mạnh mẽ. Hiện không rõ Nga triển khai phiên bản MiG-31 nào tới Syria.

“Quái thú thêm móng vuốt”

Sức mạnh “quái thú bầu trời” MiG-31 Nga điều đến Syria - 3

Mig-31 là biểu tượng sức mạnh của không quân Nga.

Nga hiện sở hữu 252 chiếc MiG-31 trong biên chế không quân. Kể từ năm 2010, Moscow bắt đầu nâng cấp dòng tiêm kích hạng nặng này với phiên bản MiG-31BM.

Phiên bản nâng cấp có khả năng phát hiện mục tiêu trên không lên tới 320 km và tầm bắn tiêu diệt mục tiêu cách 280 km. Máy bay có thể theo dõi 10 mục tiêu và khai hỏa đồng thời 6 mục tiêu. Mỹ và phương Tây hiện không có dòng tiêm kích nào có sức mạnh tương đương.

Đáp ứng yêu cầu hỗ trợ tiêu diệt mục tiêu dưới mặt đất, MiG-31 có thể mang theo 8 tấn bom thông minh và tên lửa chống radar. Cuối cùng, MiG-31BM có radar liên kết với hệ thống phòng không và máy bay đồng minh, giúp tăng cường khả năng chiến đấu. 4 chiếc MiG-31 có thể theo dõi khu vực rộng 800 km, dài 2.000 km.

MiG-31 sẽ còn phục vụ trong biên chế không quân Nga cho đến năm 2030. Phiên bản MiG-41 hoặc PAK-DP có thể là ứng viên thay thế MiG-31 trong vai trò phòng không tương lai.

National Interest kết luận, MiG-31 là biểu tượng của triết lý đánh chặn siêu nhanh, sử dụng tốc độ và tên lửa tầm xa để vô hiệu hóa đối phương trước khi máy bay địch có thể đánh trả.

Trong khi các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng phát triển máy bay chiến đấu đa năng thì không quân Nga vẫn trung thành với tiêm kích hạng nặng, đóng vai trò bảo vệ biên giới nếu chiến tranh xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN