Thờ ơ với khuyến mại

Bảng giảm giá sản phẩm, khuyến mãi được treo khắp nơi nhằm kéo sức mua, thế nhưng khảo sát trên thị trường cho thấy nhiều người tiêu dùng vẫn thờ ơ với việc mua sắm.

Từ cửa hàng, trung tâm thương mại đến chợ, siêu thị bước vào đợt mua sắm mùa hè đã tăng gấp 2-3 lần các chương trình khuyến mãi nhưng hàng hóa vẫn trong tình trạng ế ẩm triền miên.

Ế khắp mọi nơi

Từ cuối tháng 6 đến nay tại nhiều cửa hàng quần áo trên các tuyến đường như: Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sĩ, Võ Thị Sáu... (TP.HCM) treo rợp cửa những tấm biển như “giảm giá 50%”, “giờ vàng khuyến mãi”, “mua 1 tặng 1”..., thế nhưng tìm mỏi mắt mới thấy lác đác vài cửa hàng có người ghé vào xem.

Kỳ vọng “Tháng khuyến mãi”

Mặc dù phải hai tháng nữa mới tới tháng khuyến mãi, nhưng khác với mọi năm, năm nay Sở Công thương TP.HCM đã phải chuẩn bị tổ chức hội nghị khách hàng sớm để kéo doanh nghiệp tham gia hội chợ. Cho tới thời điểm này đã có 178 doanh nghiệp tham gia với gần 300 gian hàng, tập trung nhiều nhất vào các ngành dệt may, đồ gỗ... Theo đại diện Sở Công thương, năm nay số gian hàng đã tăng cao nhất từ trước tới nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia cho đến thời điểm này cũng vượt xa so với mọi năm.

Chị Phan Thu Thùy, chủ shop đồ nam (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), chán nản cho biết: “Như mọi năm vào hè lượng người mua nhộn nhịp từ cuối tháng 6 cho đến hết tháng 8, nhưng năm nay chẳng thấy khách đâu”. Chị nhẩm tính lượng hàng đã giảm hơn một nửa, trong khi chương trình khuyến mãi đã tăng gấp đôi, gấp ba.

Ế ẩm không kém là shop thời trang nữ có tên “Trẻ” trên đường Võ Thị Sáu (Q.3). Chiều 1-7, chúng tôi quan sát chỉ thấy đúng sáu người khách đứng lật qua lật lại vài bộ đồ trong khi ngay bên ngoài cửa hàng này đồng loạt giới thiệu ba chương trình khuyến mãi: giảm giá 50% cho tất cả sản phẩm, giờ vàng 14g-16g, mua hàng có hóa đơn trên 1 triệu đồng tặng phiếu mua hàng 200.000 đồng. Một nhân viên cho hay từ đầu năm phải đều đặn áp dụng khuyến mãi giảm giá 50%, nhưng hai tháng gần đây đã phải tăng cường hai chương trình nữa để “cứu hàng” nhưng bán vẫn không chạy.

Tương tự, chị Nguyễn Mỹ Hạnh, chủ shop quần áo Lusica (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), nói như mếu: quần áo trong cửa hàng đã giảm chỉ còn 50.000-100.000 đồng/chiếc nhằm thanh lý hết nhưng suốt buổi sáng 1-7 chỉ bán được bốn cái. Chị ước tính từ đầu tháng rồi đến giờ đã giảm giá đến ba lần với mức 15-80% nhưng khách vào chỉ ngắm rồi ra về.

Không riêng gì các cửa hàng tư nhân, các siêu thị, chợ cũng đang gồng gánh cơn bão ế ẩm. Tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, những tấm biển giới thiệu chương trình khuyến mãi được đặt khắp nơi, phổ biến nhất vẫn là giảm giá nhiều loại mặt hàng 20-49% như quần áo trẻ em, các loại gối, nệm, đồ may sẵn...

Một nhân viên siêu thị Co.op Mart Thắng Lợi (Q.Tân Phú) cho biết so với vài tháng trước đây, thời điểm này các chương trình khuyến mãi nhiều hơn và hấp dẫn hơn nhưng người dân chủ yếu tập trung về khu thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Bà Lê Thị Thu Huệ (P.Tân Hưng Thuận, Q.12) nói: “Đi siêu thị bây giờ tốn kém quá, đồ gì cần thiết lắm mới đi mua thôi”.

Tại chợ, nơi hiếm thấy chương trình khuyến mãi thì nay tiểu thương bắt đầu “chuyển mình” để thích nghi. Tại chợ Phạm Văn Hai, Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) khu vực bán quần áo đã xuất hiện nhiều những tấm biển ghi sơ sài “giảm giá 20-40%” hay “mua 1 tặng 1”... Tương tự, tại các hệ thống điện máy, hàng gia dụng, nhiều đơn vị dốc toàn lực cho khuyến mãi cũng không kéo được sức mua bao nhiêu.

Tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim (Q.1) chiều 2-7, gần như 90% các mặt hàng ở siêu thị này đều niêm yết khuyến mãi 5-35%, thậm chí nhiều mặt hàng lên tới 80% nhưng một nhân viên marketing siêu thị này cho biết: “Siêu thị đã tung ra nhiều đợt khuyến mãi giảm giá các mặt hàng điện tử gia dụng nhưng chỉ tivi bán được đáng kể, còn các sản phẩm khác bán rất chậm”.

Thờ ơ với khuyến mại - 1

Dù có nhiều mặt hàng giảm giá nhưng tại các trung tâm thương mại vẫn vắng khách

Chấp nhận lỗ

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết sức mua cực kỳ yếu thời điểm này đã buộc doanh nghiệp phải chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng, thậm chí chấp nhận lỗ ở các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Từ đầu năm đến nay Vissan đã giảm giá hai lần liên tiếp các mặt hàng tươi sống từ 5-10% nhưng vẫn không kéo nổi sức mua. Theo ước tính của ông Mười, doanh thu sáu tháng đầu năm nay chỉ tăng 8% trong khi kỳ vọng ở mức 20%.

Tương tự, ông Lưu Quốc Hoàng, giám đốc marketing hệ thống siêu thị dienmay.com, cho biết suốt từ đầu năm đến nay dienmay.com phải liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi hằng tháng dành cho nhiều đối tượng khách hàng để hỗ trợ sức mua. Nhưng sức mua quá yếu nên tăng trưởng không được như kỳ vọng, buộc hệ thống phải tiếp tục tính toán đẩy thêm khuyến mãi để dịch chuyển sức mua.

Theo đại diện một siêu thị trên địa bàn TP.HCM, nếu như vào thời điểm tháng 3 và 4-2012 việc tung ra chương trình khuyến mãi liên tục với 200-500 mặt hàng/tháng đã được cho là quá nhiều, thì nay con số ấy vẫn không đáng kể. “Mỗi tháng phải có 800-1.000 mặt hàng khuyến mãi được tung ra mới kéo được khách tới siêu thị” - vị đại diện này nói. Theo báo cáo của các hệ thống siêu thị, con số khách hàng thân thiết đã tăng lên nhưng giỏ hàng lại liên tục vơi đi. Theo ước tính của vị này, nếu như trước đây mỗi khách hàng thân thiết xách giỏ tới siêu thị từ 2-3 lần/tuần thì nay con số ấy lại giảm chỉ từ 1-2 lần/tuần, đối với giá trị giỏ hàng thời điểm trước từ 1-1,5 triệu đồng thì nay con số ấy đã giảm một nửa, đẩy tăng trưởng dự kiến xuống mức rất thấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dũng Tuấn - Vy Chiến ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN