9 bộ phận cơ thể lúc nào cũng cần được giữ ấm ngày lạnh

Mùa đông và những ngày lạnh giá đã đến, việc giữ ấm cho cơ thể là cực kỳ quan trọng để tránh bị nhiễm lạnh và gây ra những bệnh về đường hô hấp, cảm cúm.

Muốn phòng các bệnh mùa đông, bạn cần phải lưu ý giữ ấm đúng cách 9 bộ phận trên cơ thể sau.

1. Đầu

Nhiều người thường chỉ chăm chăm giữ ấm chân tay mà quên mất phải giữ ấm cho đầu đầu tiên. Theo các bác sĩ đông y, đầu là nơi chi phối toàn thân, là nơi lưu thông hàng trăm mạch máu. Nơi đây có 12 kinh mạch và 8 mạch kỳ kinh.

Bởi thế, khi bắt đầu bị lạnh, đầu sẽ là nơi rất dễ làm dương khí trong đầu tiêu tán. Do đó, bạn sẽ dễ đối mặt với các bệnh như cảm lạnh, viêm mũi, đau đầu, đau răng, dây thần kinh.

Biện pháp: Vào mùa đông, bạn nên đội mũ ấm và chải đầu nhiều lần để có lợi cho việc tuần hoàn khí huyết.

9 bộ phận cơ thể lúc nào cũng cần được giữ ấm ngày lạnh - 1

2. Tai

Dù vùng da của tai rất mỏng, mô dưới da ít nhưng nơi đây cũng hội tụ 12 kinh mạch đều đi qua tai. Vì tai mỏng nên nơi này thường thiếu chất béo bảo vệ.Bởi thế, khi gặp lạnh, tai sẽ dễ dẫn đến thiếu máu thiếu oxy, gây tê cóng và gây ra các bệnh cảm lạnh.

Biện pháp: Nên mang bịt tai để giữ ấm bộ phận này trong những ngày lạnh. Bên cạnh đó, hãy kết hợp xoa tai để tai ấm lên nhanh chóng.

3. Mũi

Vào mùa đông, thời tiết thường rất khô hanh. Vì thế, chúng dễ gây nên tình trạng viêm mũi, hoặc viêm đường hô hấp khó chịu khác.

Biện pháp: Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để tránh vi khuẩn cho mũi. Sau đó, dùng tay massage hai cánh mũi, sống mũi để tuần hoàn máu của mũi được tốt hơn. Từ đó cũng giúp nâng cao khả năng chống lạnh.

4. Cổ

Đây là bộ phận quan trọng của cơ thể vì có nhiều hoạt động nhất của cột sống. Đây cũng là trung tâm thần kinh, là con đường duy nhất của huyết mạch tim. Bởi vậy nếu bị nhiễm lạnh, nó có thể gây ra những bệnh về họng và nhiều bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch.

Biện pháp: Bạn nên mặc áo cổ cao, quàng thêm khăn ấm hoặc massage cổ mỗi khi trời lạnh.

5. Lưng

Nhiều người thường nghĩ, lưng đã luôn được mặc áo ấm trong cơ thể nên coi thường việc giữ ấm. Song nếu lưng bị lạnh sẽ làm tổn thương dương khí cơ thể, giảm khả năng miễn dịch, gây ra bệnh.

Biện pháp: Nên mặc áo ấm như áo bông hoặc áo len để giữ ấm lưng.

6. Bụng

Là nơi chứa rất nhiều bộ phận khác của cơ thể nên bụng phải là nơi được chú ý giữ ấm. Bởi nếu bụng bị lạnh sẽ dẫn đến bệnh đau bụng do lạnh và các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, tiết dịch âm đạo bất thường…

Biện pháp: Mặc quần áo ấm để giữ ấm cho bụng. Hoặc khi cần có thể dùng hai tay xoa vào nhau đến khi ấm lên, sau đó ấn chặt tay vào các cơ quanh bụng để lưu thông khí huyết.

7. Eo hông

Phần eo hông tưởng như vô hại nếu không được giữ ấm nhưng lại cực kỳ có hại nếu bị lạnh vì có thể gây ra những cơn rối loạn kinh nguyệt, thống kinh ở nữ giới và yếu sinh lý ở nam giới.

Biện pháp: Tuyệt đối không mặc áo quá ngắn để lộ phần eo. Nên mặc áo dài qua eo. Khi bị lạnh, bạn cũng có thể xoa bóp quanh vùng eo cho ấm lên.

9 bộ phận cơ thể lúc nào cũng cần được giữ ấm ngày lạnh - 2

Cũng giống như đầu, chân lạnh thì cơ thể cũng sẽ lạnh. Ảnh minh họa.

8. Đầu gối

Nhiều người thường bị đau đầu gối vào mùa đông khiến cơ thể đau mỏi. Điều này là do đầu gối bị lạnh gây nên.

Biện pháp: Nên mặc những loại quần có lông ấm bên trong và không hoạt động quá sức. Bên cạnh đó, thường xuyên xoa bóp đầu gối và giữ ấm cho vùng nhỏ bé này của cơ thể nhé.

9. Bàn chân

Cũng giống như đầu, chân lạnh thì cơ thể cũng sẽ lạnh. Nguyên nhân là do lớp mỡ dưới da bàn chân mỏng nên khả năng giữ ấm kém. Ngoài ra, từ bàn chân đến tim khá xa khiến việc lưu thông máu kém.

Biện pháp: Đi tất ấm cho chân mỗi khi trời lạnh và ngâm chân bằng nước ấm mỗi ngày để thúc đẩy tuần hoàn máu và làm toàn thân ấm lên nhanh chóng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Anh (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN