Nga: "Chợ" mua bán điểm tràn lan học đường

Gần đây, truyền thông liên tục “làm rầu” người dân Nga với các tin “mua bán điểm”, cung cấp một “bản đồ” ngày một rộng hơn các “chợ” bán điểm. Gây nên một cảm tưởng, hoặc các cơ quan công quyền kiên quyết hơn trong “dẹp chợ mua bán điểm”, hay tình trạng “ăn tiền, nâng điểm” đã trở thành chuyện thường ở huyện?

Miền Sibir “nóng” vì “bán điểm”

Năm 2011, trên TV Nga thỉnh thoảng đưa tin có giảng viên đại học Nga ăn tiền của sinh viên, để “nâng điểm” môn học mà giảng viên đó dạy, cho các sinh viên đã đưa hối lộ.

Tháng 1/2011, có vụ tai tiếng ghê gớm ở ĐH Kỹ thuật quốc gia, đóng tại tỉnh Briansk. Một ông thầy ra giá cho điểm số môn Vật liệu xây dựng, là từ khoảng 40 đến 130 USD... Khung hình phạt cho tội danh này khoảng 7 năm. Nhưng những “người bán điểm” vẫn không ngán.

Tháng 3/2011, một nữ giảng viên ĐH Kiến trúc – Xây dựng thành phố Tomsk “cho qua” những học viên hệ tại chức nào “kẹp” 1.000 rúp (khoảng hơn 30 USD) vào sổ điểm, theo báo Sự thật thanh niên Nga (KP).

Đến cuối năm 2011, một thày giáo môn Thông tin và kỹ thuật vô tuyến ĐH quốc gia Kinh tế và dịch vụ miền Nam nước Nga (tỉnh Rostov), vì nhận 5.000 rúp để cho qua luận văn của một nữ sinh viên. Vì vụ việc này, ông phải chịu mức án tới 3 năm tù giam, và án phạt tiền tới 200 ngàn rúp (hơn 6.000 USD)...

Tháng 8/2012, khi một nữ giảng viên môn ngoại ngữ của ĐH Nông nghiệp quốc gia Omsk chịu án phạt tiền và mất quyền giảng dạy một thời gian, vì “bán điểm” cho sinh viên, cao nhất là khoảng 80 USD cho một điểm số cao hơn trung bình, người ta lắc đầu chuỗi thành tích nghịch nghĩa của trường này.

Nga: "Chợ" mua bán điểm tràn lan học đường - 1

Khi sổ điểm là...phong bì

Vì hè năm 2011, một giảng viên cấp cao Khoa xã hội học của nó bị kêu án tù giam 1, 5 năm trời, sau khi hành nghề “phe điểm” được tổng cộng 80 ngàn rúp (khoảng 2.600 USD). Rồi đến vụ một một giáo viên môn dạy thể dục (!) vẫn của ĐH Nông nghiệp quốc gia Omsk. Sau 5 năm giảng dạy, vị này chịu án phạt tới 60 ngàn rúp, vì đã cho qua, không “bắt” học sinh nào đã nộp tiền cho ông, phải tới sát hạch môn thể dục (tin các báo Nga như Federal Press, tháng 2/2012).

Cũng tháng 2/2012, và vẫn tại Omsk, người phụ trách bộ môn Học viện Giao thông bộ Sibir bị bắt vì “làm hộ” đồ án tốt nghiệp cho một nhóm học viên tại chức. Ông ra giá 40 ngàn rúp cho một đề án, đưa tổng giá trị của “dịch vụ” bất hợp pháp này lên tới hơn 1 triệu rúp (khoảng hơn 30 ngàn USD). Mức án một vụ việc như thế, theo luật Nga, có thể lên tới 12 năm tù giam.

“Năm hạn” 2012?

Còn nhớ đầu năm 2012, điều tra xã hội học cho thấy Bộ trưởng Khoa học – Giáo dục, cùng với Bộ trưởng Y tế và các vấn đề xã hội ( cũng là hai bộ ở đầu nhiệm kỳ trước, từ năm 2008, được kỳ vọng sẽ tiến hành cải cách) là hai bộ trưởng bị “chấm điểm” thấp nhất. Kết quả là hai vị này không tái xuất trong danh sách Bộ trưởng, khi Thủ tướng Nga Medvedev lập nội các vào tháng 5/2012.

Chưa biết cải cách giáo dục đời bộ trưởng mới của Nga hiện sâu rộng đến mức nào, năm 2012, nhất là về cuối, những vị thiếu mô phạm trong giới sư phạm Nga bị “bắn rụng” hàng loạt.

Không ít người trong họ, giống như trong các vụ của năm trước, có học vị phó tiến sĩ (kandidat). Nhiều vụ việc là một quá trình tham nhũng về giáo dục kéo dài nhiều năm, của các thày cô “quá nặng căn trần tục”, muốn “giàu nhanh”, hoặc không cam chịu “ăn như sư” trong khủng hoảng kinh tế triền niên, nên nỗi phải “ở phạm”. Gần như bất cứ môn học nào cũng có thể trở thành “quầy” bán điểm.

Cuối tháng 3, một vị thày của ĐH Giao thông quốc gia miền Ural bị “sờ gáy” vì tội danh tham nhũng trong giảng dạy. Ông đã quyết định giúp các sinh viên yếu “qua” được môn của mình nếu nộp phí, tổng thu là 8 ngàn rúp.

Đầu tháng 4, một giảng viên của ĐH quốc gia miền Altai xa xôi bị truy tố, từ 2007, đã nhiều lần nhận tiền của sinh viên để nâng điểm. Cuối tháng đó, lại một trường nữa, cũng nằm ở miền Nam Nga, ĐH Kỹ thuật đóng đô ở Staropol, phải hổ danh, vì một giảng viên bộ môn Vật liệu bị khởi tố về tội danh nhận hối lộ, và tội danh gợi ý hối lộ.

Tháng 5/2012 đến, “thần tham nhũng” trong giáo dục lộ diện ở vùng Ulan – Ude của nước cộng hòa theo Phật giáo Buriaty, thuộc Liên bang Nga, nằm sát biên giới với Mông Cổ. Một giảng viên mới 28 tuổi của ĐH Giao thông đường sắt đã dọa sinh viên của mình là sẽ cho điểm xấu, dẫn đến các sinh viên sẽ rơi vào diện bị đuổi học, nếu họ không nộp cho giảng viên này từ 500 rúp (chưa đầy 20 USD) đến 3000 rúp...

Tháng 7, đã xử án một nữ giảng viên môn Vật lý ĐH Bách khoa thành Perm, cùng với “cò” của bà. Hai vị này đã đồng lõa nhận, từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2010, tổng cộng 280 ngàn rúp (khoảng hơn 9 ngàn USD), để nâng điểm cho các bài kiểm tra, bài thi nào bị cô giáo này cho điểm kém. Thường các nữ giáo viên Nga phạm tội hối lộ ít bị đi tù, nếu hợp tác với cơ quan điểu tra. Nhưng nữ giáo viên trong vụ này, cùng với người đồng lõa, đã bị tuyên tới 3,5 năm tù do “buôn bán điểm”.

Tháng 9/2012, miền Ural lại rung động, khi một nữ giảng viên ĐH quốc gia Kurgan nghe tòa tuyên bản án vì tội “ăn hối lộ”: chịu phạt 30 ngàn rúp; mất quyền giảng dạy trong 3 năm.

Học đường thành “chợ” bán điểm?

Nga: "Chợ" mua bán điểm tràn lan học đường - 2

Điều chỉnh hành vi bằng đạo đức hay... tiền? Nguồn ảnh: 1TV.ru

28/11/2012, Đài truyền hình Trung ương Nga 1 TV.ru đưa tin về xử hai vụ tham nhũng liên tiếp, liên quan đến Trường ĐH Công nghệ quốc gia tại... miền Sibir! Trong vụ đầu tiên, xử một giảng viên vì lập một “bảng giá” bán điểm, phạt ông ta 1 triệu rúp. Trong vụ sau, mà 1 TV gọi là một scandal, các điều tra viên ập vào bắt quả tang một nữ Phó tiến sĩ, giảng viên môn tâm lý học nhận hối lộ.

Cơ quan chức năng ngạc nhiên khi khám thấy một két bí mật, đầy tiền ngay trong giảng đường. Ngoài khoản tiền hối lộ 3.000 rúp là nguyên nhân trực tiếp của vụ bắt nóng, tổng số tiền mà 15 sinh viên năm thứ hai trả cho “người bán điểm” này hôm đó thôi đã khiến các nhân viên công lực đếm mỏi tay.

Nữ phó tiến sĩ này giảng dạy đã gần hai chục năm tại khoa này, và là tác giả của nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, và một số sách giáo khoa tâm lý học. Trong đó, có một công trình từng gây chú ý, nhan đề “Đạo đức – công cụ điều chỉnh hành vi ứng xử trong xã hội hiện đại” (xuất bản tháng 4/2008, hơn 500 trang), bình luận viên Kênh Truyền hình TƯ Nga chua chát nhận xét...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Đỗ Huy (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN