Lướt Net càng nhiều, học càng kém

Lần đầu tiên một hội thảo khoa học quy mô lớn về thực trạng nghiện Internet đã được tổ chức tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM vào sáng 23-11. Hội thảo thu hút hơn 18 tham luận, bài viết của các tác giả cả nước bàn về những tác hại của Internet ảnh hưởng đến người dân và đặc biệt là giới trẻ.

Nguyên nhân gây nghiện Internet

ThS Đỗ Minh Hoàng trình bày nghiên cứu về tác động của Internet đến sinh viên (SV) Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Tác giả cho rằng: “SV truy cập Internet càng nhiều, kết quả học tập càng kém. Cụ thể, những SV có học lực giỏi và xuất sắc có số giờ truy cập Internet là 17,6 giờ/tuần trong khi SV yếu, kém có số giờ truy cập Internet bình quân lên đến 31,9 giờ/tuần. 9,1% SV giỏi truy cập Internet quá 4 giờ/ngày và có đến 50% SV yếu truy cập Internet trên 4 giờ/ngày”.

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thọ - nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 2, Trưởng khoa Khoa học Xã hội Nhân văn ĐH Văn Hiến, cụm từ “nghiện Internet” được BS Kimberly Young - Giám đốc Trung tâm phục hồi nghiện Internet (Mỹ) tiến hành các nghiên cứu đầu tiên và đưa ra khái niệm “nghiện Internet” vào năm 1996. Bà Young đã khẳng định người dùng Internet thái quá cũng tương đồng như người mê cờ bạc thái quá. Họ cũng có thể bị ám ảnh hoặc ép buộc, cưỡng bức về cảm xúc và hành vi. Vì vậy, bà đã dựa vào mô hình “cờ bạc bệnh lý” để phát triển bảng câu hỏi gồm tám mục nhằm đánh giá người nghiện Internet. Và bà cũng đưa ra tiêu chuẩn là những người nghiện Internet thường sử dụng Internet 38 tiếng/tuần cho những mục đích không liên quan đến học tập và công việc.

Lướt Net càng nhiều, học càng kém - 1

Nhiều tham luận, ý kiến sôi nổi tại hội thảo Nghiện Internet: Những thách thức mới của xã hội hiện đại. Ảnh: HUYỀN VI

Có thể bị rối loạn tâm thần

TS Ngô Xuân Điệp - Trưởng bộ môn Tâm lý học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Người nghiện Internet thường có các biểu hiện như cơ thể xanh xao do thiếu ngủ, học lực yếu, sức khỏe sút kém, bị ảo tưởng hay quên, hay tức giận, bồn chồn khi không sử dụng Internet… Nếu phụ thuộc vào Internet trong thời gian dài, người nghiện có thể bị dẫn đến tình trạng tách biệt xã hội, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn tâm thần… Đôi khi người nghiện còn có hành vi bạo lực khi bắt chước các trò chơi trên game”.

Để hạn chế những tác hại của Internet thì không thể nào buộc người nghiện từ bỏ Internet mà chỉ có thể giúp họ tiết chế việc truy cập Internet như một bệnh lý, đồng thời duy trì việc sử dụng Internet chính đáng một cách có kiểm soát. Đó cũng là mục đích chính của những người trị liệu nghiện Internet hướng tới. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Văn Thọ, để thực hiện việc trị liệu “cai nghiện” Internet, các nhà trị liệu còn sử dụng hỗn hợp các liệu pháp tâm lý để điều trị hành vi của người nghiện. Ví dụ như xây dựng lại thời gian biểu của người bệnh, dùng các dụng cụ cảnh báo để nhắc nhở ngưng sử dụng máy tính, ghi phiếu nhắc nhở… “Nhưng quan trọng nhất trong việc điều trị nghiện Internet là cần đề ra một mô hình dự phòng nghiện Internet trong cộng đồng. Trong đó nên chú trọng đến lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhóm này có nguy cơ nghiện Internet và game online rất cao vì chưa có khả năng về nhận thức và cảm xúc cần thiết để tự kiểm soát mình nên rất dễ cuốn hút vào game và Internet” - BS Thọ nhấn mạnh.

Tám tiêu chí đánh giá nghiện Internet, game online

Theo BS Kimberly Young - Giám đốc Trung tâm phục hồi nghiện Internet (Mỹ) thì tám tiêu chí đó như sau:

1. Bạn có cảm thấy bận tâm quá mức với game online, Internet?

2. Bạn có cảm thấy là cần thiết phải sử dụng Internet hay chơi game online với khoảng thời gian tăng dần để đạt tới sự thỏa mãn của bản thân?

3. Bạn có những cố gắng không thành công và lặp đi lặp lại nhiều lần khi cố kiểm soát, giảm bớt sử dụng hoặc ngưng chơi game online?

4. Bạn có cảm giác bồn chồn, buồn rầu, suy nhược hoặc dễ bị kích thích khi bạn cố gắng giảm việc chơi game online?

5. Bạn lên mạng để chơi game online lâu hơn thời gian mà bạn dự kiến?

6. Có phải là bạn có nguy cơ mất mối quan hệ nghề nghiệp, cơ hội nghề nghiệp và học tập vì bạn chơi game online quá mức?

7. Bạn nói dối với những thành viên trong gia đình, nhà trị liệu hoặc những người thân để giấu đi những mức độ liên quan đến việc chơi game online thường xuyên?

8. Có phải khi bạn sử dụng trò chơi game online như là cách để tránh những vấn đề hoặc là giảm bớt tâm trạng khó chịu?

Nếu bạn trả lời là “có” từ năm câu trở lên trong tám câu trên thì bạn đã được coi là một trường hợp “nghiện game online, Internet”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Vi (Pháp Luật Tp.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN