Cả làng cho con học thêm trước khi lớp 1

Kinh tế làm nông khó khăn, thế nhưng vì sợ con không theo kịp chương trình học, học thua kém bạn bè, nhiều bậc phụ huynh ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đã “đổ xô” cho con đi học thêm ngay từ khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

Xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội là một vùng đất thuần nông, cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn dựa vào việc trồng lúa, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, phong trào học thêm cho con em tại đây luôn tấp nập, nhộn nhịp, đặc biệt đối với các trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1.

Cả làng cho con đi học thêm

Có mặt tại đội 6, xã Đại Đồng vào ngày chủ nhật, chúng tôi ghi nhận nhiều phụ huynh xếp hàng dài bên đường chờ đón con sau giờ tan học ở các lớp học thêm.

Chị Kiều Thị Oanh, 35 tuổi, ở đội 6, xã Đại Đồng, mẹ của em Yến Nhi, 6 tuổi cho biết, con chị còn khoảng 2 tuần nữa mới kết thúc chương trình học mầm non nhưng chị đã phải đăng kí lớp học thêm cho con trước đó gần 1 tháng.

Chị Oanh cho biết thêm, theo lịch đăng kí học tại nhà cô H., trong thời gian hơn 1 tháng, Yến Nhi sẽ học một tuần 3 buổi, mỗi buổi 3 tiếng. Chị ước tính tiền học phí và mua đồ dùng học tập cho con sẽ hết khoảng gần 500.000 đồng.

“Đợt tuyển sinh vào lớp 1 năm 2013, dù nhà trường xét tuyển hồ sơ nhưng khi thấy các phụ huynh trong thôn cho con đi học thêm, tôi cũng cho con đi học. Tôi chỉ sợ không cho con đi học thêm, con lại không theo kịp chương trình học, không bằng bạn bè”, chị Oanh nói.

Phong trào cho con em đi học thêm ở xã Đại Đồng “nở rộ” từ khoảng 5 năm trở lại đây. Các lớp học tại thôn do các cô giáo có kinh nghiệm mở ra và trực tiếp giảng dạy. Với nhiều gia đình có điều kiện, các phụ huynh lập thành một nhóm rồi tự đứng ra mở lớp và mời cô giáo về dạy. Sau mỗi buổi dạy, kinh phí phải trả cho các cô giáo khoảng 400.000 đồng/1 buổi.

Cả làng cho con học thêm trước khi lớp 1 - 1

Lớp học thêm học sinh lớp 1 xã Đại Đồng

Chị Kiều Thị Lan, 38 tuổi, ở đội 7, xã Đại Đồng cho hay, hơn 1 tuần trước, gia đình chị cũng đăng kí cho bé Vân Anh đi học thêm ở nhà cô giáo T. trong thôn. Với lịch học khoảng hơn 1 tháng, 3 buổi trên/1 tuần, chị được thông báo tiền học phí và mua mua đồ dùng học tập gần 600.000 đồng.

Sinh được 4 người con, con trai lớn học lớp 12, hai bé gái sinh đôi đang học lớp 5 và một bé chuẩn bị vào lớp 1, tính riêng tháng hè cho các con đi học thêm, chị Lan phải chi khoản tiền gần 2 triệu đồng.

“Ở đây, người dân quan niệm việc học của con là quan trọng nhất, do vậy nhà có điều kiện hay không có điều kiện đều phải cố cho con đi học thêm. Cho con đi học nhà tôi phải bớt ăn, bớt tiêu thôi”, chị Lan tâm sự.

Theo chị Lan, thu nhập của cả nhà chỉ trông vào 5 sào ruộng, kinh tế còn khó khăn nhưng gia đình không thể bỏ việc đi học thêm của các con bởi việc đi học thêm ở làng chị đã thành phong trào.

“Thấy con nhà hàng xóm đi học thêm, con nhà mình về nhà cũng xin đi học, bố mẹ không cho đi học, con lại kêu khóc. Lúc ấy dù có khó khăn đến mấy chúng tôi cũng phải cho con đi học, đâu lỡ để con ở nhà”, chị Lan nói.

Không chỉ cho trẻ chuẩn bị đi học lớp 1 mới đi học chữ trước mà các phụ huynh ở đây cho con đi học thêm liên tục kể cả khi con em đang học bậc tiểu học. Trong năm học thì học tuần từ 1 đến 2 buổi, hè thì tăng lên 2 đến 3 buổi với mức học phí đại trà 20.000 đồng/buổi. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn chọn thầy, cô, cho con đi học thêm từ lúc chuẩn bị vào học lớp 1 cho đến khi các con bước vào giảng đường Đại học.

Kín danh sách, giáo viên từ chối nhận học sinh

Xã Đại Đồng có hàng chục cô giáo chuyên dạy thêm cho các em học sinh trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, theo những người dân, chỉ có lớp của cô giáo H. và T. luôn đông học sinh.

Có mặt tại nhà cô T. ở thôn 6, chúng tôi ghi nhận căn phòng học thêm dành cho các em học sinh lớp 1 khá tuềnh toàng. Lớp học  gần 30 m2 với trên 20 em học sinh đang theo học. Tại đây chỉ có 2 chiếc quạt treo tường để quạt mát cho các em trong những ngày hè oi bức.

Cả làng cho con học thêm trước khi lớp 1 - 2

Lớp học thêm của cô T. ở đội 6 xã Đại Đồng

Cô T. cho biết, hiện cô đang ôn luyện cho các em học sinh lớp 1 đang theo học ở trường tiểu học Đại Đồng, dạy 2 buổi/1 tuần.

Khi chúng tôi đề cập đến mong muốn xin cho con đi học thêm tại lớp của cô trước khi vào lớp 1, cô T. lắc đầu: “Danh sách phụ huynh đăng kí cho con học ở lớp tôi dạy đến thời điểm hiện tại đã lên tới gần 90 thí sinh. Tôi không thể nhận thêm học sinh do lớp học quá đông”.

Theo cô T., phụ huynh muốn cho con đi ôn luyện phải đăng kí trước hàng tháng bởi số lượng phụ huynh trong thôn đăng kí cho con em học rất đông. Đến gần ngày ôn luyện cho các em bậc phụ huynh mới đăng kí học cho con thì gần như không còn lớp học.

“Thời gian đầu chúng tôi tự soạn giáo trình dạy nhưng sau thấy ở hiệu sách có bán một cuốn sách dành cho đối tượng học sinh bắt đầu học lớp 1. Tôi thấy phù hợp nên dùng để dạy cho các em học sinh. Khi học sinh học hết cuốn sách đó cũng là kết thúc 2 tháng học hè”, cô T. giải thích

Cả làng cho con học thêm trước khi lớp 1 - 3

Nội dung cô T dạy các em học sinh

Năm học học 2012, cô T. cũng dạy thêm cho gần 70 học sinh trước khi vào lớp 1, chia làm 3 lớp, với mỗi lớp trên 20 em.

Cô H., giáo viên ở xã Đại Đồng cũng tham gia mở lớp dạy thêm  cho học sinh trước khi vào lớp 1. Cô H. cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có gần 70 phụ huynh đăng kí học thêm cho con. Dự kiến đầu tháng 6, phụ huynh sẽ đưa con em đến tập trung nhà cô và nhận lịch học của các con.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng đào tạo huyện Thạch Thất cho biết, việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp một là hoàn toàn sai quy định của Sở GD-ĐT.

Đơn vị đã có công văn chỉ đạo tới các phòng giáo dục thuộc huyện Thạch Thất cũng như phối hợp với chính quyền điạ phương nghiêm cấm các trường, giáo viên không được tổ chức hoạt động dạy trước cho trẻ.

Giáo viên các trường phải ký cam kết không dạy thêm, nếu cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định với các mức phạt từ khiển trách đến đình chỉ công tác.

“Nếu có phản ánh ở xã Đại Đồng xảy ra tình trạng dạy thêm chúng tôi sẽ kiểm tra lại. Phát hiện giáo viên của đơn vị nào vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Mạnh khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn (Khampha.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN