Có nên làm dâu nhà anh?

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Vào lễ cưới, em chỉ được mặc áo dài. Nhà gái phải chuẩn bị một số tiền, va ly quần áo, đồ dùng cho con gái đi lấy chồng.

Chị Thanh Tâm thân mến! Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến ngày em đón nhận niềm vui vu quy nhưng lòng em lại rối bời vì nhiều lẽ. Em và vị hôn phu tương lai vừa cãi nhau vì những đòi hỏi nặng về nghi lễ, gia phong của nhà anh ấy.

Chúng em học cùng trường đại học và có thời gian quen nhau khá lâu. Gia đình em là trí thức, ở TP nên cách dạy con cũng thoáng, luôn tôn trọng mọi quyết định của các con thay vì áp đặt, đòi hỏi. Ngược lại, ba mẹ anh ấy là người miệt vườn miền Tây khá giả nên còn mang nặng tư tưởng phong kiến, xem trọng phong tục và muốn đám cưới phải diễn ra đúng nghi thức, rườm rà theo cách thức ngày xưa.

Tuy đã trưởng thành nhưng vị hôn phu của em không muốn làm trái ý cha mẹ và năn nỉ em nên tuân thủ theo những nghi lễ truyền thống của gia đình. Đó là vào ngày làm lễ cưới, em chỉ được mặc áo dài, quỳ lạy đúng cách, nhà gái phải chuẩn bị một số tiền, va li quần áo, đồ dùng cho con gái đi lấy chồng… Vì thế, chúng em không đồng quan điểm và em cảm thấy phân vân, không biết mình có quyết định sai lầm khi chọn làm dâu nhà người ta không nữa. Những lần về thăm gia đình anh ấy, em có cảm giác ba má anh ấy luôn để ý đến con dâu tương lai từng ly từng tý và nhắc em về truyền thống gia phong lâu đời của họ. Sau vài lần ghé thăm dòng tộc, bà con của anh ấy, em cảm thấy đại gia đình của anh ấy đều sống hạnh phúc, biết kính trên nhường dưới, nề nếp đâu ra đó.

Em biết là họ tự hào về truyền thống nhiều thế hệ ông bà mới gây dựng được nhưng có điều gì đó hơi khắt khe, nặng hình thức. Sợ em phạm quy nên chồng sắp cưới dặn dò em khi chào người lớn tuổi phải vòng tay cúi gập người chứ không được đứng thẳng… Thậm chí đến thời hiện đại này mà bữa cơm họp mặt gia đình giới thiệu em - con dâu tương lai rất bài bản, đúng truyền thống.

Sau khi gia đình giới thiệu em với tất cả dòng họ, người cao tuổi nhất-tức ông cố của vị hôn phu của em có lời phát biểu và đồng ý thì đám cưới mới được tổ chức. Em rất yêu anh ấy nhưng em cảm thấy có điều gì đó mình chưa sẵn sàng hòa hợp với lối sống, nề nếp gia phong của phía nhà chồng. Ba mẹ em thì cho rằng thời nay mà kiếm được những gia đình còn giữ được nề nếp gia phong là đáng quý lắm và khuyên em suy xét cho đúng để không ân hận về quyết định dừng đám cưới. Em rất cần lời khuyên của chị.

Vĩnh Minh (Củ Chi, TP. HCM)

Có nên làm dâu nhà anh? - 1

Em rất yêu anh ấy nhưng em chưa sẵn sàng hòa hợp với lối sống, nề nếp gia phong của phía nhà chồng (Ảnh minh họa)

Vĩnh Minh thân mến!

Chị thấy vấn đề em nêu ra không có gì khó giải quyết, nhất là gần kề thời gian vàng – em lên xe hoa về nhà chồng. Em đã có một thời gian dài quen vị hôn phu tương lai và hiểu khá rõ về gia đình, nề nếp, gia phong của nhà chồng. Có thể theo suy nghĩ mang tính hiện đại của em, chỉ muốn đám cưới được tổ chức đơn giản, không mang nặng hình thức rườm rà nhưng là phận gái theo chồng, chị khuyên em nên chiều theo ý muốn sắp đặt của nhà chồng. Tùy theo phong tục của từng miền, nghi thức, lễ nghĩa được tổ chức khác nhau.

Nếu có điều gì em chưa đồng lòng thì em thỏa thuận lại với vị hôn phu để họ thuyết phục cha mẹ giảm bớt thủ tục, lễ nghi, chứ không nên “gây hấn” với nhau vào thời điểm sắp hợp hôn này.

Theo những gì em nhận xét thì gia đình chồng tương lai của em trọng nề nếp, gia phong và muốn hướng con dâu tương lai tuân thủ những qui định truyền thống của họ.

“Nhập gia phải tùy tùng” – đó là câu nhắc nhở muôn thưở của ông bà ta và thời nào cũng đúng. Nếp nhà-gia phong là tài sản quý giá của mỗi gia đình. Cứ nhìn vào nếp nhà bình yên, hạnh phúc sẽ thấy nền tảng bền vững này được đúc kết từ những viên gạch nề nếp-gia phong. Ở đó không chỉ có mối quan hệ thân thiết, sẻ chia của mỗi thành viên mà nó còn thể hiện sự tôn trọng, kính trên nhường dưới, con cháu luôn nghe lời người lớn tuổi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Đúng như cha mẹ em nhận xét, thời hiện đại này, tìm được gia đình giữ gìn nề nếp gia phong không nhiều. Vì thế, được làm dâu ở những gia đình như thế em sẽ yên tâm là chồng mình là người tử tế, được giáo dục đàng hoàng, biết tôn trọng mọi người.

Hơn nữa, sau này có con cái, chúng sẽ được thụ hưởng nề nếp giáo dục của gia đình chồng, chúng sẽ ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, ông bà, hiếu thảo với người thân. Đó là tài sản văn hóa vô giá mà gia đình nào cũng ao ước gây dựng được đó em.Qua những bộ phim của Hàn Quốc, em có thấy xã hội của họ dù phát triển cao đến đâu cũng luôn coi trọng nề nếp gia phong. Theo đó, con cái luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người lớn, cha mẹ, ông bà. Dù chức vụ cao trong xã hội nhưng khi về nhà, họ luôn chào hỏi cha mẹ rất lễ phép và dành thời gian chăm sóc, quan tâm đến người thân.

Như thế, thời hiện đại mọi thứ đều thay đổi nhanh nhưng giá trị cốt lõi của mỗi gia đình là nề nếp gia phong vẫn phải giữ gìn, hun đúc để nó luôn lan tỏa, làm giàu tâm hồn của giới trẻ. Đây cũng là những tiêu chí quan trọng để các ông bố bà mẹ nhắm đến để gởi gắm-kết nối hạnh phúc cho con cái của mình. Chị tin em sẽ suy nghĩ chín chắn hơn và có quyết định đúng để không bỏ lỡ chuyến đò duyên phận với vị hôn phu có gia đình nền nếp, gia phong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Tâm (Hạnh phúc gia đình)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN