Ông Chấn không đến phiên xử Lý Nguyễn Chung, vì sao?

Gia đình ông Chấn cho biết sẽ không đi cùng người dân đến tòa xem xử Lý Nguyễn Chung vì ngày mai (29/9) mọi người phải gặt lúa.

Ngày mai (29/9), theo kế hoạch, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ giết người xảy ra tại thôn Me (Bắc Giang) hơn 10 năm trước.

Bị cáo duy nhất trong vụ án là Lý Nguyễn Chung (26 tuổi, ở Đắk Lắk) bị xét xử về tội "giết người" và "cướp tài sản".

Lý Nguyễn Chung chính là hung thủ mới đầu thú trong vụ "10 năm tù oan" mà người chịu án "thay" Chung là ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang).

Ông Chấn không đến phiên xử Lý Nguyễn Chung, vì sao? - 1

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã rơi nhiều nước mắt vì cuộc đời lắm oan trái của mình

TAND tỉnh Bắc Giang không mời ông Chấn và gia đình tham dự phiên xử này vì đã hết quyền và trách nhiệm liên quan. Cách đây không lâu, cơ quan công an đã đọc quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Chiều nay, trả lời chúng tôi, anh Nguyễn Thế Anh (con trai út của ông Chấn) cho biết, gia đình anh sẽ không đến phiên tòa ngày mai mặc dù một số người dân thôn Me có thể vẫn đi để theo dõi xét xử. Gia đình ông Chấn tỏ ra không quan tâm nhiều đến phiên tòa này.

Anh Thế Anh còn cho biết, hiện đang là mùa vụ thu hoạch nên mấy hôm nay, gia đình anh khá bận rộn.

"Ngày mai, cả nhà tôi phải đi gặt lúa, không ai đi được đâu." - Anh Thế Anh nói.

Trước khi diễn ra phiên xử, trả lời chúng tôi, luật sư Hoàng Minh Hiển (Văn phòng luật Bắc Hà - Hà Nội, người bào chữa cho bị cáo Lý Nguyễn Chung) cho biết, ngày mai, quan điểm bào chữa của ông chủ yếu là theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Bởi theo luật sư, toàn bộ tình tiết vụ án đều đã khá rõ ràng. Một mặt bị cáo đã khai nhận tất cả hành vi, mặt khác bị cáo phạm tội lúc chưa đủ 16 tuổi.

Ông Chấn không đến phiên xử Lý Nguyễn Chung, vì sao? - 2

Lý Nguyễn Chung, hung thủ thực sự trong vụ án xảy ra cách đây hơn 10 năm

Ông Hiển cũng cho hay, qua thời gian tiếp xúc với Chung và gia đình, ông thấy  gia đình Chung rất khó khăn và vốn ít hiểu biết xã hội. Họ tỏ thái độ trông cậy tất cả vào luật sư, mong ông bào chữa cho Chung tốt nhất.

Suốt giai đoạn điều tra luật sư Hiển nhiều lần hỏi Chung: "Từ khi đầu thú, nhận trách nhiệm vì những gì mình đã gây ra trước đây, Chung cảm thấy thế nào?"

Chung nói rằng: "Thời gian đầu hơi khó ngủ vì nhớ nhà, nhớ gia đình nhưng cảm thấy đã bớt đi phần nào sự bứt rứt, cảm giác tội lỗi và sự hối hận ám ảnh không yên. Sau này, dù bị xử phạt thế nào tôi cũng chấp nhận".

Theo cáo trạng, chập tối 15/8/2003, Chung đến quán chị Nguyễn Thị Hoan để mua dầu gội đầu. Khi đi, Chung mang trong người một con dao bấm. Trong khi giao dịch, nhìn thấy tiền trong tủ kính của chị Hoan, Chung nảy sinh ý định giết người cướp của.

Lợi dụng lúc chị Hoan không để ý, Chung rút dao tấn công. Mặc dù chị Hoan tìm cách bỏ chạy nhưng Chung vẫn không buông tha mà truy sát đến cùng. Trong khi vật lộn, Chung tiếp tục đâm chị Hoan nhiều nhát. Đến khi dao gãy, Chung còn đập đầu chị Hoan xuống nền nhà và dùng vỏ chai bia tấn công.

Khi chị Hoan không còn cử động được, Chung lấy gối ở giường trùm lên mặt chị Hoan cho đến khi nạn nhân tắt thở hẳn mới thôi. Sau đó, Chung tháo 2 chiếc nhẫn màu vàng ở tay chị Hoan và lấy tiền rồi tắt điện, đóng cửa, ra về.

Trong khi Chung giết chị Hoan, có anh Nguyễn Văn An và Lê Văn Giới (công nhân xây dựng) đi xe đạp qua nhà nhìn thấy nhưng lại tưởng vợ chồng đánh nhau nên đã bỏ đi, không trình báo.

Sau khi gây án, Lý Nguyễn Chung đã bỏ trốn vào Tây Nguyên sinh sống. Ở quê hương, ông Nguyễn Thanh Chấn đã bị bắt và kết án tù chung thân. Ông Chấn chịu tội thay cho Chung 10 năm trời.

Tháng 10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Ông Chấn được trả tự do.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN