Chơi hàng hiệu mà không hiểu hàng hiệu

Chiếc áo không làm nên thầy tu, một chiếc túi da cá sấu vài trăm triệu chưa chắc đã làm cho bạn đẹp và "đẳng cấp" hơn so với một chiếc túi vài trăm nghìn được mua tại một cửa hàng bình dân trên phố.

Là một doanh nhân thành đạt kinh doanh bất động sản lâu năm ở Hà Nội, chị H. thừa sành điệu và hiểu biết về lĩnh vực thời trang, được nhiều người ngưỡng mộ. Ấy thế mà vẫn có lần người ta bắt gặp hình ảnh chị cầm trên tay chiếc túi Hermes khổ lớn bụi bặm gượng gạo tạo dáng để cố khoe ra bằng được trước ống kính máy ảnh, trong khi chị đang khoác trên mình bộ đầm dạ hội kiêu sa với giày cao gót lênh khênh và tóc bới cầu kỳ quý phái.

Trước những phản hồi, góp ý của bạn bè trên trang cá nhân về sự bất hợp lý này, chị cười xòa: "Biết thế nhưng mà những cái túi khác mọi người biết cả rồi, có mỗi "em" này mới nhất, chưa được trưng diện bao giờ nên muốn "trình làng" cho đỡ nhàm. Thôi thì mọi người cứ ngắm váy ra váy, túi ra túi đi thì có phải cả 2 cùng đẹp không".

Một bộ phận khách hàng "ruột" khác của các thương hiệu thời trang lớn đôi khi cũng không hề có chút kiến thức nào về thời trang. Đó là những "đại gia" dư thừa khả năng tài chính, họ xài đồ hiệu đơn giản vì họ nghĩ mình có tiền, phải dùng hàng xa xỉ để chứng minh đẳng cấp.

Chơi hàng hiệu mà không hiểu hàng hiệu - 1

Hàng tồn kho có thể được các hãng lớn chấp nhận hủy còn hơn là "xuống giá" (hình minh họa)

Dù không có ý khoe khoang, dương oai nhưng vô tình, đôi khi họ cũng làm mất đi phần nào giá trị của đồ hiệu khi sử dụng chúng mà không ý thức được những sản phẩm đó mang trong mình cả tâm huyết của những nhà thiết kế, hội tụ cả những công nghệ chế tác tinh xảo và hiện đại bậc nhất thế giới.

Kém "sang" hơn nhóm người này một chút là những tín đồ mê hàng hiệu nhưng lại ham đồ rẻ. Nhìn họ mang trên người những đôi giày sáng loáng nhãn mác bước đi đầy tự tin và kiêu hãnh, ít ai biết rằng họ đã mất đến hàng tiếng đồng hồ chen lấn, xô đẩy trong một cảnh hỗn loạn đông đúc không khác nào một phiên chợ vỡ. Họ tranh giành nhau từng tí một để rinh bằng được những món đồ hiệu trốn thuế giá rẻ.

Đôi khi, bí quá làm liều, họ cũng sẵn sàng chấp nhận dùng hàng "fake" (hàng nhái, hàng giả) với giá có khi chỉ bằng 1/10 hàng thật để "lòe" những người không biết.

Thực chất, một "dân chơi" hàng hiệu thực thụ luôn tự ý thức được giá trị của sản phẩm. Họ trân trọng từng đường kim, mũi chỉ, từng chiếc khuy nhỏ nhất... bởi tất cả đều là những "kiệt tác" của những nhà thiết kế bậc thầy. Họ khoác trên người những "bộ cánh" hàng trăm triệu vì họ cảm thấy thoải mái, vì chúng làm họ đẹp lên thực sự trong mắt người đối diện cho dù người ta chẳng hề biết cái áo đó giá bao nhiêu, đôi giày này hiệu gì.

Chung quy lại, dù là hàng chợ hay hàng hiệu, chúng chỉ đẹp khi được sử dụng đúng nơi đúng chỗ, khi chủ nhân biết cách kết hợp tinh tế, đặt trong một tổng thể hài hòa. Chiếc áo không làm nên thầy tu, đó chính là lý do một chiếc túi da cá sấu vài trăm triệu chưa chắc đã làm cho bạn đẹp và "đẳng cấp" hơn so với một chiếc túi vài trăm nghìn được mua tại một cửa hàng bình dân trên phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
NÓNG cùng thời trang mỗi ngày! Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN