Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ

Nhớ lại những hình ảnh cô bé Ô sin phải rời xa ngôi nhà thân yêu để đi ở đợ năm 7 tuổi lấy tiền nuôi cả gia đình vì cảnh nghèo đói, chắc hẳn hàng triệu khán giả Việt Nam khi xem đến đoạn này đều thấy nghẹn ngào và cay cay sống mũi, để rồi nước mắt chợt trào ra như đồng cảm với thân phận đầy đắng cay, tủi nhục của một cô bé ở đất nước Mặt trời mọc.

Ôsin hay Oshin - bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật Bản với 297 tập, kể về cuộc đời của người phụ nữ tên Shin sống ở vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) đến đầu thập niên những năm 80 của thế kỷ XX. Để hiểu về nghĩa của từ Ô sin mà ngày nay người dân Việt Nam vẫn dùng như một từ long trong tiếng Việt để chỉ những phận người đi ở, người hầu kẻ hạ, giúp việc vặt, trông nom trẻ con, chăm bẵm người già. Trong tiếng Nhật, kính ngữ “Ô” được dùng để thể hiện sự tôn trọng, vì vậy khi gọi bà Shin thì người ta sẽ gọ là "Ô -shin" (Nghĩa của từ "Shin" trong tiếng Nhật tức là từ "Shin" trong "Shinbo" - tâm bão, hay có nghĩa rộng hơn là sự cay đắng, tủi nhục, sự nhẫn nại và kiên trì). 

Rớt nước mắt cảnh Ôsin đi ở đợ

Câu chuyện về cuộc đời của Ôsin được bà Shin Tanokura (Oshin lúc về già) kể lại năm 1983 cho cậu cháu trai Kei – cháu gọi Shin là bà nội. Cũng chính Kei là người duy  nhất trong gia đình biết được lý do bà Shin bỏ nhà ra đi nhân dịp gia đình bà khai trương chuỗi cửa hàng thứ 17, Kei đồng thời là người biết bà Shin đã đi đâu vào đúng dịp quan trọng này.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 1

Oshin đang kể lại cuộc đời bà cho cậu cháu nội Kei.

Ôsin quyết định không cho con cháu biết việc bà một mình đi du lịch trên bắt chuyến tàu hỏa để trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Chính chàng trai Kei đã phán đoán ra bà nội anh ở đâu khi bỗng nhiên nhớ tới câu chuyện về con búp bê gỗ Kokeshi mà bà Shin đã từng kể cho anh, đây cũng chính là đầu mối giúp anh tìm ra bà mình để rồi anh được nghe bà kể lại toàn bộ kỷ niệm về cuộc đời đầy thăng trầm của bà cũng nhứ của đất nước Nhật Bản thế kỷ 20.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 2

Cô bé Oshin và con búp bê gỗ Kokeshi trên tay chào từ biệt mẹ trước khi lên đường đi ở đợ ở tuổi lên 7.

Năm Minh Trị thứ 40 (1907), Oshin lên 7 và bị cha đẻ quyết định cho em đi ở để giúp gia đình vượt qua cuộc sống khó khăn và nghèo đói, cũng đồng thời để giảm miệng ăn. Trước đó, hai chị gái lớn của Oshin cũng bị cha cho đi ở đợ. Oshin đi ở đợ với nhiệm vụ cõng và trông em, con một gia đình ở một vùng quê khá xa so với nơi ở của cô bé. Ban đầu Oshin rất sợ nhưng cứ ở nhà như thế này thì cả nhà càng khốn khổ hơn, do đó cô bé Oshin dù 7 tuổi cũng đã chấp nhận nuốt nước mắt làm tròn trách nhiệm, bổn phận của một đứa con trong gia đình. Khán giả Việt Nam xem đến đoạn này không khỏi nghĩ đến cảnh chị Dậu phải mang cái Tý 7 tuổi cùng đàn chó mới đẻ đem bán cho vợ chồng Nghị Quế lấy tiền đóng sưu cho chồng và em chồng.

Trong lúc mẹ và bà tỏ ra lo lắng và khóc rấm rứt vì không biết liệu một đứa trẻ mới lên 7 tuổi thì biết làm được việc gì, làm sao em có thể xoay xở được khi sống xa gia đình khi phải đi ở đợ. Oshin không ủy mị, cô bé thậm chí còn quay sang an ủi bà và mẹ yên lòng bởi nhà đã nhận gạo của người ta (chủ nhà nơi Oshin đến ở đợ) thì phải chăm chỉ làm việc: “Chị Haru và chị Mitsu đều cũng đi ở đấy thôi. Con không chịu thua hai chị đâu”, Oshin an ủi mẹ.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 3

Mẹ mong Oshin ăn thật nhiều cơm trắng những ngày cuối ở nhà trước khi đi ở.

Thậm chí ngay trước ngày Oshin đi ở, mẹ em đã nấu thật nhiều cơm trắng thay vì chỉ ăn cháo loãng với muối như mọi ngày, mặc dù bị cha của Oshin quát mắng vì sao dám nấu nhiều cơm trắng thế khi tiễn Oshin đi ở đợ chứ đâu phải ngày đại tiệc gì, hơn nữa gạo trắng phải mang đổi lấy gạo xấu ăn dần. Tuy nhiên mẹ em nói đây là gạo cuả Oshin, em phải đi ở đợ 1 năm ròng mới có được nên em và bà ngoại có quyền được ăn. Mẹ Oshin xới cho bà ngoại em một bát cơm trắng đầy và mời bà: “Bà là người thương Oshin nhất nhà, đây là cơm của Oshin, bà phải là người được ăn đầu tiên”, mẹ Oshin vừa nói vừa đưa bát cơm cho bà ngoại. Cảnh tượng và nghĩa cử của mẹ Oshin thật khiến người xem không cầm được nước mắt.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 4

Hình ảnh Oshin trên chiếc bè tre ngoái lại nhìn cha mẹ và bà trong ngày đi ở đợ ám ảnh tâm trí người xem.

Oshin ra đi trên một chiếc bè tre bên người chèo bè khoác chiếc áo tơi kết bằng rơm không khác là bao so với hình ảnh chiếc áo tơi của người nông dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hình ảnh cô bé Oshin ngoái đầu lại gào thét gọi mẹ gọi cha khiến nhiều khán giả lặng thắt lồng ngực... Người cha tuy vẻ ngoài tỏ ra cứng rắn và độc đoán, nhưng trong lòng ông vẫn tràn đầy tình yêu thương dành cho con, trong lúc Oshin ngủ ông đã đến bên cạnh đắp lại chăn cho con, ngày em đi ở đợ, ông cũng len lén đi tiễn con trong tâm trạng đầy  bất lực, đau xót. 

Công việc của Oshin khi đi ở đợ là giúp việc vặt cho gia đình nhà chủ như giặt giũ quần áo và cõng em. Những công việc dường như quá nặng nhọc với một cô bé mới lên 7 vẫn còn ngờ nghệch, non nớt. Mặc dù bị nhà chủ đánh đập và hành hạ nhưng Oshin vẫn ráng sức chịu đựng vì những lúc đó em đều nghĩ đến gia đình, nghĩ đến người thân trong gia đình và luôn mong một điều là bà cùng cha mẹ và các em đỡ khổ.

Cô bé 7 tuổi Oshin từ biệt gia đình để đi ở đợ (Tập 7 phim Oshin)

Vừa trông em, vừa đi học chữ viết thư về cho gia đình

Ở đợ trông em, Oshin tò mò theo đám trẻ trong làng đến trường đi học, cô bé chỉ dám lén đứng bên ngoài lớp học chăm chú dõi theo và học ké. Thầy giáo thương tình đã hết lòng giúp đỡ Oshin học đọc học viết chữ. Có lúc do mải quá mải học, Oshin về nhà muộn và khiến chủ nhà lo lắng ráo riết đi tìm, khi về nhà thì em bé vừa đói vừa khóc thét nên Oshin bị chủ nhà quát mắng. Oshin bắt đầu thấy sợ và không dám nghĩ đến việc đi học nữa. Thầy giáo không thấy Oshin đến lớp nên đã đến tận nhà thuyết phục chủ nhà cho em đi học, với điều kiện Oshin vẫn phải cõng em theo đến lớp.

Trên lớp, em bé hết khóc rồi lại đòi đi vệ sinh khiến đám học trò trong lớp đều chê cười và chế nhạo Oshin. Có lúc, Oshin phải ra ngoài thay tã cho em nhưng vẫn rỏng tai nghe các bạn trong lớp đọc phép toán cộng, 6 + 5  = 11, ngoài hành lang Oshin cũng ngóng cổ đọc kết quả theo "ju-i-chi" (mười một ). 

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 5

Oshin đi ở đợ với nhiệm vụ giặt giũ và trông em.

Nhạc mở đầu phim Oshin.

Nhờ nỗ lực và chịu khó, Oshin đã có thể viết được thư bằng chữ Katakana và nhờ người đưa về cho gia đình khiến cả nhà ai cũng ngạc nhiên không tin nổi con bé Oshin giờ đây đã biết đọc và viết được cả thư về nhà. Ngạc nhiên hơn với việc Oshin tuy phải đi ở đợ và trông em nhưng vẫn học được chữ, nhớ được bốn phép toán cộng, trừ, nhân, chia là điều không ai ngờ.

Nhớ bà nhớ mẹ, bỏ ở đợ để về thăm nhà.

Thời gian đi ở đợ, phải xa nhà, Oshin vô cùng nhớ mẹ và bà, cứ mỗi lúc ngồi giặt áo bên sông, Oshin vẫn thường hay nói chuyện một mình vì cô bé ngây thơ tin rằng tiếng nói của em sẽ được dòng nước chảy đưa về đến với mẹ và bà. Có lần Oshin phải giặt quần áo giữa mùa đông lạnh cóng tay, chủ nhà cho là em giặt không sạch và bị bắt phải đi giặt lại. Vì quá uất ức, Oshin bỏ về trong cơn bão tuyết và ngất xỉu dọc đường.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 6

Nhớ bà, nhớ mẹ em lại nói chuyện một mình với dòng nước trong lúc giặt với hy vọng nước sẽ mang lời của em về đến nhà.

Một lần khác, Oshin bị chủ nhà nghi ngờ ăn cắp tiền, cô bé 7 tuổi lúc này không còn chịu đựng thêm được nữa, vì vậy em quyết định bỏ trốn về với mẹ. Trên đường đi Oshin gặp bão tuyết và suýt chút nữa đã phải bỏ mạng. May mắn em được một người đàn ông cũng đang bỏ trốn và bị truy đuổi cứu sống khỏi cơn bão tuyết, hai con người đồng cảnh ngộ đã trú lại trong một túp lều và chờ cho đến khi tuyết tan.

Lúc về đến nhà, mẹ và bà của Oshin đều hết sức vui mừng chạy ra đón con đón cháu, trong khi cha của Oshin đã đánh cho em một trận nên thân vì dám tự ý bỏ về, việc này sẽ khiến chủ nhà tới đòi lại gạo. 

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 7

Oshin lúc trưởng thành trở về thăm nhà và mẹ.

Vì nhà quá nghèo, lại gặp lúc mất mùa, bà ngoại già yếu, nghĩ bản thân lại già cả vô dụng, sống cũng chỉ tốn cơm tốn gạo của con cháu nên bà của Oshin đã ra bờ sông định tự tử. Ở nhà, đang trong lúc hai em khóc quấy ngằn ngặt, quay đi quay lại không thấy bà đâu, Oshin vội chạy đi tìm và may mắn đã cứu được bà.

Cha Oshin tiếp tục cho em đi ở tận vùng Kaga-ya thuộc Sayaka, trong khi mẹ em cũng phải ra tỉnh làm gái bán hoa. Ở Kaga-ya, Oshin kết bạn với cô con gái chủ nhà và em đã sống ở Kaga-ya cho đến năm 16 tuổi. Tuy nhiên sau khi trở về nhà, cha Oshin vẫn bắt cô phải làm việc cho một quán bar. Oshin thừa hiểu nơi đây chỉ là vỏ bọc của một động mại dâm, vì vậy cô đã theo chị gái bỏ lên Tokyo theo học nghề thợ làm đầu.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 8

Oshin (áo trắng) trong tiệm làm đầu ở Tokyo.

Công việc cũng dần ổn định, Oshin gặp và kết hôn với người chồng sau này của cô. Năm 1923, một trận động đất lớn ở Tokyo đã phá hủy toàn bộ nhà và cửa hàng của hai vợ chồng Oshin. Mặc dù sống sót nhưng tất cả cơ ngơi đã bị phá hủy và mất trong cơn địa chấn vừa rồi nên hai vợ chồng quyết định quay về nhà chồng. Do cuộc hôn nhân của hai người không được mẹ chồng chấp nhận, vì vậy Oshin đã phải chịu rất nhiều gian khổ cũng như sự đay nghiến của mẹ chồng. Oshin từng bị gãy tay và sảy thai do công việc đồng áng nặng nhọc và vất vả.

Video: Ám ảnh cô bé Ôsin đi ở đợ - 9

Oshin lúc về già nhớ lại quãng thời thơ ấu cực khổ, nhọc nhằn.

Bộ phim từng được công chiếu ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Trung Quốc, Sri Lanka, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Hồng Kông, Afghanistan, Singapore, Ai Cập, Iran… với phụ đề tiếng Anh, và tiếng Ả-rập. Một số nước lồng tiếng hoặc có thuyết minh viên. 

Việt Nam là quốc gia thứ 41 chiếu bộ phim này khi được Đài truyền hình Việt Nam chiếu trên kênh VTV1 từ mùa hè năm 1994 và kéo dài khoảng một năm. Có chuyện thú vị là, trong quá trình phát sóng, trước mỗi tập phim nhiều khán giả bảo nhau rằng "chuẩn bị khăn để lau nước mắt đi, đến Ô sin rồi", điều này đã đủ thấy bộ phim có sức lay động và chiếm được cảm tình của khán giả Việt sâu sắc đến mức nào.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN